Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ mục đích cho câu trang 150 SGK Tiếng Việt tập 2

Giải bài tập Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ mục đích cho câu trang 150 SGK Tiếng Việt tập 2. Câu 1. Tìm trạng ngữ chỉ mục đích trong các câu sau: a. Để tiêm phòng dịch cho trẻ em, tỉnh đã cử nhiều đội y tế về các bản.


I. Nhận xét

1. Trạng ngữ được in nghiêng trong mẩu chuyện trả lời câu hỏi gì?

Con cáo và chùm nho

Một con cáo nhìn thấy những chùm nho chín mọng liền tìm cách hái chúng. Nhưng loay hoay mãi, cáo ta vẫn không với được chùm nho. Để dẹp nỗi bực mình, Cáo bèn nói:

- Nho còn xanh lắm.

TRUYỆN NGỤ NGÔN Ê-DỐP

Gợi ý:

Con thử đặt câu hỏi cho phần in nghiêng để biết được nó trả lời cho câu hỏi gì.

Trả lời:

Trạng ngữ: Để dẹp nỗi bực mình trong mẩu chuyện “Con cáo và chùm nho” trả lời cho câu hỏi: Nhằm mục đích gì? Để làm gì?


2. Loại trạng ngữ trên bổ sung ý nghĩa gì cho câu?

Gợi ý:

Từ việc biết được trạng ngữ đó trả lời cho câu hỏi: Nhằm mục đích gì? Để làm gì? con hãy suy ra nó bổ sung ý nghĩa gì cho câu?

Trả lời:

Loại trạng ngữ này bổ sung ý nghĩa mục đích cho câu.


II. Luyện tập

1. Tìm trạng ngữ chỉ mục đích trong các câu sau:

a. Để tiêm phòng dịch cho trẻ em, tỉnh đã cử nhiều đội y tế về các bản.

b. Vì Tổ quốc, thiếu niên sẵn sàng!

c. Nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, các trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Gợi ý:

Con đọc thật kĩ đề bài và các câu rồi trả lời.

Trả lời:

a)  Câu a có trạng ngữ chỉ mục đích là: Để tiêm phòng dịch cho trẻ em

b) Câu b có trạng ngữ chỉ mục đích là: Vì Tổ quốc

c) Câu c có trạng ngữ chỉ mục đích là: Nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh


2. Tìm trạng ngữ thích hợp chỉ mục đích để điền vào chỗ trống:

a. ....., xã em vừa đào một con mương.

b. ........., chúng em quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt.

c. .........., em phải năng tập thể dục.

Gợi ý:

Con lựa chọn trạng ngữ chỉ mục đích phù hợp với nội dung và điền vào chỗ trống.

Trả lời:

a)  Để có đủ nước phục vụ nông nghiệp, xã em vừa đào một con mương.

b)  Để trở thành các cháu ngoan của Bác Hồ, chúng em quyết học tập và rèn luyện thật tốt.

c)  Muốn có một cơ thể cường tráng, em phải năng tập thể dục..


3. Thêm chủ ngữ, vị ngữ vào chỗ trống để có các câu hoàn chỉnh

a. Vì sao chuột thường gặm các vật cứng? Không giống với răng người và răng nhiều loài vật khác, răng của chuột mỗi ngày một mọc dài ra, cho đến khi chuột chết mới thôi. Nếu răng cứ mọc dài mãi như vậy, dĩ nhiên là rất vướng víu. Để mài cho răng mòn đi,....

Theo PHẠM VĂN BÌNH

b. Vì sao lợn thường lấy mõm dũi đất lên? Chúng ta biết rằng các giống lợn nuôi hiện nay đều có nguồn gốc từ lợn rừng. Mũi và mồm lợn rừng rất dài, xương mũi rất cứng. Để tìm thức ăn,....  Thói quen dũi đất của lợn nhà bắt nguồn từ cách tìm kiếm thức ăn của lợn rừng.

Theo PHẠM VĂN BÌNH

Gợi ý:

Từ đặc tính và thói quen của chuột và lợn, con suy nghĩ để điền từ thích hợp vào chỗ trống.

Trả lời:

a)  Vì sao chuột thường gặm các vật cứng? Không giống với răng người và răng nhiều loài vật khác, răng của chuột mỗi ngày một mọc dài ra, cho đến khi chuột chết mới thôi. Nếu răng cứ mọc dài mãi như vậy, dĩ nhiên là rất vướng víu. Để mài cho răng mòn đi, chuột phải luôn tìm các vật cứng mà gặm.

b) ...  Để tìm thức ăn, lợn thường lấy mõm dũi đất lên. Thói quen dũi đất của lợn nhà bắt nguồn từ cách tìm kiếm thức ăn của lợn rừng.

Bài giải tiếp theo
Tập làm văn: Miêu tả con vật trang 149 SGK Tiếng Việt tập 2
Tập làm văn: Điền vào giấy tờ in sẵn trang 152 SGK Tiếng Việt tập 2

Bài học bổ sung
Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ phương tiện cho câu trang 160 SGK Tiếng Việt tập 2

Video liên quan