Môi trường sống và các nhân tố sinh thái

Khái niệm môi trường sống, các loại môi trường, khái niệm và các nhóm nhân tố sinh thái, giới hạn sinh thái và ổ sinh thái, sự thích nghi của sinh vật với môi trường sống.


Môi trường sống là phần không gian bao quanh sinh vật mà ở đó các yếu tố cấu tạo nên môi trường trực tiếp hay gián tiếp tác động lên sự sinh trưởng, phát triển và những hoạt động khác của sinh vật.

Các loại môi trường sống chủ yếu gồm: môi trường đất, môi trường trên cạn, môi trường nước, môi trường sinh vật.

Nhân tố sinh thái là tất cả những yếu tố của môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của sinh vật.

Các nhóm nhân tố sinh thái:

- Nhóm nhân tố sinh thái vô sinh là tất cả các nhân tố vật lý và hoá học của môi trường xung quanh sinh vật.

- Nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh là thế giới hữu cơ của môi trường, là những mối quan hệ giữa một sinh vật (hoặc nhóm sinh vật) này với một sinh vật (hoặc nhóm sinh vật) khác sống xung quanh. Trong nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh, nhân tố con người được nhấn mạnh là nhân tố có ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhiều sinh vật.

Giới hạn sinh thái là giới hạn chịu đựng của sinh vật đối với một nhân tố sinh thái nhất định của môi trường, trong đó sinh vật có thể tồn tại và phát triển ổn định theo thời gian, nằm ngoài giới hạn sinh thái thì sinh vật không tồn tại được.

Ổ sinh thái là cách sinh sống của loài đó, là một “không gian sinh thái” (hay không gian đa diện) mà ở đó tất cả các nhân tố sinh thái của môi trường nằm trong giới hạn sinh thái cho phép loài đó tồn tại và phát triển.

Các loài gần nhau về nguồn gốc khi sống trong một sinh cảnh và cùng sử dụng một nguồn thức ăn, chúng có xu hướng phân li ổ sinh thái để tránh cạnh tranh.

Sinh vật thích nghi với điều kiện môi trường khác nhau của môi trường, thể hiện qua các đặc điểm về hình thái, cấu tạo giải phẫu và hoạt động sinh lý.

Quy tắc về kích thước cơ thể (quy tắc Becman)

- Động vật hằng nhiệt sống ở vùng có khí hậu lạnh thì có kích thước cơ thể lớn hơn so với những động vật cùng loài sống ở vùng nhiệt đới ấm áp (tỉ số giữa diện tích bề mặt cơ thể với thể tích cơ thể (S/V) giảm, để hạn chế sự toả nhiệt của cơ thể). Đồng thời, chúng có lớp mỡ dày nên khả năng chống rét tốt.

Quy tắc về các bộ phận tai, đuôi, chi... của cơ thể (quy tắc Anlen)

- Động vật hằng nhiệt sống ở vùng ôn đới có tai, đuôi, chi ... bé hơn tai, đuôi, chi... của loài động vật tương tự sống ở vùng nóng.



Từ khóa phổ biến