Hũ bạc trang 45, 46 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều
Mỗi tấm ảnh dưới đây thể hiện hoạt động hoặc trang phục của một dân tộc ở Việt Nam. Hãy nói điều em thích trong một tấm ảnh. Kể thêm tên một số dân tộc khác ở Việt Nam mà em biết. Thấy người con lười biếng, người cha bảo con làm gì. Lần đầu người con mang tiền về, vì sao người cha biết đó không phải tiền do con tự làm ra. Lần thứ hai người con mang tiền về, vì sao người cha biết đó là tiền do con làm ra. Em thích nhất câu nói nào trong câu chuyện này. Vì sao. Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong
Phần I
Chia sẻ:
Câu 1: Mỗi tấm ảnh dưới đây thể hiện hoạt động hoặc trang phục của một dân tộc ở Việt Nam. Hãy nói điều em thích trong một tấm ảnh.
Phương pháp giải:
Em quan sát hình ảnh và liên hệ bản thân để nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
Em thích hình ảnh số 5, trong hình ảnh có tà áo dài và nón lá rất đẹp.
Câu 2
Câu 2: Kể thêm tên một số dân tộc khác ở Việt Nam mà em biết.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của mình để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
Một số dân tộc khác mà em biết là: Mường, Tày, Nùng, Chu-Ru, Hà Nhì, Tà Ôi, Gia Rai, Bru-Vân Kiều,...
Phần II
Bài đọc:
Hũ bạc
Xưa, có hai vợ chồng rất siêng năng nên về già để dành được một hũ bạc. Hai ông bà chỉ buồn vì người con trai lười biếng.
Một hôm, ông lão bảo con:
- Cha muốn thấy con tự mình kiếm được tiền. Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
Bà mẹ sợ con vất vả, liền dúi tiền cho. Người con cầm tiền đi chơi, khi chỉ còn vài đồng mới về đưa cho cha. Người cha vứt ngay nắm tiền xuống áo. Thấy con vẫn thản nhiên, ông nghiêm giọng:
- Đây không phải tiền con làm ra.
Người con lại ra đi. Bà mẹ chỉ dám cho ít tiền ăn. Hết tiền, anh đành phải đi làm thuê. Anh ăn tiêu tiết kiệm, cố gắng dành dụm tiền. Ba tháng sau, anh trở về, đưa tiền cho cha.
Ông lão hỏi:
- Tiền này con tự làm ra phải không?
- Thưa cha, vâng ạ.
Ông lão ném mấy đồng tiền vào bếp lửa. Người con vội thọc tay vào lửa, lấy tiền ra. Ông lão cười:
- Cha rất mừng vì tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền.
Lúc đó, ông mới đưa hũ bạc cho con và bảo:
- Nếu con lười biếng, cha mẹ có cho một trăm hũ bạc cũng không đủ. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là đôi bàn tay con.
Truyện dân gian Chăm
Phần III
Đọc hiểu:
Câu 1: Thấy người con lười biếng, người cha bảo con làm gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Thấy người con lười biếng, người cha bảo con hãy đi làm và mang tiền về.
Câu 2
Câu 2: Lần đầu người con mang tiền về, vì sao người cha biết đó không phải tiền do con tự làm ra?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Lần đầu người con mang tiền về, người cha biết đó không phải tiền do con tự làm ra vì khi người cha vứt nắm tiền xuống ao, người con trai vẫn thản nhiên.
Câu 3
Câu 3: Lần thứ hai người con mang tiền về, vì sao người cha biết đó là tiền do con làm ra?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Lần thứ hai người con mang tiền về, người cha biết đó là tiền do con làm ra vì khi người cha ném tiền vào bếp lửa, người con vội vàng thọc tay vào lửa lấy tiền ra.
Câu 4
Câu 4: Em thích nhất câu nói nào trong câu chuyện này? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em liên hệ bản thân và nói lên suy nghĩ của mình.
Lời giải chi tiết:
Em thích nhất câu nói “Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là đôi bàn tay con” trong câu chuyện này. Vì câu nói chỉ ra rằng có làm lụng, lao động thì mới tạo ra của cải, đôi tay có thể làm nên tất cả.
Phần IV
Luyện tập:
Câu 1: Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong các câu dưới đây:
a) Người con ăn tiêu rất tiết kiệm, cố gắng dành dụm để mang tiền về.
b) Ông lão ném mấy đồng tiền vào bếp lửa để thử lòng con trai.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
a) Người con ăn tiêu rất tiết kiệm, cố gắng dành dụm để làm gì?
b) Vì sao ông lão ném mấy đồng tiền vào bếp lửa?
Câu 2
Tìm trong bài đọc:
a) Một câu kể.
b) Một câu hỏi.
c) Một câu khiến.
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a) Một câu kể: Xưa, có hai vợ chồng rất siêng năng nên về già để dành được một hũ bạc.
b) Một câu hỏi: Tiền này con tự làm ra phải không?
c) Một câu khiến: Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Hũ bạc trang 45, 46 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều timdapan.com"