Giải VBT ngữ văn 7 bài Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy

Giải câu hỏi 1, 2, 3, 4 Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy trang 113 VBT Ngữ văn 7 tập 2.


Câu 1

Câu 1 (trang 113 VBT Ngữ văn 7, tập 2): 

Trong mỗi câu có dấu chấm lửng dưới đây, dấu chấm lửng được dùng đề làm gì?

a) - Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à? 

- Dạ, bẩm...

- Đuổi cổ nó ra!

(Phạm Duy Tốn)

b) Ô hay, có điều gì bố con trong nhà bào nhau chứ sao lại...

(Đào Vũ)

c) Cơm, áo, vợ, con, gia đình... bó buộc y.

(Nam Cao)


Lời giải chi tiết:

Công dụng của dấu chấm lửng:

a, Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

b, Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

c, Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.


Câu 2

Câu 2 (trang 113 VBT Ngữ văn 7, tập 2): 

Nêu rõ công dụng của dấu chấm phẩy trong mỗi câu dưới đây:

a) Dưới ánh trăng này, dòng thác nước sẽ đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn.

(Thép Mới)

b) Con sông Thái Bình quanh năm vỗ sóng òm ọp vào sườn bãi và ngày ngày vẫn mang phù sa bồi cho bãi thêm rộng; nhưng mỗi năm vào mùa nước, cũng con sông Thái Bình mang nước lũ về làm ngập hết cả bãi Soi.

(Đào Vũ) 

c) Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay.

(Hoài Thanh)


Lời giải chi tiết:

Công dụng của dấu chấm phẩy:

a, Đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp.

b, Đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp.

c, Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.


Câu 3

Câu 3 (trang 114 VBT Ngữ văn 7, tập 2): 

Viết một đoạn văn (đề tài tự chọn) trong đó:

a, Có câu dùng dấu chấm lửng.

b, Có câu dùng dấu chấm phẩy.


Lời giải chi tiết:

      Đất nước chúng ta đã được mẹ Thiên nhiên ưu ái ban phát biết bao những cảnh đẹp làm say lòng người. Đâu đâu ta cũng bắt gặp những cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp rất riêng: từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ đồng bằng cho đến miền ngược, từ rừng đến biển,... Đến đây ta chẳng thể nảo quên được vẻ đpẹ của vịnh Hạ Long- 1 trong 7 kì quan thiên nhiên của thế giới. Phong cảnh thiên nhiên Hạ Long đẹp hùng vĩ  được tạo nên bởi những  khối núi đá vôi mọc lên khỏi mặt nước tĩnh lặng, lẩn khuất trong sương sớm bảng lảng như có bàn tay sắp đặt cố tình của tạo hoá.  Vẻ đẹp với rừng núi và biển xanh rộng mênh mông như một bức tranh phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình của Nha Trang sẽ khiến chẳng ai có thể khước từ hay buông lời chê bai. Màu vàng của những đồi cát rộng mênh mang và màu xanh biếc của những hàng dừa cao vút uốn mình quanh bờ biển nơi Mũi Né chính là một trong những cảnh đẹp không thể không nhắc đến. Ngược lên miền núi cao, ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cung đèo Hà Giang; vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa; vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc. Bất cứ nơi đâu, con người đều có thể có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình trên dải đất hình chữ S này. 

Chú thích:

Dấu chấm lửng và chấm phẩy được in đậm:

- dấu chấm lửng: Tỏ ý còn nhiều sự vật chưa được liệt kê hết

- dấu chấm phẩy: đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong phép liệt kê



Câu 4

Câu 4 (trang 114 VBT Ngữ văn 7, tập 2): 

Đọc truyện vui sau đây và cho biết vì sao anh con trai trong truyện lại uống rượu và đánh bạc.

Một ông bố lúc sắp mất cho gọi con trai đến đổ trối trăng. Ông lão thều thào nói qua hơi thở :

   -  Đừng uống trà... uống rượu, con nhé !

   -  Đừng đánh cờ... đánh bạc, con nhé !

   Anh con trai vốn là người con vừa có hiếu, vừa cần kiệm, nhưng không hiểu vì sao chỉ sau khi bố mất ít lâu đã trở thành bợm rượu và con bạc lừng lẫy nhất vùng, đến nỗi bán sạch cả sản nghiệp do bố để lại.


Phương pháp giải:

- Anh con trai trong truyện uống rượu và đánh bạc vì đã hiểu nhầm lời dặn trước lúc mất của bố.

- Trong lời nói của ông bố trước khi mất đã có sự ngắt quãng (ở chỗ dấu ba chấm “…”) gây nên sự hiểu nhầm.