Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 7 - Cánh diều
Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
A. NỘI DUNG ÔN TẬP
I. Phần đọc hiểu
1. Tiểu thuyết và truyện ngắn
- Tiểu thuyết là tác phẩm văn xuôi cỡ lớn, có nội dung phong phú, cốt truyện phức tạp; phản ánh nhiều sự việc, cảnh ngộ; thường miêu tả nhiều tuyến nhân vật, nhiều quan hệ chồng chéo với những diễn biến tâm lí phức tạp, đa dạng.
- Truyện ngắn
+ Là một dạng tự sự cỡ nhỏ, truyện ngắn gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ tích, giai thoại, truyện cười hoặc gần hơn là giống với các bài kí ngắn. Tuy nhiên, truyện ngắn về hình thức lại giống với tiểu thuyết hơn bởi nó tái hiện cuộc sống đương thời.
+ Về nội dung, truyện ngắn có rất nhiều thể loại khác nhau, bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống con người chẳng hạn như: đời tư, sử thi nhưng quan trọng và độc đáo là nội dung ngắn, dung lượng thường được tóm gọn.
+ Truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nó có thể kể về cuộc đời hay một sự kiện trong cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phải là ở hệ thống sự kiện, ở độ lớn của số trang mà ở cái nhìn tự sự của tác giả đối với cuộc đời, nhân vật ấy.
2. Thơ bốn chữ, năm chữ
- Hình thức: Thơ bốn chữ và thơ năm chữ là những thể thơ được gọi tên theo số chữ (tiếng) trong mỗi dòng thơ. Số lượng dòng mỗi bài không hạn chế. Bài thơ bốn chữ và năm chữ có thể chia khổ hoặc không.
- Cách gieo vần trong thơ bốn chữ và thơ năm chữ: vần thường được đặt ở cuối dòng, gọi là vần chân. Vần có thể gieo liên tiếp (vần liền) hoặc cách quãng (vần cách), cũng có thể phối hợp nhiều kiểu gieo vần trong một bài thơ (vần hỗn hợp),...
- Thơ bốn chữ thường ngắt nhịp 2/2, thơ năm chữ thường ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2. Tuy nhiên nhịp thơ cũng có thể ngắt linh hoạt, phù hợp với tình cảm, cảm xúc được thể hiện trong bài thơ.
- Thơ bốn chữ và thơ năm chữ gần gũi với đồng dao, vè, thích hợp với việc kể chuyện, hình ảnh thơ thường dung dị, gần gũi.
3. Truyện khoa học viễn tưởng
- Là những tác phẩm văn học mà ở đó, tác giả tưởng tượng, hư cấu dựa trên thành tựu của khoa học và công nghệ. Truyện khoa học viễn tưởng rất ít khi chứa các yếu tố thần kì, siêu nhiên mà luôn dựa trên những kiến thức hoặc lý thuyết khoa học tại thời điểm tác phẩm ra đời
- Đề tài của truyện khoa học viễn tưởng thường gắn với các lĩnh vực khoa học
- Sự kiện trong truyện khoa học viễn tưởng có thể bắt đầu từ sự kiện có thật
- Tình huống trong truyện khoa học viễn tưởng thường đột ngột, bất ngờ, có phần li kì, mạo hiểm,…
- Nhân vật trong truyện khoa học viễn tưởng thường là những con người thông thái trong các lĩnh vực (đề tài) mà tác phẩm đề cập
- Bối cảnh trong truyện khoa học viễn tưởng thường gắn với đề tài của truyện
4. Nghị luận văn học
Mục đích của văn bản nghị luận văn học là thuyết phục người đọc về một vấn đề văn học. Nội dung bài nghị luận thường tập trung phân tích vẻ đẹp nội dung hoặc sự độc đáo về hình thức của tác phẩm văn học
5. Văn bản thông tin
- Văn bản thông tin là một hình thức viết nhằm truyền đạt thông tin và kiến thức một cách chính xác và trung thực. Loại văn bản này rất phổ biến và hữu ích trong đời sống hàng ngày. Nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như thông báo, chỉ dẫn, mô tả công việc, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, hợp đồng quảng cáo, các văn bản hành chính, từ điển và bản tin.
