Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Nhân hậu - Đoàn kết trang 17 SGK Tiếng Việt 4 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4 Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Nhân hậu - đoàn kết trang 17 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 1. Tìm các từ ngữ: a) Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại.


Bài 1

Tìm các từ ngữ:

a) Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại.

M : lòng thương người

b) Trái nghĩa với nhân hậu hoặc yêu thương.

M: độc ác

c) Thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ đồng loại.

M: cưu mang

d) Trái nghĩa với đùm bọc hoặc giúp đỡ.

M: ức hiếp

Gợi ý:

Con suy nghĩ để tìm từ thích hợp.

Trả lời:

Tìm các từ ngữ

a) Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm thương yêu đồng loại: lòng thương người, lòng nhân ái, lòng vị tha, tình thân ái, tình thương mến, yêu quý, đau xót, xót thương, tha thứ, độ lượng, bao dung...

b) Từ ngữ trái nghĩa với nhân hậu, yêu thương: độc ác, hung ác, nanh ác, tàn ác, tàn bạo, cay độc, ác nghiệt, hung dữ, dữ tợn, dữ dằn...

⟶ Từ ngữ thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ đồng loại: giúp, cứu giúp, cứu trợ, hỗ trợ, ủng hộ, bênh vực, bảo vệ, che chở, che chắn, che đỡ, cưu mang, nâng đỡ, nâng niu...

d) Từ ngữ trái nghĩa với đùm bọc, giúp đỡ: ức hiếp, ăn hiếp, hà hiếp, bắt nạt, hành hạ, đánh đập, áp bức, bóc lột...


Bài 2

Cho các từ sau : nhân dân, nhân hậu, nhân ái, công nhân, nhân loại, nhân đức, nhân từ, nhân tài. Hãy cho biết:

a) Trong những từ nào, tiếng nhân có nghĩa là "người" ?

b) Trong những từ nào, tiếng nhân có nghĩa là "lòng thương người" ?

Gợi ý:

Con đọc kĩ các từ đã cho để sắp xếp vào các nhóm thích hợp.

Trả lời:

a) Tiếng nhân có nghĩa là người: nhân dân, công nhân, nhân loại, nhân tài.

b) Tiếng nhân có nghĩa là lòng thương người: nhân hậu, nhân ái, nhân đức, nhân từ.


Bài 3

Đặt câu với một từ ở bài tập 2.

Gợi ý:

Con lựa chọn rồi đặt câu sao cho phù hợp.

Trả lời:

Đặt câu (nhóm a): Nhân dân ta rất yêu nước, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong, lao động.

Chú em là công nhân ngành điện lực.

Ai chẳng mong muốn trở thành một nhân tài của đất nước.

Đặt câu (nhóm b): Lòng nhân ái bao la của Bác Hồ khiến nhân dân ta và cả nhân loại kính phục.

Ai cũng quý con người có lòng nhân hậu, Ông ấy là người ăn ở hiền lương, nhân đức.


Bài 4

Các tục ngữ dưới đây khuyên ta điều gì, chê điều gì ?

a) Ở hiền gặp lành.

b) Trâu buộc ghét trâu ăn.

c) Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Gợi ý:

Từ nghĩa đen được giải thích sau đây hãy suy ra nghĩa bóng, lời khuyên của câu tục ngữ:

- Ở hiền gặp lành: Sống hiền lành sẽ gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống.

- Trâu buộc ghét trâu ăn: Con trâu bị buộc lại thường ghen ghét, đố kị với con trâu được thả, ăn uống thoải mái.

- Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao: Chỉ có một cái cây thì không làm nên được hòn núi, nhưng ba cái cây chụm lại thì sẽ hình thành một hòn núi.

Trả lời:

a) Câu Ở hiền gặp lành khuyên ta nên ở hiền vì ờ hiền sẽ gặp điều tốt đẹp, may mắn.

b) Câu Trâu buộc ghét trâu ăn chê kẻ xấu bụng, hay ghen tị khi thấy người khác may mắn, hạnh phúc.

c) Câu “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” khuyên mọi người nên đoàn kết vì đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh.

Loigiahay.com

Bài giải tiếp theo
Kể chuyện đã nghe đã đọc trang 18 SGK Tiếng Việt 4 tập 1
Soạn bài: Truyện cổ nước mình trang 19 SGK Tiếng Việt 4 tập 1
Tập làm văn: Kể lại hành động của nhân vật trang 20 SGK Tiếng Việt 4 tập 1
Luyện từ và câu: dấu hai chấm trang 22 SGK Tiếng Việt 4 tập 1
Tập làm văn: Tả ngoại hình của nhân vật trong bài văn kể chuyện trang 23 SGK Tiếng Việt 4 tập 1

Bài học bổ sung
Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Nhân hậu - Đoàn kết trang 33 SGK Tiếng Việt 4 tập 1

Video liên quan