Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Ninh Hải

Giải chi tiết đề thi kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Ninh Hải với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài

I. ĐOC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:

- Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: Cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông”.

 (Theo Tuốc – ghê - nhép)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Nêu nội dung của văn bản.

Câu 3: Nhân vật “tôi” đã chonhận điều gì ở ông lão ăn xin?

Câu 4: Anh/chị rút ra bài học gì từ câu chuyện trên?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

(Trao duyên trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Sách Ngữ văn lớp 10, tập 2)

Lời giải chi tiết

Phần I. Đọc hiểu

1.

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.

* Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự

2.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải

- Sự đồng cảm, tình yêu thương, lòng nhân ái có giá trị hơn bất cứ thứ của cải, vật chất nào.

3.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Nhân vật “tôi” đã “cho” ông lão sự đồng cảm, tình yêu thương bằng một cái nắm tay đầy ấm áp.

- Nhân vật “tôi” cũng “nhận” lại được lời cám ơn từ ông lão đồng thời nhận thức bài học sâu sắc về giá trị của tình yêu thương, sự chân thành,..

4.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Gợi ý:

-  Sự quan tâm, lòng chân thành chính là món quà tinh thần quý giá nhất đối với những mảnh đời bất hạnh, nó vượt lên trên mọi giá trị vật chất khác.

- Phải biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh, số phận của người khác

- Khi cho đi cũng chính là lúc ta nhận lại.

Phần II. Làm văn

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Gợi ý: Học sinh trình bày suy nghĩ của mình với thái độ chân thành, nghiêm túc, hợp lí, thuyết phục. Có thể theo định hướng sau :

- Giải thích: Lòng nhân ái là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa con người và con người.

- Đưa ra quan điểm của bản thân:

+ Quan điểm tích cực: Giới trẻ ngày nay vẫn luôn thể hiện tình yêu thương, lòng nhân ái của mình với gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội. Những học sinh, sinh viên không những lo đèn sách, học tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức mà họ còn tham gia nhiều hoạt động xã hội như: Chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, dạy thêm cho các mái ấm … đó là biểu hiện tốt đẹp của tình yêu thương, lòng nhân ái.

+ Quan điểm tiêu cực: Hiện nay, một bộ phận giới trẻ ăn chơi lêu lổng, ích kỉ, vô cảm với cuộc sống của người thân trong gia đình và xã hội.

- Liên hệ bản thân

 Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

I. Giới thiệu chung

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích Trao duyên.

- Giới thiệu 12 câu thơ đầu của đoạn trích: Là lời Thúy Kiều nhờ cậy Thúy Vân thay mình kết duyên cùng Kim Trọng

II. Phân tích

a. Lời nhờ cậy của Thúy Kiều (2 câu đầu)

- Lời nói

+ “Cậy”: Đồng nghĩa với “nhờ” nhưng “cậy” còn bao hàm ý nghĩa gửi gắm, mong đợi, tin tưởng về sự giúp đỡ đó.

+ “Chịu lời”: Đồng nghĩa với “nhận lời” nhưng “nhận lời” nó còn bao hàm sắc thái tự nguyện, có thể đồng ý hoặc không đồng ý, còn “chịu lời” thì bắt buộc phải chấp nhận, không thể từ chối bởi nó mang sắc thái nài nỉ, nài ép của người nhờ cậy.

- Hành động: “Lạy, thưa”

+ Là hành động của người bề dưới với người bề trên, nhưng ở đây Kiều là chị lại lạy, thưa em mình.

+ Đây là hành động bất thường nhưng lại hoàn toàn bình thường trong hoàn cảnh này bởi hành động của Kiều là lạy đức hi sinh cao cả của Thúy Vân. Bởi vậy, việc Thúy Kiều nhún nhường, hạ mình van nài Thúy Vân là hoàn toàn hợp lý

=> Hành động bất thường đặt trong mối quan hệ với các từ ngữ đặc biệt đã nhấn mạnh tình thế éo le của Thúy Kiều.

- Hoàn cảnh đặc biệt của Kiều:

+ Thúy Kiều phải tha thiết cầu xin Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Kiều biết rằng việc mình đang nhờ Vân ảnh hưởng lớn đến cuộc đời em sau này bởi Thúy Vân và Kim Trọng không có tình yêu.

+ Tâm trạng của Kiều đau khổ, tuyệt vọng bởi người ta có thể trao cho nhau kỉ niệm, đồ vật chứ không ai đi trao đi tình yêu của mình.

b. Lí lẽ trao duyên của Kiều (10 câu tiếp)

* Kiều bộc bạch về tình cảnh của mình:

- Thành ngữ “đứt gánh tương tư”: chỉ tình cảnh tình duyên dang dở của Kiều, nàng bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát giữa một bên là chữ hiếu một bên là chữ tình nên trao duyên là lựa chọn duy nhất của nàng.

- Chữ “mặc”: Là sự phó mặc, ủy thác, ủy nhiệm. Kiều đã giao toàn bộ trọng trách cho Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

=> Cho thấy tâm trạng đau đớn, xót xa của Kiều

=> Là lời thuyết phục khôn khéo của Kiều dấy lên tình thương và trách nhiệm của người em đối với chị của Thúy Vân.

* Kiều kể về mối tình với chàng Kim:

- Hình ảnh “Quạt ước, chén thề”: Gợi về những kỉ niệm đẹp, ấm êm, hạnh phúc của Kim và Kiều với những lời thề nguyền, đính ước gắn bó, thủy chung.

- “Sóng gió bất kì”: Tai họa bất ngờ ập đến, Kiều bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, phải chọn giữa tình và hiếu. Kiều đã chọn hi sinh chữ tình.

=> Mối tình Kim – Kiều là mối tình đẹp nhưng mong manh, dễ vỡ

=> Vừa bộc lộ tâm trạng đau đớn, xót xa của Kiều, vừa khiến Vân xúc động mà nhận lời.

* Kiều nhắc đến tuổi trẻ và tình máu mủ và cái chết:

- Hình ảnh ẩn dụ “Ngày xuân’: Tuổi trẻ.

=> Vân vẫn còn trẻ, còn cả tương lai phía trước.

- “Tình máu mủ”: Tình cảm ruột thịt của những người cùng huyết thống.

=> Kiều thuyết phục em bằng tình cảm ruột thịt.

- Thành ngữ “Thịt nát xương mòn” và “ Ngậm cười chín suối”: nói về cái chết đầy mãn nguyện của Kiều.

=> Kiều viện đến cả cái chết để thể hiện sự cảm kích thật sự của mình khi Vân nhận lời.

⇒ Lý lẽ của Kiều vừa thấu tình vừa đạt lý khiến Vân không thể không nhận lời.

⇒ Kiều là một người con gái thông minh, sắc sảo cũng đầy tình cảm, cảm xúc.

d. Nghệ thuật:

- Cách sử dụng từ ngữ tinh tế, tài tình.

- Sử dụng các thành ngữ dân gian và hình ảnh ẩn dụ

- Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật liệt kê, ẩn dụ.

- Giọng điệu nhẹ nhàng, da diết, giàu cảm xúc.

III. Kết luận

- Khẳng định giá trị của 18 câu thơ đầu đối với đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung.

 Xem bài văn mẫu: Phân tích 12 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên

Bài giải tiếp theo