Đề thi học kì 1 Văn 7 Cánh diều - Đề số 11

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:


Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT THẠCH SANH

(Bài làm của học sinh)

Chàng dũng sĩ Thạch Sanh trong tác phẩm cùng tên là nhân vật cổ tích ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện xoay quanh những biến cố, những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua để đạt được hạnh phúc. Nhân vật đã thể hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ những quan niệm của nhân dân ta về cái thiện, cái ác, về lòng yêu chuộng hòa bình.

Thạch Sanh vốn là con của Ngọc Hoàng, vì thương đôi vợ chồng nghèo đã lớn tuổi mà chưa có con nên Ngọc Hoàng sai Thạch Sanh xuống đầu thai làm con. Chàng được sinh ra hết sức đặc biệt, người mẹ mang thai vài năm mới hạ sinh Thạch Sanh và khi chàng vừa khôn lớn thì mẹ đã qua đời. Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiếm sống qua ngày. Thạch Sanh còn được các thiên thần xuống chỉ dạy võ nghệ và các phép thần thông. Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường, kì lạ. Bình thường ở chỗ cha mẹ chàng là những người lao động nghèo, hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người. Thạch Sanh sớm mồ côi cha mẹ - chàng là đại diện tiêu biểu cho những trẻ mồ côi, một trong những lớp người khốn cùng nhất của xã hội. Để nuôi sống bản thân Thạch Sanh đã dùng tài sản duy nhất của cha để lại là chiếc rìu mang đi đốn củi, công việc của chàng hết sức bình dị, đời thường. Những nét đời thường đó khiến cho nhân vật gần gũi hơn với đời sống nhân dân. Nhưng ẩn đằng sau cái bình dị đó lại là sự xuất thân khác thường: chàng vốn là thái tử được sai xuống trần gian, người mẹ mang thai vài năm mới sinh ra Thạch Sanh, chàng được các thiên thần dạy võ nghệ và phép thuật. Những điểm khác thường đó chính lá dấu hiệu báo trước cho người đọc biết những việc làm phi thường của chàng sau này. Đồng thời mở ra hướng phát triển của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

Để đạt đến hạnh phúc cuối cùng, Thạch Sanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ chằn tinh. Lý Thông lừa cứu công chúa rồi chôn vùi chàng dưới hang sâu, ở đây chàng đã cứu được con trai vua Thủy Tề và được tặng một chiếc đàn thần. Tiêu diệt chắn tinh và đại bàng nên chàng còn bị hồn của chúng báo thù, bị vu oan và nhốt vào ngục tối. Nhờ đàn thần chàng đã tự giải cứu mình, không chỉ vậy còn lật tẩy bộ mặt xảo quyệt của mẹ con Lý Thông, giúp công chúa lấy lại được tiếng nói. Và cuối cùng chàng đã nên duyên với công chúa. Những thử thách mà chàng phải vượt qua ngày càng khó khăn hơn, nhưng đồng nghĩa với đó chiến công và phần thưởng chàng có được cũng một tăng dần. Những việc làm, hành động ấy cho thấy Thạch Sanh là con người thật thà, chất phác, sẵn sàng xả thân vì người khác, chàng chưa một lần suy tính cho lợi ích của bản thân. Không chỉ vậy, Thạch Sanh còn là một con người quả cảm, tài năng, đứng trước những kẻ thù hung hãn như chằn tinh, đại bàng chàng không hề nao núng, dùng sức khỏe và tài năng của mình để đánh bại chúng. Chi tiết chàng tha cho mẹ con Lý Thông về quê còn cho thấy tấm lòng nhân đạo, khoan dung của chàng với kẻ thù của mình. Thạch Sanh là hiện thân của vẻ đẹp toàn mĩ, lý tưởng, luôn đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cứu người dân lương thiện. Mọi hành động chàng làm đều vì cuộc sống thanh bình, tốt đẹp của nhân dân. Kết thúc có hậu khi chàng lấy công chúa, mẹ con Lý Thông bị trừng phạt còn thể hiện ước mơ về công lý xã hội của nhân dân ta.

Không chỉ là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân đạo, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Trong thử thách cuối cùng, Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu đã thể hiện rõ nét nhất điều này. Bằng tài năng, tấm lòng của mình chàng đã dùng tiếng đàn thần làm quân giặc “bủn rủn chân tay, không còn nghĩ được gì tới việc đánh nhau nữa”. Chàng lại dùng niêu cơm thần dọn một bữa cơm thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết niêu cơm thần vừa phản ánh tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh vừa thể hiện mơ ước ấm no, hạnh phúc của dân tộc ta. Thạch Sanh là sự hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: hiền lành, chất phác, tốt bụng, anh dũng, kiên cường, khoan dung và yêu chuộng hòa bình.

