Đề thi kì 2 môn Văn lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD & ĐT Bến Cát

Giải chi tiết đề thi kì 2 môn văn lớp 8 năm 2019 - 2020 Phòng GD & ĐT Bến Cát với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THỊ XÃ BẾN CÁT

............

ĐỀ CHÍNH THỨC

KIỂM TRA HỌC KÌ II

Năm học 2019 - 2020

Môn: Ngữ văn - lớp 8

Thời gian: 90 phút

Ngày kiểm tra: 15/6/2020

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi


Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

          (Quê hương – Đỗ Trung Quân)

a. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của đoạn thơ? (0.5 điểm)

b. Chỉ ra các loại hoa được nhắc đến trong khổ thơ sau: (0.5 điểm)

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

c. Nêu nội dung chính của đoạn thơ. (1.0 điểm)

d. Hãy đặt một câu cảm thán có nội dung nói về đoạn thơ trên và nêu chức năng của câu cảm thán? (1.0 điểm)

II. TẬP LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm) Quê hương luôn là tình cảm thiêng liêng trong trái tim của mỗi con người. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về tình yêu quê hương.

Câu 2. (5.0 điểm) Trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nghiện game trong một số học sinh hiện nay.

……………Hết……………

Lời giải chi tiết

Phần I

a.

*Phương pháp: Căn cứ vào các thể thơ (Tự do. Lục bát, 7 chữ…) và các phương thức biểu đạt đã học (Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ).

*Cách giải:

- Thể thơ: 6 chữ.

- Phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên: miêu tả, biểu cảm.

b.

*Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn thơ.

*Cách giải:

- Các loại hoa được nhắc đến: hoa bí, hoa mồng tơi, hoa dâm bụt, hoa sen.

c.

*Phương pháp: Đọc kĩ đoạn thơ và rút ra nội dung chính.

*Cách giải:

- Nội dung chính của đoạn thơ: định nghĩa giản dị, gần gũi về quê hương và tình cảm thiêng liêng của tác giả dành cho quê hương mình.

d.

*Phương pháp: Căn cứ vào kiến thức câu cảm thán.

*Cách giải:

Các em có thể đặt những câu sử dụng các từ ngữ cảm thán phù hợp với nội dung đoạn thơ.

- Gợi ý: Chao ôi, những định nghĩa của nhà thơ Đỗ Trung Quân về quê hương mới gần gũi mà đáng yêu, đáng nhớ làm sao!

- Chức năng câu cảm thán: dùng bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói, người viết.

Phần II

Câu 1.

*Phương pháp:

- Sử dụng các thao tác lập luận phân tích, tổng hợp để tạo lập một đoạn văn nghị luận xã hội.

*Cách giải:

- Về kĩ năng:

+ Viết bài văn nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí.

+ Đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng, có lập luận thuyết phục, không mắc lỗi diễn đạt.

- Về kiến thức: Trình bày suy nghĩ về tình yêu quê hương. Có thể tham khảo một số ý sau:

+ Dẫn dắt, giới thiệu về tình yêu quê hương đất nước. Cảm nhận của em về vấn đề này (là tình cảm cần thiết, cao đẹp,...).

+ Giải thích khái niệm: Tình yêu quê hương đất nước: là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên.

+ Biểu hiện:

./ Trước hết ngay trong tình cảm với người thân trong gia đình vì gia đình cũng là một phần của quê hương đất nước.

./ Trong tình làng nghĩa xóm.

./ Trong sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra (bờ tre, ngọn dừa, triền đê, cánh đồng lúa chín,...).

./ Qua sự bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.

./ Qua quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy.

+ Vai trò của tình yêu quê hương đất nước:

./ Giúp mỗi con người sống tốt hơn trong cuộc đời, không quên nguồn cội.

./ Thúc đẩy sự phấn đấu hoàn thiện bản thân và tinh thần cống hiến giúp đỡ cộng đồng của mỗi cá nhân.

+ Bàn luận: Tình yêu quê hương đất nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi con người dù ở bất kỳ đất nước nào.

+ Bài học: Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương.

Câu 2.

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

*Cách giải:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung:

I. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu hiện tượng nghiện game của học sinh trong xã hội hiện nay. Khái quát suy nghĩ, nhận định của bản thân về vấn đề này (nghiêm trọng, cấp thiết, mang tính xã hội,…).

II. Thân bài: Nghị luận về bạo lực học đường

1. Giải thích khái niệm:

- Game là gì? Cách gọi chung của các trò chơi điện tử có thể tìm thấy trên các thiết bị như máy tính, điện thoại di động,...được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của con người ngày nay.

- Nghiện là gì? Là trạng thái tâm lý tiêu cực gây ra do việc quá phụ thuộc hoặc sa đà quá mức vào một thứ gì đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng hoặc thường xuyên tiếp xúc nó.

- Nghiện game là gì? Là hiện tượng đầu nhập quá mức vào trò chơi điện tử dẫn đến những tác hại không mong muốn.

2. Thực trạng:

- Nhiều học sinh, sinh viên dành trên 4 giờ mỗi ngày cho việc chơi game.

- Nhiều tiệm net vẫn hoạt động ngoài giờ cho phép do nhu cầu chơi game về đêm của học sinh.

- Ngày càng nhiều hậu quả tiêu cực xảy ra trong xã hội có liên quan đến nghiện game.

3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghiện game:

- Các trò chơi ngày càng đa dạng, phong phú và nhiều tính năng thu hút giới trẻ.

- Lứa tuổi học sinh chưa được trang bị tâm lý vững vàng, dễ bị lạc mình trong thế giới ảo.

- Nhu cầu chứng tỏ bản thân và ganh đua với bè bạn do tuổi nhỏ.

- Phụ huynh và nhà trường chưa quản lý học sinh chặt chẽ.

4. Hậu quả của nghiện game:

- Học sinh bỏ bê việc học, thành tích học tập giảm sút.

- Ảnh hưởng đến sức khỏe, hao tốn tiền của.

- Dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.

5. Giải pháp khắc phục hiện tượng nghiện game:

- Bản thân học sinh nên tự xây dựng ý thức học tập tốt, giải trí vừa phải.

- Cần có biện pháp giáo dục, nâng cao ý cho học sinh đồng thời tuyên truyền tác hại của việc nghiện game trong nhà trường, gia đình và xã hội.

- Các cơ quan nên có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề phát hành và phổ biến game.

III. Kết bài: 

Khẳng định lại vấn đề (tác hại của nghiện game online, vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết kịp thời,...). Đúc kết bài học kinh nghiệm, đưa ra lời kêu gọi, nhắn nhủ.

Bài giải tiếp theo