I. Em đọc truyện Đừng giết "Ổng"

Em đọc truyện Đừng giết "Ổng" trang 18, 19, 20 sách Bài tập tình huống Giáo dục công dân 6. Trời mới hưng hửng sáng, hai anh em Mang Đư - Mang Đơ lầm lũi đi về phía đám bắp đang trổ cờ đã bị phá tơi tả gần một nửa ....


Hướng dẫn đọc : Truyện này viết về dân tộc Ra-glai ở Tây Nguyên có nhiều từ tiếng địa phương khó đọc nên cần xem kĩ chú thích để hiểu và cần luyện đọc để hiểu truyện.

ĐỪNG GIẾT "ỔNG"

Trời mới hưng hửng sáng, hai anh em Mang Đư - Mang Đơ  lầm lũi đi về phía đám bắp đang trổ cờ đã bị phá tơi tả gần một nửa. Hồi hôm "ổng" lại về. Cách đây hơn một tháng "ổng" đã về phá tan hoang căn chòi rồi quật chết cả ba mẹ nó. Đêm đó, Mang Đư, Mang Đơ đi học thêm ở nhà anh Mang Na, con trai già làng, nên may mắn thoát nạn. Vậy là, ở cái thôn người Ra-glai này đã có ba người bị "ổng" giết hại. Trai tráng trong làng đã chuẩn bị tên tẩm thuốc độc để "hạ" ổng, nhưng già làng không cho. Già làng nói: "Tại con người cả thôi ! "Ổng" nhớ dai và cũng thù dai lắm, nhất là sau khi bị săn lùng, bị bẫy hoặc bị quấy rầy nơi sinh sống. "Ông” là loài thông minh, có tình nghĩa, tại con người cả thôi mà !". Già làng khoát tay khẳng định.

Mang Đơ ức lắm, muốn trả thù cho ba mẹ, nhưng Mang Đơ tin lời già làng. Bởi già làng Mang Nay là người có học. Già nói được tiếng Pháp, giỏi tiếng Kinh, từng là Sĩ quan bộ đội Cụ Hồ. Tánh già cương nghị, bộc trực, không ăn nói hai lời. Ai cần giúp đỡ điều gì, già sẵn sàng ngay. Mang Đơ bây giờ muốn nghỉ học để chăm nom cái rẫy, nhưng già làng bảo : "Để tao nhờ người lo, mày phải tiếp tục đi học ở trường huyện!". Già làng khoát tay, thế là Mang Đơ biết phải tuyệt đối tuân thủ, không thể cãi lại được nữa rồi.

"Ổng" đây chính là voi đầu đàn của đàn voi dữ tám con. "Ổng" rất hung hãn, có dấu chân hình "hột xoài". Tám con nhưng có một con voi què bị sập bãy trước đó đã lạc đàn. Già làng nói cho dân bản biết, khi mặt trời liếm đầu ngọn núi Xạ Lú cho đến khi con chim chào mào hót thì không nên ở trên nương. Có tiếc cái rẫy cũng phải về hết trong buôn(1). Mang Đơ thì tiếc lắm. Ba mẹ và anh em nó phải đổ biết bao mồ hôi công sức vào năm sào bắp, nay không giữ để có cái ăn, rồi còn tiền mua sách vở cũng ở trong cáỉ rẫy, sao đành ? Không đành, nên anh em nó mỗi lần lên giữ rẫy bắp đều  nán lại đến khi ông mặt trời khuất sau ngọn Xạ Lú mới về. Khi ấy nắng chiều vẫn còn rớt lại, nhẹ nhàng lung linh qua kẽ lá...

Ít nói, hay làm lại chăm cái chữ nên anh em Mang Đư được già làng yêu mến. Già cũng yêu mến thiên nhiên như chính máu thịt mình. Già thường nói : "Không có cây rừng, chim hoa muông thú thì dân bản có giàu lên cũng chẳng ý nghĩa gì ! Do đó, mặc dù biết "ổng" cầm đầu giết hại dân làng, phá hoại hoa màu, nhưng già quyết một mực khổng cho trai làng hạ sát đàn voi. Già đề nghị lên huyện, lên tính tìm biện pháp tốt nhất di dời đàn voi đến nơi an toàn và vùng sinh thái phù hợp. Già buồn rầu nói : "Núi rừng Xạ Lú là quê hương của mấy "ổng", mỗi khi ổng già yêu hoặc lâm bệnh nặng, biết cái chết đã gần kề, "ổng" liền bỏ vào suối Tượng Bao rồi trầm mình mà chết."...