- Mục đích chính của văn bản thông tin là truyền đạt thông tin một cách khách quan và trung thực. Người đọc hoặc người nghe có thể hiểu chính xác những gì được mô tả và giới thiệu trong văn bản này. Điều này đòi hỏi người viết phải sử dụng ngôn từ rõ ràng, logic và tránh sử dụng yếu tố hư cấu hay tưởng tượng.
- Thông tin trong văn bản có thể được tổ chức theo nhiều cách khác nhau. Một số cách tổ chức thông tin phổ biến bao gồm: theo nguyên nhân-kết quả, theo trật tự thời gian, theo so sánh và phân loại, và theo vấn đề và giải pháp. Cách tổ chức thông tin phụ thuộc vào mục đích và đối tượng của văn bản.
2. Phần tiếng Việt
a. Từ ngữ địa phương
b. Số từ và phó từ
3. Phần làm văn
a.Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
b.Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ
c.Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc
d. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật
e. Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi
B. BÀI TẬP
1. Phần đọc hiểu
*Đề bài
Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng
Câu 1: Nội dung chính của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng là gì?
A. Cuộc gặp gỡ của tía con An với chú Võ Tòng
B. Cuộc chạm trán với hổ của Võ Tòng
C. Cuộc gặp gỡ của An với ông Hai bán rắn
D. Hành trình đi lấy mật trong rừng U Minh của tía con An, Cò
Câu 2: Đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng đã giúp em hiểu thêm điều gì?
A. Phong cảnh thiên nhiên đất rừng U Minh
B. Phong tục tập quán Nam Bộ
C. Văn hóa ẩm thực Nam Bộ
D. Đặc điểm tính cách của con người nơi đất rừng U Minh
Câu 3: Nhan đề đoạn trích gợi cho em suy nghĩ gì?
A. Gợi suy nghĩ về một người đàn ông cơ đơn, sống một mình trong khu rừng mênh mông
B. Gợi suy nghĩ về một người đàn ông bị xã hội xa lánh phải vào rừng sống một mình
C. Gợi suy nghĩ về một người đàn ông phạm tội phải trốn vào rừng sống một mình
D. Gợi suy nghĩ về một người chiến sĩ cách mạng ẩn náu trong rừng
Văn bản Buổi học cuối cùng
Câu 4: Buổi học cuối cùng thuộc thể loại gì?
A. Tiểu thuyết
B. Tùy bút
C. Truyện ngắn
D. Tản văn
Câu 5: Em hiểu thế nào về nhan đề Buổi học cuối cùng?
A. Buổi học cuối cùng của một học kì
B. Buổi học cuối cùng của một năm học
C. Buổi học cuối cùng của môn tiếng Pháp
D. Buổi học cuối cùng của cậu bé Phrăng trước khi chuyển đến ngôi trường mới
Văn bản Mẹ
Câu 6: Bài thơ Mẹ viết về điều gì?
A. Viết về mẹ và sự già đi của mẹ theo năm tháng
B. Viết về những năm tháng tần tảo của người bà
C. Viết về những tháng ngày gian khó của người bà chăm sóc cháu
D. Viết về người mẹ phải để lại đứa con cho họ hàng đi tha phương cầu thực
Câu 7: Bài thơ Mẹ mượn hình ảnh loài cây nào để khắc họa hình ảnh người mẹ?
A. Cây tre
B. Cây vú sữa
C. Cây cau
D. Cây bầu
Văn bản Ông đồ
Câu 8: Những ông đồ trong xã hội cũ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời khi nào?
A. Đã quá già, không còn đủ sức khỏe để làm việc
B. Khi tranh vẽ và câu đối không còn được mọi người ưa thích
C. Khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ
D. Khi các trường học mọc lên nhiều và chữ quốc ngữ trở nên phổ biến trong nhân dân
Câu 9: Hai câu thơ: “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bày” nói lên điều gì?
A. Ông đồ rất tài hoa
B. Ông đồ viết văn rất hay
C. Ông đồ có hoa tay, viết câu đối rất đẹp
D. Ông đồ có nét chữ bình thường
Văn bản Tiếng gà trưa
Câu 10: Tình cảm, cảm xúc được nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ là tình cảm gì?
A. Nỗi nhớ về tuổi thơ, sự hoài niệm về tuổi thơ
B. Tình yêu quê hương, đất nước
C. Tình bà cháu
D. Cả ba đáp án trên
Câu 11: Từ “chắt chiu” trong câu “Dành từng quả chắt chiu” có nghĩa gì?
