Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2023

Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh trong cuộc đời này và phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nó. Sứ mệnh đó bắt đầu từ khi bạn sinh ra và sẽ theo bạn cho đến hơi thở cuối cùng! Sứ mệnh đó được cụ thể hóa bằng trách nhiệm mỗi giai đoạn hoặc thời kỳ của cuộc đời mỗi người.


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh trong cuộc đời này và phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nó. Sứ mệnh đó bắt đầu từ khi bạn sinh ra và sẽ theo bạn cho đến hơi thở cuối cùng! Sứ mệnh đó được cụ thể hóa bằng trách nhiệm mỗi giai đoạn hoặc thời kỳ của cuộc đời mỗi người.

Trách nhiệm là yếu tố cơ bản làm nên một con người đích. Trách nhiệm điều chỉnh hành động của con người theo những nguyên tắc nhất định. Dù bạn là ai hay vị trí hiện tại của bạn là gì thì việc tỏ ra có trách nhiệm trong những việc mình làm là điều rất cần thiết. Trong tất cả những trách nhiệm mà bạn phải gánh vác thì trách nhiệm với bản thân là cao cả và nặng nề nhất. Nếu bạn tỏ ra hèn kém hoặc nghi ngại ngay trong chính suy nghĩ và quyết định của mình thì sớm muộn gì, bạn cũng sẽ thất bại.

 (George Matthew Adams, Không gì là không thể, Thu Hằng dịch, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr.103)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2. (0,5 điểm) Theo tác giả, người như thế nào thì sớm muộn gì cũng sẽ thất bại?

Câu 3. (1,0 điểm) Theo em, vì sao “có trách nhiệm trong những việc mình làm là điều rất cần thiết”.

Câu 4. (1,0 điểm) Em có đồng ý với ý kiến:“Trách nhiệm là yếu tố cơ bản làm nên một con người đích thực” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân.

Câu 2.

Sáng hôm sau, bà con bên nội, bên ngoại đến rất đông. Cả con bé cũng theo ngoại nó về. Anh Sáu phải lo tiếp khách, anh như không chú ý đến con nữa.

Còn chị Sáu thì lo chuẩn bị đồ đạc cho chồng, chị lo xếp từng chiếc áo, gói ghém đồ đạc vụn vặt vào cái túi nhỏ, chị cứ lúi húi bên chiếc ba lô. Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa.

Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại lo sợ nó giẫy lên bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

- Thôi! Ba đi nghe con! - Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.

Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba...a...a...ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.

 (Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 197-198)

Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu trong đoạn trích trên. Theo em, vì sao câu chuyện về tình cha con lại được tác giả đặt tên là Chiếc lược ngà?

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1 (0.5 điểm): 

Phương pháp:

Học sinh nhớ lại các phương thức biểu đạt đã học để xác định

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

Câu 2 (0.5 điểm): 

Phương pháp:

Học sinh theo dõi dữ liệu đã cho.

Cách giải:

Gợi ý: Theo tác giả, người sớm muộn gì cũng sẽ thất bại là người tỏ ra hèn kém hoặc nghi ngại ngay trong chính suy nghĩ và quyết định của mình.

Câu 3 (1.0 điểm): 

Phương pháp:

Học sinh nêu ý kiến của bản thân

Cách giải:

Gợi ý: Theo em, “có trách nhiệm trong những việc mình làm là điều rất cần thiết”, vì:

- Nếu không có trách nhiệm với những việc mình làm thì công việc đó sẽ bị ngưng trệ hoặc có kết quả kém gây tổn thất cho bản thân và những người xung quanh.

- Không có trách nhiệm với những việc mình làm cũng cho thấy bạn là người sống thiếu trách nhiệm, không đáng tin cậy.

- ….

Câu 4 (1.0 điểm): 

Phương pháp:

Học sinh nêu quan điểm đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần và đưa ra lập luận của bản thân

Cách giải:

Gợi ý:

* Đồng tình. Vì:

- Sống có trách nhiệm là tiền đề giúp chúng ta rèn luyện các phẩm chất tốt đẹp khác như kiên nhẫn, hòa đồng,…

- Sống có trách nhiệm là một chuẩn mực để đánh giá nhân cách, sự trưởng thành.

 - Giúp cho cuộc sống chung trở nên tốt đẹp hơn, tránh những tranh cãi không đáng có.

* Đồng tình một phần. Vì: Ngoài sống có trách nhiệm, chúng ta cần rèn luyện thêm nhiều đức tính và phẩm chất khác: nhân ái, lòng dũng cảm,… để có thể trở thành con người đích thực, trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của mình.

….

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): 

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải: Chú ý yêu cầu về hình thức của đề bài là viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu)

Gợi ý:

a. Mở đoạn:

- Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân

b. Thân đoạn:

- Giải thích vấn đề: Sống có trách nhiệm với bản thân là thực hiện tốt nghĩa vụ, công việc của bản thân, không ỷ lại, dựa dẫm hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

- Biểu hiện của người sống có trách nhiệm với bản thân:  Học tập tốt, lao động tốt, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định mà nhà trường, xã hội đặt ra. Có tinh thần yêu nước, trách nhiệm với gia đình và luôn tuân thủ các quy định của Pháp luật…..

- Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân:

+ Luôn hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ của mình.

