Giải câu 1, 2, 3 trang 12, 13

Giải Cùng em học tiếng việt lớp 4 tập 2 tuần 21 câu 1, 2, 3 trang 12, 13 với lời giải dễ hiểu. Câu 1. Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:


Câu 1

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Khoét sáo diều

            Ông Cả Nam là một người ưa thú chơi diều và là một tay khoét sáo diều khét tiếng cả vùng. Những chiếc sáo ông làm ra, tiếng đổ rất hay và phân biệt rất rõ là sáo chim, sáo còi, sáo cồng hay sáo đẩu.

            Sáo chim là thú sáo thường để đeo vào những con chim thi, tiếng kêu vút và dài. Sáo còi tiếng to hơn sáo chim, the thé và cũng kéo dài. Sáo cồng kêu rổn rổn từng tiếng ro ro ròn ròn. Tiếng sáo đẩu ngân vang lưng trời và kêu đều đều, đều đều.

            Ông chọn những ống tre nhỏ, già làm mình sáo. Lựa được ống tre, ông phải gọt ngoài, róc trong để làm mảnh hẳn ống tre. Lại phải khoét ở giữa ống tre một lỗ thông suốt để luồn cọng sáo, nơi khoét đó phải làm kín trong lòng để giữ gió thì sáo mới kêu. Rồi phải dùng sơn để gắn sao cho cân, cho đều và cho kín. Còn miệng sáo, ông phải dùng gồ mỏ, thứ gỗ vừa mềm, vừa dai, vừa chịu được nắng mưa, không co, không giãn.

            Tất cả những điều tinh vi đó vẫn chưa là chỗ chính. Chỗ chính là nơi miệng sáo phải khoét thế nào cho sáo đón gió thành tiếng kêu mình muốn. Miệng sáo còi cần khoét nhỏ và dày, như vậy lòng sáo hút được nhiều gió, nó sẽ rít lên. Còn sáo đẩu và sáo cồng thì miệng phải khoét rộng và vòng cung ngăn ngắn. Như thế hơi gió thi nhau vào, hết đợt nọ đến đợt kia, sẽ tạo thành những tiếng sáo ngân nga dìu dịu.

            Trước khi tặng ai một chiếc sáo, bao giờ ông cũng đứng lên, cầm sáo quay một vòng cho nó kêu, vẻ mặt hân hoan như được một vật gì quý lắm.

(Theo Toan Ánh)

a/ Âm thanh của những chiếc sáo mà ông Cả Nam làm ra có điểm gì đặc biệt?

b/ Nối đúng mỗi loại sáo ghi ở cột A với đặc điểm ghi ở vột B:


c/ Xếp thứ tự từ 1 đến 5 các việc sau theo quy trình làm sáo của ông Cả Nam.

…. Dùng sơn gắn kín cho cán sáo

…. Lựa chọn ống tre

…. Khoét lỗ luồn cọng sáo

…. Dùng gỗ mơ làm miệng sáo

…. Gọt ngoài, róc trong.

d/ Em có suy nghĩ gì về nghệ nhân làm sáo Cả Nam?

Phương pháp giải:

a) Con đọc kĩ đoạn văn thứ nhất.

b) Con đọc kĩ đoạn văn thứ hai.

c) Con đọc kĩ đoạn văn thứ 3.

d) Con thấy tay nghề làm sáo của ông Cả Nam như thế nào?

Lời giải chi tiết:

a) Âm thanh của những chiếc sáo ông làm ra, tiếng đổ rất hay và phân biệt rất rõ là sáo chim, sáo còi, sáo cồng hay sáo đẩu.

b) Sáo chim – Tiếng kêu vút và dài, để đeo vào những con chim thi.

Sáo còi – Tiếng to hơn tiếng sáo chim, the thé và cũng kéo dài.

Sáo cồng – Kêu rổn rổn từng tiếng ro ro ròn ròn.

Sáo đẩu – Tiếng ngân vang lưng trời và kêu đều đều như lời ca của một cung nữ.

c) - Lựa chọn ống tre.

- Gọt ngoài róc trong

- Khoét lỗ luồn cọng sáo.

- Dùng sơn để gắn kín cho cán sáo.

- Dùng gỗ mơ làm miệng sáo.

d) Ông Cả Nam là một nghệ nhân làm sáo yêu nghề và có tài. Thông qua mỗi một sản phẩm và quy trình khoét sáo diều đều thấy được sự khéo léo, lành nghề và niềm đam mê của ông gửi trọn vào mỗi chiếc sáo diều này.


Câu 2

Đọc đoạn văn sau:

(1) Hoàng hôn đang dần dần buông xuống, ánh mặt trời cũng sắp tắt hẳn. (2) Cái nắng cuối ngày phủ lên mặt đất một bức tranh màu vàng ấm áp. (3) Từng cơn gió luồn qua những tán cây, trêu đùa lũ chim chóc. (4) Thỉnh thoảng gió lại thổi mạnh khiến cho lúa trên đồng nghiêng ngả, tạo thành những sóng lúa trông thật đẹp.

a/ Tô màu vào số trước câu có dạng Ai thế nào?

b/ Gạch dưới chủ ngữ của các câu đó.

Phương pháp giải:

Câu kể Ai thế nào? gồm hai bộ phận:

- Chủ ngữ trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?

- Vị ngữ trả lời cho câu hỏi: Thế nào?

Lời giải chi tiết:

a) Trong đoạn văn có hai câu có dạng câu kể Ai thế nào?

b) Xác định chủ ngữ của các câu đó:

(2) Cái nắng cuối ngày // phủ lên mặt đất một bức tranh màu vàng ấm áp.

(4) Thỉnh thoảng gió // lại thổi mạnh khiến cho lúa trên đồng nghiêng ngả, tạo thành những sóng lúa trông thật đẹp.


Câu 3

Kể 2 – 3 câu về một người em thích trong đó có sử dụng mẫu câu Ai thế nào?

Phương pháp giải:

Con suy nghĩ và viết bài.

Lời giải chi tiết:

        Cô Lan là một giáo viên mà em vô cùng yêu quý. Cô xinh đẹp và dịu dàng. Cô không chỉ dạy cho em nhiều bài học bổ ích trong sách vở mà cả trong cuộc sống nữa.