Xây dựng nhân vật Thạch Sanh các tác giả dân gian đã tạo nên cốt truyện hết sức hấp dẫn, kịch tính, tạo hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Bên cạnh đó nhân vật được xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bình thường và phi thường khiến cho nhân vật vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng hết sức cao quý. Đi kèm với nhân vật luôn có sự trợ giúp của các đồ vật thần kì (đàn, niêu cơm, cung tên) làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Kết thúc tác phẩm là kết thúc có hậu, đây là kiểu kết thúc phổ biến của truyện cổ tích. Trải qua những khó khăn, vất vả, Thạch Sanh đã dành được phần thưởng xứng đáng (lấy công chúa, lên ngôi vua), qua đó còn phản ánh mơ ước, khát vọng, quan niệm ở hiền gặp lành của nhân dân ta.

Thạch Sanh là truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính. Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mĩ cả về nhân cách lẫn tài năng. Qua nhân vật này, các tác giả dân gian thể hiện mơ ước, niềm tin về đạo đức, công lí và công bằng trong xã hội, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo và yêu

chuộng hòa bình của nhân dân ta.

Câu hỏi

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản truyện.

B. Văn bản nghị luận xã hội.

C. Văn bản nghị luận văn học.

D. Văn bản kí.

Câu 2. Đối tượng nghị luận của văn bản là:

A. Nhân vật Thạch Sanh

B. Cốt truyện cổ tích Thạch Sanh

C. Truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính,

D. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Thạch Sanh,

Câu 3. Văn bản nghị luận trên có mấy luận điểm?

A. Năm luận điểm

B. Bốn luận điểm

C. Ba luận điểm

D. Sáu luận điểm.

Câu 4. Nhân vật Thạch Sanh được làm sáng tỏ ở những khía cạnh nào?

A. Lai lịch; trải qua nhiều thử thách; tấm lòng nhân đạo; nghệ thuật xây dựng nhân vật.

B. Một số tính cách tiêu biểu; nghệ thuật xây dựng nhân vật.

C. Trải qua nhiều thử thách; tấm lòng nhân đạo.

D. Lai lịch; trải qua nhiều thử thách; được hưởng hạnh phúc.

Câu 5. Câu “Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường kì lạ”, để làm sáng tỏ ý kiến nào?

A. Thạch Sanh trải qua nhiều thử thách.

B. Lai lịch của Thạch Sanh.

C. Tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh.

D. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Thạch Sanh.

Câu 6. Câu: “Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiến sống qua ngày” là:

A. Nêu ý kiến.

B. Lí lẽ.

C. Dẫn chứng gián tiếp

D. Dẫn chứng trực tiếp.

Câu 7. “Để đạt đến hạnh phúc cuối cùng, Thạch Sanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách” là thành phần nào trong văn nghị luận?

A. Nêu ý kiến.

B. Lí lẽ.

C. Dẫn chứng gián tiếp.

D. Dẫn chứng trực tiếp.

Câu 8. Câu “Nhờ đàn thần chàng đã tự giải cứu mình, không chỉ vậy còn lật tẩy bộ mặt xảo quyệt của mẹ con Lý Thông, giúp công chúa lấy lại được tiếng nói” là:

A. Nêu ý kiến.

B. Lí lẽ.

C. Dẫn chứng gián tiếp.

D. Dẫn chứng trực tiếp.

Câu 9: Em có đồng ý  với nhận định của bài viết: “Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mỹ cả về nhân cách lẫn tài năng” không? Vì sao? (trả lời 6-8 dòng) (1đ)

Câu 10: Văn bản trên giúp em hiểu thêm điều gì về nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích cùng tên? (trả lời 4-6 dòng) (1đ)

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)

Hãy phân tích một nhân vật văn học trong một truyện ngắn mà em yêu thích. Từ đó hãy cho biết đặc điểm nào của nhân vật đó khiến em mong muốn học tập? Vì sao?

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

Câu 7

Câu 8

C

A

B

A

B

C

A

B

 

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản truyện.

B. Văn bản nghị luận xã hội.

C. Văn bản nghị luận văn học.

D. Văn bản kí.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại dấu hiệu nhận biết các thể loại

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên thuộc thể loại văn bản nghị luận văn học (phân tích một nhân vật trong văn bản văn học)

→ Đáp án C

Câu 2. Đối tượng nghị luận của văn bản là:

A. Nhân vật Thạch Sanh

B. Cốt truyện cổ tích Thạch Sanh

C. Truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính,

D. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Thạch Sanh,

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và tiêu đề

Lời giải chi tiết:

Đối tượng nghị luận của văn bản là nhân vật Thạch Sanh

→ Đáp án A

Câu 3. Văn bản nghị luận trên có mấy luận điểm?

A. Năm luận điểm

B. Bốn luận điểm

C. Ba luận điểm

D. Sáu luận điểm.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên có bốn luận điểm

- Giới thiệu nhân vật Thạch Sanh

- Những thử thách Thạch Sanh phải vượt qua

- Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân đạo, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta

- Nhận xét về cốt truyện

→ Đáp án B

Câu 4. Nhân vật Thạch Sanh được làm sáng tỏ ở những khía cạnh nào?