A. Tiết kiệm, dè sẻn
B. Giữ gìn, nâng niu
C. Giữ gìn, nâng niu
D. Âu yếm vỗ về
Văn bản Bạch tuộc
Câu 12: Văn bản Bạch tuộc kể lại sự kiện gì?
A. Sự kiện đoàn phi hành gia tàu Hơ-mét gặp một trận bão và Mác Oát-ni suýt mất mạng, anh phải chống chọi với vết thương và các yếu tố môi trường để tìm cách sống sót
B.Kể về mong muốn chấm dứt chiến tranh của viên trung sĩ bằng cách làm gỉ tất cả các loại súng máy, xe tăng
C.Sự kiện tàu No-ti-lớt gặp và chiến đấu với những con quái vật bạch tuộc khổng lồ ở quần đảo Lu-cai
D.Hành trình khám phá xưởng sản xuất sô-cô-la bên trong nhà máy của năm đứa trẻ và chín người lớn
Câu 13: Văn bản Bạch tuộc, từ “giáp chiến” nghĩa là gì?
A. Là tiến gần đến để giao tranh
B.Là tấn công một cách bất ngờ
C.Là cách đánh lúc ẩn lúc hiện, khi chỗ này, khi chỗ khác
D.Là tấn công hai bên sường của đối phương
Văn bản Chất làm gỉ
Câu 14: Văn bản Chất làm gỉ là cuộc trò chuyện giữa ai?
A.Viên đại tá – Người gác cổng
B.Viên đại tá – Viên trung sĩ
C.Viên trung sĩ – Người gác cổng
D.2 viên trung sĩ
Văn bản Thiên nhiên và con người trong truyện Đất rừng phương Nam
Câu 15: Văn bản bàn về vấn đề gì trong truyện Đất rừng phương Nam?
A.Thiên nhiên và con người
B.Thiên nhiên và động vật
C.Con người và loài vật
D.Con người và loài vật
Câu 16: Câu văn nào trong văn bản nêu đánh giá chung về truyện Đất rừng phương Nam?
A.Cùng với thiên nhiên được Đoàn Giỏi vẽ với những màu sắc lộng lẫy, cuồn cuộn, tràn trề sức sống là những con người Nam Bộ với những nét sắc sảo lạ lùng.
B.Nhân vật trong Đất rừng phương Nam có nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề như một xã hội thu nhỏ, hoạt động suốt hai triền sông vào rừng U Minh, xuống tận mũi Cà Mau
C.Truyện Đất rừng phương Nam có kết cấu chương hồi kiểu truyền thống: không gian, thời gian rạch ròi, nhân vật thiện ác, trắng đen tách bạch và bộc lộ qua hành động, hình dáng, ngôn ngữ
D.Có thể nói, Đất rừng phương Nam đã nói được cái tinh túy của hồn đất, hồn người một vùng châu thổ Cửu Long Giang
Văn bản Vẻ đẹp của bài thơ Tiếng gà trưa
Câu 17: Theo Đinh Trọng Lạc, Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh khác với tiếng gà Ò…ó…o của Trần Đăng Khoa ở điểm nào?
A.Mang giá trị nghệ thuật hơn
B.Liên tưởng sâu sắc hơn
C.Lắng đọng làm người ta xao xuyến, bồi hồi
D.Đơn giản, dễ hiểu hơn
Văn bản Ca Huế
Câu 18: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
A.Tự sự
B.Miêu tả
C.Nghị luận
D.Thuyết minh
Văn bản Hội thi thổi cơm
Câu 19: Văn bản Hội thi thổi cơm thuộc thể loại gì?
A.Văn bản nghị luận
B.Văn bản thông tin
C.Tiểu thuyết
D.Thơ
Văn bản Những nét đặc sắc trên đất vật Bắc Giang
Câu 20: Trong văn bản, người dân muốn gửi gắm điều gì thông qua đấu vật?
A.Niềm tin về một sự công bằng, đạo lý
B.Mong ước “mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu”
C.Niềm tin vào người anh hùng bảo vệ đất nước
D.Thể hiện sức mạnh của đấng nam nhi trong làng
2. Phần tiếng Việt
a. Từ ngữ địa phương
Câu 1: Thế nào là từ ngữ địa phương?
