Đề thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2023

ĐỂ NHỮNG NGHĨ SUY CẤT LÊN THÀNH LỜI...


Đề bài

Câu 1:

ĐỂ NHỮNG NGHĨ SUY CẤT LÊN THÀNH LỜI...

Em thương mến!

Tuổi trẻ là tuổi giàu nghĩ suy về cuộc sống xung quanh và về những người thân yêu. Thế nhưng đôi khi vì e ngại, em giấu kín những tâm tư của mình; vì sợ hãi, em âm thầm chôn sâu những ước muốn riêng tư; vì chưa đánh giá đúng ý nghĩa của lời nói, em thờ ơ với việc tỏ bày. Để rồi bao nhiêu tình cảm tốt đẹp vụt qua tầm tay. Để rồi nỗi niềm tích tụ ngày một nhiều làm cho tâm hồn nặng trĩu, cuộc sống bớt đi những sắc màu tươi sáng.

Em biết chăng có những lúc tâm tư cần được thể hiện, ước muốn cần được thổ lộ, tình cảm cần được bộc bạch? Nhiều khi nghĩ suy được cất lên thành lời sẽ mang đến sự chia sẻ, cảm thông; sẽ tạo thành mối dây liên kết giữa người với người; sẽ giúp lan truyền những điều tích cực, đẹp đẽ;...

Đó là khi bác sĩ Đặng Thùy Trâm khẳng định trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước trong Nhật kí của mình:

Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến, và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt.

Đó là khi nhà thơ Lưu Quang Vũ day dứt vì những lỗi lầm ngày thơ bé trong bài thơ Gửi mẹ:

Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ

Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học

Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh

Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa.

Đó là khi triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima chia sẻ về sự độc đáo của bản thân trong tác phẩm Mắt kính không vướng bụi: Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ.

Em hãy nhớ rằng không phải nghĩ suy nào cũng cần cất lên thành lời nhưng có những nghĩ suy nhất định phải nói ra. Để bày tỏ cảm xúc. Để giải tỏa tâm trạng. Để bộc lộ cái tôi riêng biệt của bản thân. Để hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn.

Luôn có những người chờ đợi để được lắng nghe em.

Cô giáo của em

Thực hiện các yêu cầu:

a. Dựa vào bức thư, hãy chỉ ra ít nhất hai lợi ích của việc để những nghĩ suy cất lên thành lời. (0,5 điểm)

b. Tìm một thành phần biệt lập trong đoạn thơ của Lưu Quang Vũ. (0,5 điểm)

c. Lời chia sẻ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm giúp em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh? (1,0 điểm)

d. Em có thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4 – 6 dòng. (1,0 điểm)

Câu 2:

Trên đường đời một lần tôi vấp ngã

Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi

Tôi xuýt xoa. Quên cám ơn. Là lúc

Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi.

Từ ý thơ trên và từ những trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời...

Câu 3: Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1: Em hãy viết bài văn nghị luận về một khổ thơ hoặc đoạn thơ khiến em nghĩ suy về tình yêu nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ngợi ca tình yêu ấy. Từ đó cho biết tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đó đối với em.

Đề 2

Câu lạc bộ Lớn lên cùng sách

Chủ đề sinh hoạt tháng 6:

Trò chuyện cùng sách

Các bạn hãy gửi bài viết về Câu lạc bộ theo yêu cầu sau:

- Chọn một tác phẩm hoặc đoạn trích viết về đề tài tình cảm gia đình.

- Viết bài văn nghị luận trình bày những suy nghĩ của bạn về tình cảm gia đình trong tác phẩm hoặc đoạn trích ấy. Qua đó chia sẻ đôi điều về cách bạn trò chuyện và thấu hiểu (cách đọc) tác phẩm hoặc đoạn trích mà bạn chọn.

- Hạn cuối nộp bài: 10 giờ 00 phút, ngày 06/6/2023.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: 

Phương pháp:

Đọc, tìm ý.

Cách giải:

HS lựa chọn 2 lợi ích.

Hai lợi ích khi để những suy nghĩ cất lên thành lời là:

- Mang đến sự chia sẻ, cảm thông.

- Sẽ tạo mối dây liên kết giữa người và người.

- Sẽ giúp lan truyền những điều tích cực đẹp đẽ.

Câu 2: 

Phương pháp:

Căn cứ bài thành phần biệt lập.

Cách giải:

Thành phần biệt lập: Mẹ ơi

Thành phần gọi đáp.

Câu 3: 

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

HS dựa vào lời tâm sự của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và rút ra những hiểu biết của bản thân về tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến.

Gợi ý:

Tuổi trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến:

- Họ phải sống trong mưa bom, bão đạn, chứng kiến sự hi sinh của những đồng đội xung quanh mình.

- Họ yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.

- Họ trưởng thành, cứng cáp hơn trong thử thách gian lao nơi chiến trường.

Câu 4: 

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

HS bày tỏ quan điểm cá nhân và có lí giải phù hợp.

Gợi ý:

Đồng tình với ý kiến của tác giả “Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ”.

Vì:

- Mỗi con người là một cá thể độc lập, riêng biệt cả về vẻ bề ngoài, lẫn tâm hồn, tính cách bên trong.

- Chúng ta cần sống là chính chúng ta chứ không phải bản sao hoàn hảo của một ai khác.