+ Được mọi người xung quanh quý mến và yêu quý, nâng cao uy tín và chỗ đứng xã hội.

+ Sớm gặt hái được thành công.

+ Giúp xã hội ngày càng phát triển, công bằng, văn minh.

+…

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

- Phản đề: Một số người sống không có trách nhiệm với bản thân, chỉ biết dựa dẫm vào người khác khiến họ trở nên trì trệ, lười biếng và không có mục tiêu để cố gắng => Cần thức tỉnh và thay đổi để hoàn thiện bản thân.

c. Kết đoạn

- Khẳng định vấn đề/ Liên hệ bản thân: Nhận thức được ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân mà cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức trở thành người có ích trong xã hội.

Câu 2 (5.0 điểm): 

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng: Nguyễn Quang Sáng (1932 - 2014) là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam, tác giả của nhiều tác phẩm văn chương và kịch bản phim nổi tiếng.

- Giới thiệu khái quát tác phẩm: Chiếc lược ngà (1966) là tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Quang Sáng ca ngợi tình cảm gia đình, tình cảm cha con cảm động và sâu sắc trong chiến tranh.

2. Thân bài

a. Diễn biến tâm trạng của bé Thu trong đoạn trích

- Tình yêu ba trong bé Thu đã trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút ông Sáu lên đường trong nỗi đau vì không được con đón nhận.

+ Bằng sự quan sát tinh tế, bác Ba là người đầu tiên nhận ra sự thay đổi của Thu trong “vẻ mặt sầm lại buồn rầu”, “đôi mắt như to hơn nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”.

+ Điều đó cho thấy trong tâm hồn đứa trẻ nhạy cảm như Thu đã có ý thức về cảm giác chia li, giây phút này em thèm biểu lộ tình yêu với ba hơn hết, nhưng sự ân hận về những gì mình đã làm ba buồn khiến em không dám bày tỏ.

- Để rồi tình yêu ba trào dâng mãnh liệt trong em vào khoảnh khắc ba nhìn em với cái nhìn trìu mến, giọng nói ấm áp “thôi, ba đi nghe con!”.

+ Đúng vào lúc không một ai ngờ tới, kể cả ông Sáu, Thu thốt lên tiếng kêu thét “Ba…a…a…ba!”.

+ “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và ruột gan mọi người nghe thật xót xa”.

+ Đó là tiếng “ba” nó cố kìm nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như “vỡ tung ra từ đáy lòng nó”.

+ Tiếng gọi thân thương ấy đứa trẻ nào cũng gọi đến thành quen nhưng với cha con Thu là nỗi khát khao của nhiều năm xa cách thương nhớ. Đó là tiếng gọi của trái tim, của tình yêu trong lòng đứa bé 8 tuổi mong chờ giây phút gặp ba.

- Đi liền với tiếng gọi là những cử chỉ vồ vập, cuống quýt trong nỗi ân hận của Thu.

+ Như một con sóc, nó chạy xô tới, nhảy thót lên, dang chặt hai tay ôm lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má, khóc trong tiếng nấc, kiên quyết không cho ba đi…

+ Cảnh tượng ấy tô đậm thêm tình yêu mãnh liệt, nỗi khát khao mong mỏi mà Thu dành cho ba. Phút giây ấy khiến mọi người xung quanh không ai cầm được nước mắt và bác Ba “bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm chặt trái tim mình”.

- Dường như nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng muốn kéo dài thêm giây phút chia ly của cha con Thu trong cảm nhận của người đọc bằng cách rẽ mạch truyện sang một hướng khác, để bác Ba nghe bà ngoại Thu kể lại cuộc chuyện trò của hai bà cháu đêm qua.

+ Chi tiết này vừa giải thích cho ta hiểu thái độ bướng bỉnh không nhận ba hôm trước của bé Thu và sự thay đổi trong hành động của em hôm nay.

→ Như vậy, trong lòng cô bé, tình yêu dành cho ba luôn là một tình cảm thống nhất, mãnh liệt. Dù cách biểu hiện tình yêu ấy thật khác nhau trong hai hoàn cảnh, nhưng nó vẫn xuất phát trừ một cội nguồn trong trái tim đứa trẻ luôn khao khát tình cha.

- Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.

b. Lí do tác giả đặt tên là “Chiếc lược ngà”

- “Chiếc lược ngà” là một nhan đề hay thể hiện nội dung, tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Đó chính là hình tượng nghệ thuật chứa đựng tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng. Chọn hình ảnh “Chiếc lược ngà” làm nhan đề cho tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã bộc lộ tài năng của mình trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm qua một hình ảnh nghệ thuật cô đúc, giàu ý nghĩa.

-  Với bé Thu, chiếc lược ngà là kỉ vật của người cha, là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ nơi chiến khu dành cho mình.

- Với ông Sáu, chiếc lược ngà là một vật quý giá thiêng liêng bởi nó chứa đựng bao yêu thương, mong đợi của người cha và làm dịu đi nỗi ân hận vì đã đánh con… →Với nhan đề ấy, nhà văn không chỉ nói tình cha con thắm thiết sâu nặng mà còn gợi cho người đọc thấm thía những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra.

3. Kết bài

- Khát quát lại nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

- Nêu cảm nghĩ của em về đoạn trích và toàn bộ tác phẩm

Bài giải tiếp theo