I. Em đọc truyện "Đồng phục ngày khai giảng"
Em đọc truyện "Đồng phục ngày khai giảng" trang 21, 22, 23 sách Bài tập tình huống Giáo dục công dân 6. Tôi thức dậy thật sớm. Hôm nay là ngày tôi đến trường để nhận lớp mới ....
Hướng dẫn đọc : Đọc truyện này có thể dùng hình thức phân vai để đọc theo từng nhân vật, như vậy dễ hấp dẫn và truyền cảm. Phân đóng vai các nhân vật sau : Tác giả (tôi), cô giáo, Diệp, ba (bố) của tác giả.
ĐỒNG PHỤC NGÀY KHAI GIẢNG
Tôi thức dậy thật sớm. Hôm nay là ngày tôi đến trường để nhận lớp mới. Mẹ tôi đã dọn xong bữa sáng. Tôi ăn bánh, uống cốc sữa mẹ pha rồi ngồi yên cho mẹ kết bím và cài nơ. Mẹ mặc cho tôi chiếc váy trắng phớt hồng mà tôi yêu thích nhất trong số nhiều loại váy đủ kiểu, đủ màu của mình. Chiếc váy ấy bố tôi mua tận Paris trong một chuyến công tác. Tôi xúng xính, ngắm trước, ngắm sau rồi ra xe ô tô để bố chở đến trường. Ngồi trong lòng mẹ ở ghế trước, tôi tha hồ ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường. Mọi thứ đều mới mẻ.
Năm nay tôi không còn là một cô bé nhóc con tiểu học nữa mà đã là một "nữ sinh" trung học rồi. Tôi vừa sung sướng, vừa không khỏi lo lắng, hồi hộp. Không biết lớp 6 học có khó không ? Tôi có còn được làm lớp trưởng nữa không? Còn được là học sinh giỏi nhất khối như các năm trước không ?
Khi chiếc xe đỗ trước cổng trường, mẹ mở cửa cho tôi xuống. Tôi giật mình vì có tiếng gọi của một cô giáo :
- Em là Hà Phương Trinh phải không ? Em được phân công là chi đội trưởng lớp 6A1. Em vào phòng truyền thống nhận đồng phục cho cả lớp nhé !
Tôi kéo Diệp bạn cùng lớp cũ cùng đi. Đám học sinh lớp 6 và cả mấy chị lớp lớn đều trầm trổ bàn tán mỗi khi tôi đi qua. Một cô giáo giao cho tôi 30 bộ váy đồng phục :
- Mỗi bộ là 50.000 đồng em nhé ! Em phát cho các bạn rồi hôm sau thu tiền nộp cho cô chủ nhiệm.
Ra khỏi cửa, tôi rút ra một bó váy. "Trời ơi, sao mà xấu đến vậy!". Tôi nhủ thầm. Chiếc váy màu xanh rêu - cái "màu nhà quê" tôi ghét cay ghét đắng. Tôi quay sang Diệp, nó nhăn nhó bảo:
- Mỗi bộ đến 50.000 đồng cơ à ?
- Ừ ! Xấu thế mà đến 50.000 đồng Diệp nhỉ ?
- Không phải xấu. Tớ sợ mẹ tớ chưa có tiền mua ! Bắt buộc phải mua hả Trinh ?
- Chắc vậy ! - Tôi ỡm ờ - Nếu Diệp không có tiền thì để tớ về bảo ba tớ đóng luôn tiền cho Diệp ! Tớ cho Diệp bộ váy của tớ !
Nó giãy nảy lên :
- Không được đâu ! Tớ chưa nói với mẹ, sợ mẹ tớ mắng ! Với lại mỗi người một bộ, Trinh không mặc sao được ?
Chiếc xe của ba tôi lại đỗ trước cổng trường. Tôi vào xe, quăng bộ đồng phục ra ghế sau. Ba tôi hỏi :
- Đó gì đấy con ?
- Dạ, đồng phục trường con ạ.
- Con mặc thử chưa ?
- Con chưa thử, con không mặc đâu !
- Sao thế ? Nhà trường đã quy định thì con phải chấp hành chứ ?
- Con không thích ! Con sẽ mặc váy ba mua đi học !
- Không được đâu con ! Chắc con chưa hiểu hết ý nghĩa của những bộ đồng phục ?
- Có gì mà không hiểu ! Đồng phục là để phân biệt học sinh trường này với trường khác chứ gì, ba ?
Ba tôi cười lớn :
- Trời ơi. cơn gái, chỉ có thế thôi sao ? - Ba tôi trầm xuống - Con biết không đồng phục không chỉ để phân biệt học sinh trường này với trường kia thôi đâu. Nó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều! Bố biết, mỗi mẫu đồng phục không phải ai mặc cũng hợp, cũng đẹp, nhưng đồng phục mang lại cho con tính hoà đồng. Nó xoá đi cái vạch ngăn cách giàu nghèo giữa mọi người : nó giúp các bạn con khỏi nỗi mặc cảm vì hoàn cảnh. Như vậy là những bộ đồng phục đã làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, gắn bó hơn phải không con ?
Tôi im lặng.
- Con còn nhớ chú vịt cả có bộ lông đẹp như công mà không có bạn trong câu chuyện "Chú vịt cả và đàn em xấu xí" không ? - Ba tôi nói tiếp.
- Con nhớ! - Tôi đáp - Con hiểu rồi. Ngày mai con sẽ mặc bộ đồng phục của nhà trường. À ba ơi, bạn Diệp lớp con không đủ tiền mua đồng phục ba ạ! Hay là...
- Ừ, ba biết ý con rồi, con định bảo ba mua cho cà bạn đúng không?
- Vâng ! Từ ngày mai ba không phải đưa con đi học bằng ô tô nữa, con muốn tự đi xe đạp. Con sẽ qua rũ Diệp đi cùng để mẹ bạn ấy đỡ mất thời gian bán hàng, ba nhé !
- Con gái rượu của ba lớn rồi đây ! - Ba tôi cười hài lòng.
TRỊNH THÙY DUNG
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "I. Em đọc truyện "Đồng phục ngày khai giảng" timdapan.com"