- Sống là chính mình, phát huy những điểm mạnh, sửa chữa, hạn chế những điểm yếu.

=> Không gì đẹp đẽ hơn là được sống là chính mình và yêu thương chính mình.

II. LÀM VĂN 

Câu 1: 

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận – Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời…

2. Thân bài:

a. Giải thích:

- Suy nghĩ tốt đẹp có thể hiểu là những suy nghĩ tích cực, đẹp về những hành động, lời nói,… với những người xung quanh mình. Tuy nhiên, những điều tốt đẹp đó mới chỉ dừng lại ở trong tâm trí của con người chứ chưa được thể hiện dưới bất kì hình thức nào.

- Cất lên thành lời là lời nói được thể hiện ra bên ngoài và mọi người có thể nghe được, cảm nhận được.

=> Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời thì đồng nghĩa với việc những điều tốt đẹp sẽ không có cơ hội mang những giá trị đích thực của nó đến với những người xung quanh.

b. Bàn luận:

- Những suy nghĩ tốt đẹp khi được nói ra sẽ đem lại sự chia sẻ, cảm thông, sẽ giúp những người bất hạnh vượt qua được khó khăn, tổn thương,… Khi ta giúp đỡ một ai đó, ta nhận được lời cảm ơn của họ, điều đó làm ta hạnh phúc, thôi thúc ta tiếp tục làm việc tốt, cất lên những suy nghĩ tốt đẹp ở trong lòng để giúp đỡ được nhiều người hơn.

- Nhưng nếu những suy nghĩ đẹp đẽ đó không được cất thành lời sẽ:

+  Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời, con người sẽ không cảm nhận được sự chia sẻ, cảm thông.

+ Nếu những điều tốt đẹp chỉ dừng lại ở suy nghĩ thì sợi dây liên kết giữa người với người ngày càng bị kéo ra xa.

+ Nếu những điều tốt đẹp chỉ nằm trong suy nghĩ thì những điều tích cực, tốt đẹp ấy sẽ không có cơ hội được lan truyền rộng rãi tới mọi người.

- Trong thực tế, nhiều người ra tay cứu giúp người gặp nạn nhưng lại không nhận được lời cảm ơn, thậm chí còn bị lợi dụng lòng tốt khiến họ dần trở nên ngờ vực trước những hoàn cảnh khó khăn mà trở nên vô cảm với xã hội.

c. Bàn luận mở rộng:

- Học cách biến những suy nghĩ tốt đẹp thành hành động. Học cách thể hiện nó để nó phát huy được tốt nhất những giá trị của mình.

d. Liên hệ bản thân.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề nghị luận.

Câu 2: 

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

HS lựa chọn 1 trong 2 đề và làm theo yêu cầu của đề bài.

Ban chuyên môn Tuyensinh247 gợi ý đề số 1.

HS lựa chọn khổ thơ thể hiện tình yêu nước sao cho phù hợp.

Ban chuyên môn Tuyensinh247 lựa chọn khổ thơ cuối văn bản “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả Phạm Tiến Duật, tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

- Giới thiệu nội dung khổ cuối:

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

2. Thân bài

2.1 Tình yêu nước của những người lính lái xe

Ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

“Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

– Với biện pháp liệt kê, điệp ngữ “không có” nhấn mạnh sự trần trụi, biến dạng của những chiếc xe. Càng vào sâu trong chiến trường, chiếc xe càng trở nên méo mó, biến dạng. Một lần nữa, thông qua hình ảnh những chiếc xe, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã gián tiếp miêu tả sự ác liệt của chiến trường.

– Điều kì lạ là những chiếc xe không kính, không đèn, không mui ấy vẫn băng băng ra chiến trường. Ở đây có sự đối lập giữa vẻ bên ngoài và khả năng của chiếc xe, giữa điều kiện vật chất và sức mạnh tinh thần của người lính lái xe. Để cân bằng ba cái không có ở trên chỉ cần một cái có đó trái tim người lính. đến đây, ta càng thấy được sự ngang tàng, hóm hỉnh nhưng cũng thật sâu sắc trong thơ Phạm Tiến Duật, những chiếc xe dường như không chỉ chạy bằng nhiên liệu mà thật độc đáo khi có một trái tim cầm lái, Trái tim là 1 hình ảnh hoán dụ nhưng đồng thời cũng là hình ản ẩn dụ, nó hội tụ vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ lái xe giàu nhiệt huyết, sắt son tình yêu tổ quốc, sục sôi căm thù giặc và ý chí quyết tâm chiến đáu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

=> Hình ảnh trái tim kết thúc bài thơ đã trở thành nhãn tự của cả bài, tỏa sáng vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và của cả thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

2.2 Tác động của khổ thơ đối với em

- Khổ thơ đã cho em thấy những khó khăn, thiếu thốn của những lính trong những năm kháng chiến: xe không kính, không đèn, …

- Nhưng bên cạnh những khó khăn, trong em càng cảm phục hơn nữa sự anh dũng, không sợ hi sinh cũng nhưng tình yêu nước cháy bóng, mãnh liệt của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.

- Qua đó cũng giúp em ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển, tương lai của đất nước:

+ Phải không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, bồi dưỡng tri thức cho bản thân.

+ Rèn luyện thân thể và đạo đức để trở thành công dân tốt.

+ ….

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Bài giải tiếp theo