Giải bài 11,12,13,14,15 trang 122 SBT Sinh học 12

Giải bài 11,12,13,14,15 trang 122 Sách bài tập Sinh học 12. Tại một khu rừng có 5 loài chim ăn sâu, số lượng sâu không thật dồi dào.


Câu 11

11. Tại một khu rừng có 5 loài chim ăn sâu, số lượng sâu không thật dồi dào. Khả năng nào dưới đây có thể là nguyên nhân giúp cho cả 5 loài có thể cùng tồn tại ?

A. Mỗi loài ăn một loài sâu khác nhau.

B. Mỗi loài kiếm ăn ở vị trí khác nhau trong rừng.

C. Mỗi loài kiếm ăn vào một thời gian khác nhau trong ngày.

D. Tất cả các khả năng trên.

Phương pháp:

Các loài đều sống trong một ổ sinh thái nhất định, là không gian trong đó tất cả các nhân tố sinh thái của môi trường nằm trong giới hạn sinh thái cho phép loài đó tồn tại và phát triển.

Lời giải:

Các loài khác nhau có ổ sinh thái giao nhau càng lớn thì sự cạnh tranh càng khốc liệt, do đó, các loài gần nhau về nguồn gốc khi sống trong một sinh cạnh và cùng sử dụng một nguồn thức ăn thì chúng có xu hướng phân li ổ sinh thái để tránh cạnh tranh. Ba yêu tố trên đều dẫn đến sự phân li ổ sinh thái, các loài không cạnh tranh nhau

Chọn D


Câu 12

12. Chu trình cacbon trong sinh quyển là

A. quá trình phân giải mùn bã hữu cơ trong đất.

B. quá trình tái sinh toàn bộ vật chất trong hệ sinh thái

C. quá trình tái sinh một phần vật chất của hệ sinh thái.

D. quá trình tái sinh một phần năng lượng của hệ sinh thái

Phương pháp:

Xem lí thuyết Chu trình sinh hóa và sinh địa.

Lời giải:

Chu trình cacbon: cacbon đi vào chu trình dưới dạng cabon điôxit (CO2). Thực vật lấy CO2 để tạo ra chất hữu cơ đầu tiên thông qua quá trình quang hợp, Cacbon trao đổi trong quần xã qua chuỗi và lưới thức ăn. Khi sử dụng và phân hủy các hợp chất chứa cacbon, sinh vật trả lại CO2 và nước cho môi trường.

Chọn C


Câu 13

13. Chuỗi và lưới thức ăn biểu thị mối quan hệ nào sau đây giữa các loại sinh vật trong hệ sinh thái ?

A. Ọuan hệ dinh dưỡng giữa các sinh vật.

B. Quan hệ giữa thực vật với động vật ăn thực vật.

C. Quan hệ giữa động vật ăn thịt bậc 1 với động vật ăn thịt bậc 2.

D. Quan hệ giữa động vật ăn thịt và con mồi.

Phương pháp:

Xem lí thuyết Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái.

Lời giải:

Trao đổi vật chất trong quần xã sinh vật được thực hiện qua chuỗi và lưới thức ăn.

Chuỗi thức ăn là một dãy gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau. Mỗi loài là một mắt xích. Trong một chuỗi, một mắt xích vừa có nguồn thức ăn là mắt xích phía trước vừa là nguồn thức ăn của mắt xích phía sau.

Lưới thức ăn trong một quần xã gồm nhiều chuỗi thức ăn có nhiều mắt xích chung.

Quần xã sinh vật càng đa dạng về thành phần loài thì lưới thức ăn trong quần xã càng phức tạp

Trong 1 lưới thức ăn, tập hợp các loài sinh vật có cùng mức dinh dưỡng hợp thành một bậc dinh dưỡng.

Chọn A


Câu 14

14*. Chuỗi thức ăn của hệ sinh thái ở nước thường dài hơn hệ sinh thái trên cạn vì .

A. hệ sinh thái dưới nước có đa dạng sinh học cao hơn

B. môi trường nước không bị năng lượng sáng mặt trời đốt nóng,

C. môi trường nước có nhiệt độ ổn định

D. môi trường nước giàu chất dinh dưỡng hơn môi trường trên cạn.

Phương pháp:

Xem lí thuyết Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái.

Lời giải:

Chuỗi thức ăn của hệ sinh thái ở nước thường dài hơn hệ sinh thái trên cạn vì môi trường nước có nhiệt độ ổn định do đó sự mất dần năng lượng qua mỗi bậc dinh dưỡng ít hơn chuỗi thức ăn sẽ dài hơn.

Chọn C


Câu 15

15. Nếu cả 4 hệ sinh thái dưới đây đều bị ồ nhiễm thuỷ ngân với mức độ ngang nhau, con người ở hệ sinh thái nào trong số 4 hệ sinh thái đó bị nhiễm độc nhiều nhất ?

A. Tảo đơn bào ⟶ động vật phù du ⟶ cá ⟶ người.

B. Tảo đơn bào ⟶ động vật phù du ⟶ giáp xác ⟶ cá ⟶ chim ⟶ người,

C. Tảo đơn bào ⟶ cá ⟶ người.

D. Tảo đơn bào ⟶ thân mềm ⟶ cá ⟶người.

Phương pháp:

Xem lí thuyết Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái.

Lời giải:

Chất độc tích lũy lại trong các bậc dinh dưỡng và tích lũy lại trong bậc dinh dưỡng cao hơn

Chọn B