Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2022

Hãy hỏi ai đó đã đi trên con đường mà bạn đang đi, hãy lắng nghe sự hướng dẫn của họ.


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn trích:

Hãy hỏi ai đó đã đi trên con đường mà bạn đang đi, hãy lắng nghe sự hướng dẫn của họ.

Để có thể học hỏi, phát triển và hoàn thiện, bạn cần phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình cũng như những lời chỉ dẫn. Một khi bạn cảm thấy lạc lối hoặc cảm thấy quả tải, đừng bao giờ ngại nói lên điều đó; hãy hỏi và bạn sẽ tìm thấy con đường ngắn nhất để đi đến thành công.

(Trích Cảm ơn cuộc sống - Keith D. Harell, biên dịch: Nguyên Như - Lan Nguyên, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 241)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì ?

Câu 2. (0,5 điểm) Xác định phép liên kết câu và chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: Để có thể học hỏi, phát triển và hoàn thiện, bạn cần phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình cũng như những lời chỉ dẫn. Một khi bạn cảm thấy lạc lối hoặc cảm thấy quá tải, đừng bao giờ ngại nói lên điều đó.

Câu 3. (1,0 điểm) Theo em, vì sao chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình ?

Câu 4. (1,0 điểm) Em có đồng ý với ý kiến hãy hỏi và bạn sẽ tìm thấy con đường ngắn nhất để đi đến thành công không ? Vì sao ?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lời chỉ dẫn đúng.

Câu 2. Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ

văn 9, tập hai, NXB GD Việt Nam, 2022, tr. 56)

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ

văn 9, tập hai, NXB GD Việt Nam, 2022, tr. 59)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì ?

Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận.

Câu 2:

Xác định phép liên kết câu và chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: Để có thể học hỏi, phát triển và hoàn thiện, bạn cần phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình cũng như những lời chỉ dẫn. Một khi bạn cảm thấy lạc lối hoặc cảm thấy quá tải, đừng bao giờ ngại nói lên điều đó.

Phương pháp: Căn cứ bài liên kết câu.

Cách giải:

Phép lặp: Bạn.

Câu 3:

Theo em, vì sao chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình ?

Phương pháp: Phân tích.

Cách giải:

Chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình vì:

- Trong công việc không thể tránh khỏi những sai lầm, bởi vậy, việc bị phê bình cũng là điều tất yếu.

- Nhận được lời phê bình cũng giúp ta nhận ra khuyết điểm của bản thân, từ đó sửa chữa và khiến bản thân ngày càng hoàn thiện hơn.

Câu 4:

Em có đồng ý với ý kiến hãy hỏi và bạn sẽ tìm thấy con đường ngắn nhất để đi đến thành công không? Vì sao?

Phương pháp: Phân tích, lí giải.

Cách giải:

Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân và có lí giải phù hợp.

Đồng ý với quan điểm của tác giả.

Vì:

- Khi nhận được chỉ dẫn ta sẽ không bị lạc đường, ta sẽ không vấp phải những vòng vèo, chùng chình trên con đường đó, ta sẽ không phải thể nghiệm đúng hoặc sai để tìm ra con đường tốt nhất.

- Nhận được sự chỉ dẫn của những người khác sẽ giúp ta biết cần chuẩn bị những gì, cần làm gì để hành trình đó thuận lợi, hanh thông.

II. LÀM VĂN: 

Câu 1: 

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lời chỉ dẫn đúng.

Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp.

Cách giải:

- Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của lời chỉ dẫn đúng.

- Giải thích: Lời chỉ dẫn đúng được hiểu như những định hướng, kinh nghiệm từ những người đi trước truyền lại cho những người đi sau.

- Ý nghĩa của lời chỉ dẫn đúng:

+ Giúp chúng ta tránh được những sai lầm dễ gặp phải.

+ Giúp con đường đi tới thành công dễ dàng hơn.

+ Giúp con người tích lũy được nhiều kiến thức.

….

- Bàn luận mở rộng:

+ Luôn biết cách lắng nghe, học hỏi từ những lời chỉ dẫn của những người đi trước.

+ Biết lắng nghe có chọn lọc, cần phân biệt việc tiếp thu kiến thức với việc nghe theo không có chính kiến.

Câu 2: 

Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ

văn 9, tập hai, NXB GD Việt Nam, 2022, tr. 56)

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ

văn 9, tập hai, NXB GD Việt Nam, 2022, tr. 59)

 

 

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài: Giới thiệu chung

2. Thân bài

2.1 Cảm nhận khổ thơ bài Mùa xuân nho nhỏ

- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.

+ Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.

+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước. Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.

2.2 Cảm nhận khổ thơ bài Viếng lăng Bác

- Câu đầu: như một lời giã biệt;

+ Cụm từ “thương trào nước mắt” diễn tả trực tiếp cảm xúc luyến tiếc, bịn rịn, không muốn xa nơi Bác an nghỉ.

- Ba câu sau: điệp ngữ “muốn làm” nhấn mạnh ước nguyện của tác giả:

+ Muốn làm con chim: cất tiếng hót quanh lăng.

+ Muốn làm đóa hoa: tỏa hương nơi Bác yên nghỉ.

+ Muốn làm cây tre trung hiếu: giữ giấc ngủ bình yên cho Người.

-> Ước muốn được hòa nhập vào những sự vật quanh Bác, mãi được ở bên Bác -> Tấm lòng thủy chung, lòng kính yêu vô hạn của tác giả nói riêng và nhân dân nói chung với Bác.

- Hình ảnh cây tre khép lại bài thơ tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng cho bài, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc, làm đậm nét thêm vẻ đẹp của cây tre, đồng thời giúp cho dòng cảm xúc được lắng đọng, trọn vẹn.

2.3 Nhận xét

- Cả 2 khổ thơ đều cho thấy những nguyện ước chân thành, mãnh liệt của tác giả muốn được cống hiến. Qua đó cho thấy lối sống cao đẹp của họ.

- Điểm khác biệt:

+ Mùa xuân nho nhỏ, tác giả thể hiện tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.

+ Viếng lăng Bác, tác giả thể hiện ước muốn được hòa nhập vào những sự vật quanh Bác, mãi được ở bên Bác -> Tấm lòng thủy chung, lòng kính yêu vô hạn của tác giả nói riêng và nhân dân nói chung với Bác.

3. Kết bài.