Bài 7. Thức ăn và nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi trang 39, 40, 41, 42, 43, 44 SGK Công nghệ 11 Kết nối tri thức
Thức ăn chăn nuôi là gì? Thức ăn có vai trò gì đối với cơ thể vật nuôi?
MĐ
Thức ăn chăn nuôi là gì? Thức ăn có vai trò gì đối với cơ thể vật nuôi? Thế nào là nhu cầu dinh dưỡng, tiêu chuẩn ăn và khẩu phần ăn của vật nuôi?
Phương pháp giải:
Sử dụng internet, sách, báo,…kết hợp kiến thức thực tiễn đã biết và vận dụng kiến thức mục I, II, III, IV SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
* Thức ăn chăn nuôi: là sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến.
* Thức ăn có vai trò đối với cơ thể vật nuôi:
- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của vật nuôi , tham gia tạo nên các sản phẩm như thịt, trứng, sữa, …
- Là nguyên liệu để tổng hợp các loại protein đặc trưng của cơ thể.
- Tham gia vào cấu trúc xương, cấu trúc một số protein chức năng để xúc tác và điều hòa các phản ứng sinh hóa trong cơ thể vật nuôi.
- Điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
* Nhu cầu dinh dưỡng: là lượng các chất dinh dưỡng cần cung cấp cho vật nuôi để duy trì sự sống và tạo sản phẩm.
* Tiêu chuẩn ăn: là mức ăn cần cung cấp cho một vật nuôi trong một ngày đêm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi duy trì các hoạt động sống và tạo sản phẩm.
* Khẩu phần ăn: là tiêu chuẩn ăn đã được cụ thể hóa bằng các loại thức ăn xác định với khối lượng hoặc tỉ lệ nhất định.
CH1
Thức ăn chăn nuôi là gì? Có những loại thức ăn chăn nuôi nào?
Phương pháp giải:
Đọc thông tin, nghiên cứu mục I.1 SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Thức ăn chăn nuôi: là sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến.
- Các loại thức ăn chăn nuôi:
+ Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh
+ Thức ăn đậm đặc
+ Thức ăn bổ sung
+ Thức ăn truyền thống
CH2
Quan sát Hình 7.1 và cho biết vai trò của thức ăn chăn nuôi
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục I.1 SGK kết hợp quan sát Hình 7.1 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Vai trò của thức ăn chăn nuôi:
- Cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Tạo các sản phẩm chăn nuôi.
- Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để sinh trưởng, phát triển.
CH1
Quan sát Hình 7.2 và nêu các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn chăn nuôi.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục I.2 SGK kết hợp quan sát Hình 7.2 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Thành phần dinh dưỡng của thức ăn trong chăn nuôi:
- Nước
- Chất khô
+ Chất vô cơ
+ Chất hữu cơ
CH1
Đọc thông tin trong Bảng 7.2, nêu vai trò của các nhóm thức ăn đối với vật nuôi.
Phương pháp giải:
Vận dụng thông tin mục I.3 SGK kết hợp quan sát Bảng 7.2 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Vai trò của các nhóm thức ăn đối với vật nuôi:
- Giàu năng lượng: Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của vật nuôi , tham gia tạo nên các sản phẩm như thịt, trứng, sữa, …
- Giàu protein: Là nguyên liệu để tổng hợp các loại protein đặc trưng của cơ thể.
- Giàu khoáng: Tham gia vào cấu trúc xương, cấu trúc một số protein chức năng để xúc tác và điều hòa các phản ứng sinh hóa trong cơ thể vật nuôi.
- Giàu vitamin: Điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
CH2
Em hãy kể tên một số thức ăn giàu năng lượng và giàu protein được dùng trong chăn nuôi ở địa phương em.
Phương pháp giải:
Tìm hiểu và vận dụng kiến thức thực tế để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Thức ăn giàu năng lượng: thóc, ngô, tấm, sắn, khoai lang, …
- Thức ăn giàu protein: đậu tương, vừng, lạc, …
CH3
Đọc nội dung mục II và cho biết nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi là gì. Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào những yếu tố nào và có ý nghĩa gì trong chăn nuôi?
Phương pháp giải:
Tìm hiểu và vận dụng kiến thức mục II SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi: là lượng các chất dinh dưỡng cần cung cấp cho vật nuôi để duy trì sự sống và tạo sản phẩm.
- Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào những yếu tố: loài, giống, giai đoạn phát triển của cơ thể và khả năng sản xuất của vật nuôi.
- Nhu cầu dinh dưỡng có ý nghĩa: là căn cứ quan trọng để xác định tiêu chuẩn ăn và khẩu phần ăn cho vật nuôi
CH1
Sử dụng internet, sách, báo, … hãy cho biết những tác hại khi vật nuôi bị thiếu chất khoáng.
Phương pháp giải:
Tra cứu trên internet, sách, báo,…kết hợp kiến thức thực tế để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Những tác hại khi vật nuôi bị thiếu chất khoáng là:
- Thiếu hụt hoặc mất cân đối Ca, P ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bộ xương.
- Thiếu Mn (manganese) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển khớp xương, súc vật yếu chân, đi lại khó khăn.
- Thiếu Zn (kẽm) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lớp tế bào niêm mạc da, gây bệnh sừng hóa trên da (parakeratosis), giảm hoạt lực tinh trùng, giảm sức đề kháng bệnh.
- Thiếu Se (selenium) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cơ, thiếu Se gây ra nội tạng tiết dịch, hoại tử thoái hóa cơ, còn gọi là bệnh trắng cơ.