Đang miên man suy nghĩ bỗng Mang Đơ nghe tiếng hú của anh. Tiếng hú cuộn tròn rồi bung ra như loa kèn từ cây cổ thụ. Nó hiểu ngay đó là âm thanh báo hiệu hiểm nguy, cần phải đề phòng.

   - "Ổng" sa lầy rồi !

   - Đâu?

   - Kia nớ!

Theo hướng tay chỉ của anh cùng lúc với tiếng ré, tiếng hét, tiếng rút chân trong bùn sền sệt. Mang Đơ thấy một voi con đang sa lầy trong vùng sình trước mặt. Đó là một hố bom mà dân làng đã lấp lai đế làm mương dẫn nước.

   - Leo lên. leo lên ! - Mang Đư giục em.

   - Không sao ! Không có ông "hột xoài" đâu, chỉ một con voi con sa lầy thôi !

Thì ra con voi què lạc đàn đã sập bẫy trước đây, nay lại bị sa lầy nên khả năng tự lên khỏi vùng sình sâu hoắm với tấm thân "bồ tượng" là không thể được. Mang Đơ thấy thương con vật quá.

Phải cứu nó thôi anh Đư à !

   - Không được, nguy hiểm lắm !

   - Nó đang mắc lầy mà, không lên được đâu ! Mình lăn cây xuống thì nó mới lên được.

   - Nó lên để quật chết mình à ?

   - Không sao, già làng đã bảo : "Ổng" thông minh và có tình nghĩa lắm!

Nghe em nói lời của già làng. Mang Đư thấy yên tâm nhưng vẫn còn thậm thụt. Già làng nói lời nào cũng đúng : "Tại con người cả thôi mà!". Mình cứu "ổng", "ổng" nỡ nào giết mình ? Nghĩ vậy nên Mang Đư mạnh dạn leo xuống, cùng em rón rén đi về phía vùng lầy. Lúc này hình như voi con đã đuối sức, cứ rút được chân trước lên thì chân sau lún xuống và ngược lại. Cứ thế, nó lún dần trong vùng sình. Khi anh em Mang Đư đến thì chỉ thấy cái đầu nổi lên với cái vòi đập phành phạch tung toé bùn. Thấy anh em Mang Đư đến, đôi mắt nó như van lơn, cầu khẩn và bỗng dưng không thể ngờ được, từ đôi mắt ấy hai hàng nước mắt nó chảy dài.

  - Mau lăn cây xuống, anh Đư ơi ! - Đơ giục anh.

  - Lăn cây chò kia để dưới vòi "ổng", mau lên ! - Đư bảo.

Trong phút chốc, anh em Mang Đư hì hục vừa lăn, vừa khiêng cây thu gom vệ sinh rừng của Lâm trường Sông Di bỏ xuống vùng lầy. Bản năng sinh tồn mãnh liệt, voi con quấn vòi vào khúc cây to, rồi lấy hết sức binh sinh đạp chùng mảng cây, búng mình lên bờ mương thoát hiểm. Không biết có phải vì cảm kích tấm lòng của anh em Mang Đư hay vì chân trước bị què, sau khi lên khỏi bờ mương, voi con quỳ xuống hướng về anh em Mang Đư, cái vòi đưa lên, đưa xuống như bái tạ rồi mới khập khiêng đi vào rừng.

Nắng chiều đã nhạt, bầy chim bồ chao kêu rộn ràng, inh ỏi cả một góc rừng. Anh em Mang Đơ đứng lặng nhìn theo cho đến khi voi con chỉ còn là một dấu chấm mất hút giữa đại ngàn...

NGUYÊN VĂN SANG