A. Hoạt động thực hành - Bài 81 : Em ôn lại những gì đã học

Giải Bài 81 : Em ôn lại những gì đã học phần hoạt động thực hành trang 63, 64 sách VNEN toán lớp 5 với lời giải dễ hiểu


Câu 1

Chơi trò chơi “Đố bạn”:

- Cùng nhau viết các công thức tính diện tích, thể tích hình hộp chữ nhật và hình lập phương. Nói cho nhau nghe cách tính.

- Chia lớp thành hai đội. Đội A nêu yêu cầu, chẳng hạn : Tính thể tích hình lập phương có cạnh 5cm. Đội B thực hiện tính rồi đổi vai.

Phương pháp :

Xem lại cách tính diện tích, thể tích hình hộp chữ nhật và hình lập phương rồi chơi trò chơi theo hướng dẫn ở đề bài

Cách giải :

*) Hình hộp chữ nhật

- Muốn tính diện tích xung quanh của hình hộp chữ nhật ta lấy chu vi mặt đáy nhân với chiều cao (cùng một đơn vị đo).

- Muốn tính diện tích toàn phần của hình hộp chữ nhật ta lấy diện tích xung quanh cộng với diện tích hai đáy của hình hộp chữ nhật.

- Muốn tính thể tích hình hộp chữ nhật ta lấy chiều dài nhân với chiều rộng rồi nhân với chiều cao (cùng một đơn vị đo).

*) Hình lập phương

- Muốn tính diện tích xung quanh của hình lập phương ta lấy diện tích một mặt nhân với 4.

- Muốn tính diện tích toàn phần của hình lập phương ta lấy diện tích một mặt nhân với 6.

- Muốn tính thể tích hình lập phương ta lấy cạnh nhân với cạnh rồi nhân với cạnh.

*) Một số ví dụ:

Ví dụ 1 : Tính diện tích toàn phần và thể tích hình lập phương có cạnh 5cm.

Cách giải :

Diện tích toàn phần của hình lập phương đó là :

            5 × 5 × 6 = 150 (cm2)

Thể tích hình lập phương đó là :

            5 × 5 × 5 = 125 (cm3)

Ví dụ 2 : Tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần của hình hộp chữ nhật có chiều dài 6dm, chiều rộng 4dm và chiều cao 3dm.

Cách giải :

Chu vi đáy của hình hộp chữ nhật là :

            (6 + 4) × 2 = 20 (dm)

Diện tích xung quanh hình hộp chữ nhật đó là :

            20 × 3 = 60 (dm2)

Diện tích một mặt đáy của hình hộp chữ nhật là :

            6 × 4 = 24 (dm2)

Diện tích toàn phần hình hộp chữ nhật là :

            60 + 24 × 2 = 108 (dm2)


Câu 2

Một bể kính nuôi cá dạng hình hộp chữ nhật có chiều dài 1,2m chiều rộng 60cm, chiều cao 80cm.

a) Tính diện tích kính dùng để làm bể cá đó (bể cá không có nắp).

b) Tính thể tích bể cá đó.

c) Mực nước trong bể bằng \(\dfrac{3}{4}\) chiều cao của bể. Tính thể tích nước trong bể đó (độ dày kính không đáng kể).

Phương pháp :

a) Vì bể không có nắp nên diện tích kính dùng để làm bể cá bằng diện tích xung quanh cộng với diện tích một mặt đáy.

Để tính diện tích xung quanh ta lấy chu vi đáy nhân với chiều cao.

Để tính diện tích mặt đáy ta lấy chiều dài nhân với chiều rộng.

b) Tính thể tích bể cá ta lấy chiều dài nhân với chiều rộng rồi nhân với chiều cao (cùng một đơn vị đo).

c) Tính thể tích nước trong bể đó ta lấy thể tích bể nước nhân với \(\dfrac{3}{4}.\)

Cách giải :

Đổi: 1,2m = 12dm ; 60cm = 6dm ; 80cm = 8dm.

a) Chu vi đáy của bể cá đó là :

            (12 + 6) × 2 = 36 (dm)

Diện tích xung quanh của bể cá đó là :

            36 × 8 = 288 (dm2)

Diện tích mặt đáy của bể cá đó là :

            12 × 6 = 72 (dm2)

Diện tích kính cần để làm bể cá đó là :

             288 + 72 = 360 (dm2)

b) Thể tích của bể cá đó là :

            12 × 6 × 8 = 576 (dm3)

c) Thể tích nước trong bể đó là:

            576 × \(\dfrac{3}{4}\) = 432 (dm3)

                          Đáp số: a) 360dm2 ;

                                      b) 576dm3 ;

                                      c) 432dm3.


Câu 3

Một hình lập phương có cạnh 0,5m. Tính :

a) Diện tích xung quanh của hình lập phương

b) Diện tích toàn phần của hình lập phương

c) Thể tích của hình lập phương

Phương pháp :

Áp dụng các quy tắc :

- Muốn tính diện tích xung quanh của hình lập phương ta lấy diện tích một mặt nhân với 4.

- Muốn tính diện tích toàn phần của hình lập phương ta lấy diện tích một mặt nhân với 6.

- Muốn tính thể tích hình lập phương ta lấy cạnh nhân với cạnh rồi nhân với cạnh.

Cách giải :

a) Diện tích xung quanh của hình lập phương là : 

              (0,5 × 0,5) × 4 = 1 (m2)

b) Diện tích toàn phần của hình lập phương là :

              (0,5 × 0,5) × 6 = 1,5 (m2)

c) Thể tích của hình lập phương là :

              0,5 × 0,5 × 0,5 = 0,125 (m3)

                                    Đáp số: a) 1m2

                                                 b) 1,5m2

                                                 c) 0,125m3.

 



Từ khóa phổ biến