- Thiếu Fe (sắt), Cu (đồng) và Co (cobalt) ảnh hưởng xấu đến sự tạo máu, sự tổng hợp hemoglobin, làm cho vật nuôi thiếu máu; thiếu myoglobin, thịt nạc thiếu sắc tố đỏ, bạc màu, chất lượng kém.
- Thiếu I (iodine) ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tuyến giáp và sự tổng hợp kích tố thyroxin. Nếu thiếu iot lâu ngày sẽ đưa đến sinh trưởng chậm, vật nuôi bị trụi lông, bướu cổ, sức đề kháng bệnh giảm sút, năng suất sinh trưởng, đẻ trứng cũng như tiết sữa giảm sút. Sau đây là hình ảnh của gia cầm và heo bị thiếu chất khoáng điển hình.
CH2
Nêu vai trò chính của các chỉ số dinh dưỡng đối với vật nuôi
Phương pháp giải:
Tìm hiểu và vận dụng kiến thức thực tế để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Vai trò chính của các chỉ số dinh dưỡng đối với vật nuôi:
- Năng lượng: carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho vật nuôi.
- Protein: tổng hợp các hoạt chất sinh học, tạo các mô của vật nuôi và tạo sản phẩm chăn nuôi.
- Chất khoáng: cấu tạo nên các hợp chất xây dựng cấu trúc tế bào, cơ quan, bộ phận của cơ thể; tham gia vào các hoạt động sinh lí của cơ thể; là thành phần cấu trúc bắt buộc của các enzyme xúc tác cho các phản ứng sinh hóa trong tế bào.
- Vitamin: điều hòa các quá trình trao đổi chất trong tế bào và cơ thể vật nuôi.
CH3
Cho các thông tin về tiêu chuẩn ăn và khẩu phần ăn của mỗi lợn thịt giai đoạn 60 – 90 kg như sau: 7 000 Kcal; 224 g protein; 1,7 kg gạo; 0,3 kg khô lạc; 16 g calcium; 2,8 kg rau xanh; 13 g phosphorus; 40g muối ăn; 54g bột vỏ sò. Từ những thông tin đã cho, em hãy xác định tiêu chuẩn ăn và khẩu phần ăn của mỗi lợn thịt ở giai đoạn 60 – 90 kg.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin, nghiên cứu mục IV.1 SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Tiêu chuẩn ăn của mỗi lợn thịt ở giai đoạn 60-90kg là: 7 000 Kcal; 224g protein; 16g calcium; 13g phosphorus.
Để đảm bảo tiêu chuẩn ăn trên, người ta lập khẩu phần ăn của mỗi lợn thịt gồm 1,7kg gạo; 0,3kg khô lạc; 2,8kg rau xanh; 40g muối ăn; 54g bột vỏ sò
CH1
Lập khẩu phần ăn cần đảm bảo nguyên tắc nào? Tại sao?
Phương pháp giải:
Vận dụng thông tin, nghiên cứu mục IV.2 SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Lập khẩu phần ăn cần đảm bảo nguyên tắc tính khoa học và tính kinh tế.
- Giải thích: để vật nuôi tiêu hóa tốt, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, không bị táo bón, tiêu chảy, dị ứng, …
CH2
Phối trộn thức ăn là gì? Nêu mục đích của việc phối trộn thức ăn.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin, nghiên cứu mục IV.2 SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Phối trộn thức ăn: là phương pháp kết hợp nhiều nguyên liệu thức ăn lại với nhau để tạo thành thức ăn hỗn hợp.
- Mục đích của việc phối trộn thức ăn: giúp người nuôi dễ dàng xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh giảm chi phí trong chăn nuôi, từ đó nâng cao được giá trị sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao hơn.
CH3
Kể tên ba loại thức ăn tương ứng với nhóm thức ăn: giàu năng lượng, giàu protein, giàu khoáng và giàu vitamin.
Phương pháp giải:
Tìm hiểu và vận dụng kiến thức thực tế để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Nhóm thức ăn giàu năng lượng: thóc, ngô, tấm.
- Nhóm thức ăn giàu protein: đậu tương, vừng, lạc.
- Nhóm thức ăn giàu khoáng: vỏ cua, bột xương, vỏ trứng.
- Nhóm thức ăn giàu vitamin: cà rốt, bí đỏ, su hào.
CH4
Nêu vai trò của protein, khoáng chất, vitamin đối với cơ thể vật nuôi.
Phương pháp giải:
Vận dụng thông tin mục I.3 SGK kết hợp quan sát Bảng 7.2 trang 40 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Protein: là nguyên liệu để tổng hợp các loại protein đặc trưng của cơ thể.
- Khoáng chất: Tham gia vào cấu trúc xương, cấu trúc một số protein chức năng để xúc tác và điều hòa các phản ứng sinh hóa trong cơ thể vật nuôi.
- Vitamin: Điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
CH5
Khẩu phần ăn là gì? Khi lập khẩu phần ăn cần thực hiện theo nguyên tắc nào?
Phương pháp giải:
Vận dụng thông tin mục IV SGK để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Khẩu phần ăn: là tiêu chuẩn ăn đã được cụ thể hóa bằng các loại thức ăn xác định với khối lượng hoặc tỉ lệ nhất định.
- Nguyên tắc khi lập khẩu phần ăn:
+ Tính khoa học
+ Tính kinh tế
CH6
Từ nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, em hãy đề xuất vật nuôi phù hợp để chăn nuôi tại địa phương.
Phương pháp giải:
Tìm hiểu và vận dụng kiến thức thực tế để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Địa phương em trồng chủ yếu cây ngô và lúa. Do đó, em nghĩ địa phương em chăn nuôi gà là phù hợp nhất.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 7. Thức ăn và nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi trang 39, 40, 41, 42, 43, 44 SGK Công nghệ 11 Kết nối tri thức timdapan.com"