Giải bài Bài tập tự đánh giá cuối học kì I trang 55 sách bài tập văn 11 - Cánh diều
Xác định các điểm cần chú ý về đánh giá đối với bài kiểm tra cuối học kì I Đối lập là một trong các biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong văn học lãng mạn. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp này thông qua một ví dụ cụ thể trong văn bản trên.
Câu 1
Câu 1 (trang 55, SBT Ngữ Văn 11, tập một):
Xác định các điểm cần chú ý về đánh giá đối với bài kiểm tra cuối học kì I.
Phương pháp giải:
Xem phần Định hướng đánh giá trong SGK (trang 127), phần Tự đánh giá cuối học kì (SGK, trang 128) để nêu các lưu ý này.
Lời giải chi tiết:
Nội dung |
- Kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết văn bản. - Các kiến thức và kĩ năng đã học được yêu cầu vận dụng vào tình huống mới, với ngữ liệu mới tương tự như ngữ liệu đã học. - Khuyến khích sự sáng tạo trong ý tưởng và thể hiện, trình bày. |
Hình thức |
- Thời lượng làm bài đánh giá trong 2 tiết (90 phút). - Phạm vi kiến thức đã học trong sách Ngữ Văn 11, tập một. - Yêu cầu đọc hiểu một văn bản mới có thể loại hoặc kiểu văn bản tương tự các văn bản đã học, thuộc ba thể loại: văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. - Câu hỏi đọc hiểu kết hợp cả trắc nghiệm khách quan và tự luận; tăng tỉ lệ yêu cầu viết tự luận (câu hỏi ngắn). - Đánh giá năng lực viết qua một đoạn hoặc bài văn ngắn với hình thức như các kiểu văn bản đã được học (nghị luận là chính) |
Câu 2
Câu 2 (trang 55, SBT Ngữ Văn 11, tập một):
Đối lập là một trong các biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong văn học lãng mạn. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp này thông qua một ví dụ cụ thể trong văn bản trên.
Phương pháp giải:
Nhớ lại kiến thức về biện pháp đối lập và phân tích tác dụng
Lời giải chi tiết:
HS có thể phân tích tác dụng của thủ pháp đối lập thông qua một ví dụ cụ thể trong văn bản Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
- HS có thể chọn một trong ba biểu hiện cụ thể của bút pháp đối lập (tương phản) trong đoạn trích để phân tích tác dụng của biện pháp ấy. Ba biểu hiện là mặt đất và bầu trời; ánh sáng và bóng tối; hiện tại và quá khứ.
- Ví dụ đối lập giữa bầu trời và mặt đất. Miêu tả bầu trời lộng lẫy, rất đẹp (“Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh...”) là để làm nổi hiện trạng của mặt đất buồn tẻ, khổ đau (đầy bóng tối, buồn thảm, âm u,...).
Câu 3
Câu 3 (trang 55, SBT Ngữ Văn 11, tập một):
Lập dàn ý cho một trong hai đề sau:
Đề 1. Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm đã học trong sách Ngữ văn 11, tập một.
Đề 2. Giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu lên một thói quen xấu cần khắc phục của lớp trẻ hiện nay.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hành viết
Lời giải chi tiết:
Đề 2. Giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu lên một thói quen xấu cần khắc phục của lớp trẻ hiện nay.
Thói quen ỷ lại của giới trẻ hiện nay:
A/ Mở bài:
- Trong cuộc sống, có rất nhiều vấn đề đòi hỏi con người phải tự giải quyết bằng chính sức lực, khả năng của bản thân mình. Nhưng hiện tại có rất nhiều người vẫn có thói ỷ lại vào người, phó mặc hoàn toàn số phận, cuộc đời mình vào tay kẻ khác từ việc lớn đến việc nhỏ.
- Đó là quan niệm, lối sống lệch lạc mà bất cứ ai cũng cần phải khắc phục.
B/ Thân bài:
1. Giải thích:
- Ỷ lại là tự bản thân không có ý thức trách nhiệm, không cố gắng trong cuộc sống mà dựa dẫm, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác một cách thái quá.
- Căn bệnh đang hủy diệt sức trẻ: là cách nói hình ảnh diễn tả tác hại của thói ỷ lại đến thế hệ trẻ, khiến họ trở nên thụ động, không có khả năng đối phó với những thử thách trong cuộc sống.
- Câu nói nhấn mạnh đến tác hại của thói ỷ lại và cảnh báo về một hiện tượng trong đời sống: thói ỷ lại đang là căn bệnh nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
2. Thực trạng:
- Nhiều bạn trẻ sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Họ thờ ơ với cuộc sống, công việc học tập của chính mình, không suỵ nghĩ cho tương lai, để mặc bố mẹ sắp đặt mọi việc, bé thì được mua điểm, lớn thì được chạy việc cho.
- Không khó để bắt gặp những cảnh tượng bố mẹ đưa đón con đi học mỗi ngày dù con đã học cấp ba hay sinh viên đại học. Ở nhà, mẹ cũng là người giặt giũ, nấu cơm, dọn phòng.... gặp bài tập khó thì nhờ vả bạn bè...
3. Nguyên nhân:
- Do sự lười biếng trong cả vận động và tư duy. Họ thích sống dựa vào người khác, thiếu đi tính độc lập, tự chủ cần có.
- Do được gia đình nuông chiều. Bố mẹ gần như quyết định hộ con cái mọi thứ và nhiệm vụ của đứa con chỉ là ngoan ngoãn làm theo ý cha mẹ, nếu có vấn đề gì thì cha mẹ sẽ là người. chịu trách nhiệm.
4. Tác hại:
- Người sống ỷ lại, quen dựa dẫm thường lười lao động, suy nghĩ, tư duy, thiếu năng lực đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh cần thiết. Từ đó, họ không làm chủ được cuộc đời, không có bản lĩnh, không có sáng tạo... dễ gặp thất bại trong mọi việc.
- Họ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Họ giao phó vận mệnh của mình vào tay người khác và đánh mất hoàn toàn quyền tự chủ trong công việc cũng như trong cuộc sống.
- Tương lai của đất nước không thể phát triển tốt đẹp nếu những chủ nhân tương lai của đất nước đều lười biếng, ỷ lại như vậy.
5. Biện pháp khắc phục:
- Thế hệ trẻ cần học cách tự đứng trên đôi chân của mình, không được tự biến mình thành cây tầm gửi trong cuộc sống.
- Gia đình, nhà trường, xã hội cần thay đổi quan niệm về tình yêu thương và giáo dục, không nuông chiều hay quá bao bọc, cần hình thành và rèn luyện tính tự lập cho con em mình.
- Bản thân mỗi chúng ta cần tích cực rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống thật tốt để luôn là người có bản lĩnh, có chính kiến và chủ động đưa ra những quyết định tỉnh táo, sáng suốt trong mọi việc.
C/ Kết bài:
- Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công, muốn làm nên nghiệp lớn, bạn phải đá chúng ra khỏi con đường của mình.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải bài Bài tập tự đánh giá cuối học kì I trang 55 sách bài tập văn 11 - Cánh diều timdapan.com"