A. Lai lịch; trải qua nhiều thử thách; tấm lòng nhân đạo; nghệ thuật xây dựng nhân vật.

B. Một số tính cách tiêu biểu; nghệ thuật xây dựng nhân vật.

C. Trải qua nhiều thử thách; tấm lòng nhân đạo.

D. Lai lịch; trải qua nhiều thử thách; được hưởng hạnh phúc.

Phương pháp giải

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết

Nhân vật Thạch Sanh được làm sáng tỏ ở những khía cạnh:

Lai lịch; trải qua nhiều thử thách; tấm lòng nhân đạo; nghệ thuật xây dựng nhân vật.

→ Đáp án A

Câu 5. Câu “Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường kì lạ”, để làm sáng tỏ ý kiến nào?

A. Thạch Sanh trải qua nhiều thử thách.

B. Lai lịch của Thạch Sanh.

C. Tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh.

D. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Thạch Sanh.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn và đối chiếu với văn bản

Lời giải chi tiết:

Câu văn nhằm làm sáng tỏ ý: Lai lịch của Thạch Sanh

→ Đáp án B

Câu 6. Câu: “Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiến sống qua ngày” là:

A. Nêu ý kiến.

B. Lí lẽ.

C. Dẫn chứng gián tiếp

D. Dẫn chứng trực tiếp.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn, nhớ lại kiến thức về lí lẽ, ý kiến, dẫn chứng

Lời giải chi tiết:

Câu văn trên là dẫn chứng trực tiếp nói về cuộc sống của Thạch Sanh

→ Đáp án C

Câu 7. “Để đạt đến hạnh phúc cuối cùng, Thạch Sanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách” là thành phần nào trong văn nghị luận?

A. Nêu ý kiến.

B. Lí lẽ.

C. Dẫn chứng gián tiếp.

D. Dẫn chứng trực tiếp.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn và đối chiếu với văn bản

Lời giải chi tiết:

Câu trên là thành phần nêu ý kiến

→ Đáp án A

Câu 8. Câu “Nhờ đàn thần chàng đã tự giải cứu mình, không chỉ vậy còn lật tẩy bộ mặt xảo quyệt của mẹ con Lý Thông, giúp công chúa lấy lại được tiếng nói” là:

A. Nêu ý kiến.

B. Lí lẽ.

C. Dẫn chứng gián tiếp.

D. Dẫn chứng trực tiếp.

Phương pháp giải

Đọc kĩ câu văn và đối chiếu với văn bản

Lời giải chi tiết

Câu trên là câu văn nêu lý lẽ

→ Đáp án B

Câu 9: Em có đồng ý  với nhận định của bài viết: “Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mỹ cả về nhân cách lẫn tài năng” không? Vì sao? (trả lời 6-8 dòng) (1đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nhận định và nêu ý kiến của bản thân

Lời giải chi tiết:

- Thể hiện rõ ý kiến cả nhân

- Có ít nhất 2 lý do để làm rõ nhận định của mình

Câu 10: Văn bản trên giúp em hiểu thêm điều gì về nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích cùng tên? (trả lời 4-6 dòng) (1đ)

Phương pháp giải:

 Nêu ý kiến của bản thân

Lời giải chi tiết:

- Xác định những đặc điểm về nhân vật Thạch Sanh mà mình đã biết trước khi đọc văn bản này

- Xác định những đặc điểm về nhân vật Thạch Sanh mà mình vừa lĩnh hội được qua văn bản đọc (vị trí, vai trò của nhân vật đối với việc thể hiện chủ đề, giá trị tác phẩm)

- Từ 2 gợi ý trên, HS trả lời rõ những nội dung đã hiểu thêm về nhân vật Thạch Sanh

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)

Hãy phân tích một nhân vật văn học trong một truyện ngắn mà em yêu thích. Từ đó hãy cho biết đặc điểm nào của nhân vật đó khiến em mong muốn học tập? Vì sao?

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Phân tích nhân vật truyện ngắn

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

- Giới thiệu khái quát về nhân vật (ấn tượng sâu sắc nhất)

Thân bài

2,5

- Phân tích 2-3 đặc điểm nổi bật của nhân vật (chọn dẫn chứng tiêu biểu phù hợp với ý kiến)

- Đặc điểm 1: nhận định + dẫn chứng + lí lẽ phân tích + kết luận

- Đặc điểm 2: nhận định+ dẫn chứng+ lí lẽ phân tích + kết luận

(4 nội dung trong 1 luận điểm có thể thay đổi vị trí)

Kết bài

0,5

- Đánh giá nhân vật

- Sự tác động của nhân vật tới cảm xúc, suy nghĩ

Yêu cầu khác

0,5

Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (tách các luận điểm)

- Dẫn chứng tiêu biểu phù hợp với lý lẽ, ý kiến