A.Là từ ngữ toàn dân đều biết và hiểu
B.Là từ ngữ chỉ được dùng ở một (một số) địa phương nhất định
C.Là từ ngữ chỉ được dùng duy nhất ở một địa phương
D.Là từ ngữ được ít người biết đến
Câu 2: Các từ in đậm trong đoạn thơ sau chủ yếu ở vùng miền nào?
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình – Trị - Thiên,
Cho bầy tui nghe ví
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
- Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri
A.Miền Bắc
B.Miền Nam
C.Đây là từ ngữ toàn dân
D.Miền Trung
Câu 3: Trong những trường hợp dưới đây, trường hợp nào được sử dụng từ địa phương?
A.Khi viết đơn từ, báo cáo gửi thầy giáo, cô giáo
B.Khi nói chuyện với người nước ngoài biết tiếng Việt
C.Người nói chuyện với mình là người ở địa phương khác
D.Người nói chuyện với mình là người cùng địa phương
Câu 4: Những từ ngữ ba, má, bạc hà, chả lụa thuộc từ ngữ vùng miền nào?
A.Từ ngữ địa phương Bắc Bộ
B.Từ ngữ địa phương Trung Bộ
C.Từ ngữ địa phương Nam Bộ
D.Từ ngữ toàn dân
Câu 5: Nhận xét nào không nói lên mục đích của việc sử dụng các từ địa phương trong tác phẩm văn học?
A.Để tô đậm màu sắc địa phương cho câu chuyện
B.Để tô đậm tính cách nhân vật
C.Để thể hiện sự hiểu biết của tác giả về địa phương đó
D.Để tô đậm tính cách nhân vật
Câu 6: Khi sử dụng từ ngữ địa phương cần chú ý điều gì?
A.Không nên quá lạm dụng từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội
B.Không phải từ nào đối tượng giao tiếp cũng có thể hiểu được từ ngữ địa phương
C.Tùy hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp mà sử dụng từ ngữ địa phương
D.Tất cả đáp án trên
Câu 7: Cho hai đoạn thơ sau:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”
(Hồ Chí Minh, Tức cảnh Pác Bó)
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào”
(Tố Hữu, Khi con tu hú)
Xác định từ ngữ toàn dân của hai từ “bẹ, bắp”.
A.Sắn
B.Khoai
C.Ngô
D.Lúa mì
b. Số từ và phó từ
Câu 8: Trong các câu sau, câu nào chứa số từ?
A.Tất cả các em học sinh khi đến trường đều phải mặc đồng phục theo quy định
B.Cô ấy đứng thứ nhất trong đợt thi khảo sát vừa rồi
C.Từng trang vở đều gợi lại những ký ức đẹp đẽ của thời học sinh
D.Những bông hoa ngoài vườn thật đẹp
Câu 9: Xác định câu không chứa số từ trong những câu sau:
A.Dân tộc Việt Nam là một.
B.Cô ấy đứng thứ nhất trong đợt thi khảo sát vừa rồi
C.Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
D.Những bông hoa ngoài vườn thật đẹp
Câu 10: Ý nghĩa của phó từ trong câu sau là gì?
“Đêm khuya cháu vẫn cứ thổn thức không sao ngủ được”
A.Chỉ sự phủ định
B.Chỉ sự tiếp diễn
C.Chỉ kết quả
D.Chỉ mức độ
3. Phần làm văn
a.Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Đề 1: Các em đã học và đọc nhiều câu chuyện lịch sử, hãy viết bài văn kể về sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích
Đề 2: Em hãy đóng vai nhạc sĩ Văn Cao, viết bài văn kể lại sự ra đời của bài hát “Tiến quân ca”
b.Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ
Đề 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
Đề 2: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên
Đề 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
c.Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc
Đề 1: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc.
d. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật
Đề 1: Viết bài văn phân tích nhân vật An trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của Đoàn Giỏi
Đề 2: Viết bài văn phân tích nhân vật thầy Ha – men trong văn bản Buổi học cuối cùng
Đề 3: Phân tích suy nghĩ của cậu bé Côn về câu chuyện tình sử Mị Châu – Trọng Thủy
e. Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi
Đề 1: Dựa cào các văn bản đã học (Ca Huế, Hôi thi thổi cơm, Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang), hãy viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một trong các hoạt động hay trò chơi đã được giới thiệu hoặc các hoạt động hay trò chơi tương tự của địa phương em
C. LỜI GIẢI CHI TIẾT
1. Phần đọc hiểu
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
A |
D |
A |
C |
C |
A |
C |
C |
C |
D |
B |
C |
A |
B |
A |
D |
C |
D |
B |
B |
2. Phần tiếng Việt
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
B |
D |
D |
C |
C |
D |
C |
B |
D |
B |
3. Phần làm văn
a.Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Đề 1: Các em đã học và đọc nhiều câu chuyện lịch sử, hãy viết bài văn kể về sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích
Khi Trần Quốc Tuấn còn nhỏ, thân phụ ông với vua Trần Thái Tông, vốn là hai anh em trở nên bất hòa. Năm 1251, trước khi qua đời, Trần Liễu trăng trối với con trai rằng: "Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!". Trần Quốc Tuấn tuy gật đầu, nhưng ông không cho đó là điều phải mà luôn tìm mọi cách xóa bỏ mọi hiềm khích trong hoàng tộc.
Cuối năm 1284, giặc Nguyên - Mông sắp kéo đại binh sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh. Từ Vạn Kiếp, Vương kéo quân mã về Thăng Long để cùng Triều đình bàn kế chống giặc.
Một hôm, Trần Quốc Tuấn mời Thái sư Thượng tướng quân Trần Quang Khải xuống chiếc thuyền đóng tại Đông Bộ Đầu để đàm đạo. Trần Quốc Tuấn đã dùng nước thơm tắm cho Trần Quang Khải. Vừa dội nước thơm lên người Thái sư, vị Tiết chế Quốc công nói:
- Thật hạnh ngộ, tôi được tắm hầu Thái sư.
- Diễm phúc biết bao, tôi được Quốc công tắm cho.
Từ đó, mối tị hiềm giữa hai người được xóa bỏ hẳn.
Lúc bấy giờ thế giặc mạnh lắm, ta nên "đánh" hay nên "hòa"? Trần Quốc Tuấn đã xin Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các bô lão cao tuổi nhất, danh vọng nhất về Thăng Long để bàn kế giữ nước. Tại điện Diên Hồng tiếng hô "Quyết chiến! Quyết chiến!" của các bô lão rung chuyển Kinh thành.
Trần Quốc Tuấn viết "Hịch tướng sĩ" và "Binh thư yếu lược". Tướng sĩ hăm hở luyện tập cung tên, giáo mác, chiến mã. Hàng vạn hùng binh thích vào cánh tay hai chữ "Sát Thát".. Mùa hè năm 1285, 50 vạn quân xâm lược Nguyên - Mông bị đánh tơi tả. Toa Đô bị quân ta chém đầu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh mũi tên tẩm thuốc độc mới thoát chết!
Đề 2: Em hãy đóng vai nhạc sĩ Văn Cao, viết bài văn kể lại sự ra đời của bài hát “Tiến quân ca”
Tiến quân ca là một trong những sáng tác tâm đắc nhất của tôi. Bài hát được ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, cũng như đánh dấu một bước ngoặt lớn của cuộc đời của tôi.
Trong một khoảng thời gian khá dài, tôi đã đánh mất đi những khát vọng và ước mơ của tuổi trẻ. Khi đó, cuộc sống chỉ chìm trong những ngày tháng tuyệt vọng, chán nản. Giữa lúc tôi muốn bỏ cuộc, tôi đã gặp được anh Ph. D. - một người bạn rất thân thiết đã khiến cuộc đời của tôi thay đổi.
Anh Ph.D. đã giới thiệu tôi quen biết với anh Vũ Quý, người đã theo dõi con đường hoạt động nghệ thuật của tôi lâu năm. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện, với tôi vô cùng quý giá, để từ đó, tôi đã tìm ra hướng đi mới cho bản thân - đi theo cách mạng. Khao khát của tôi là được cùng với đồng đội cầm súng tiêu diệt kẻ thù, nhưng nhiệm vụ của tôi lại là sáng tác nghệ thuật.
Thời điểm đó, khoa quân chính kháng Nhật sắp mở, cần một bài hát để khích lệ tinh thần cho quân đội cách mạng. Tôi đã từng sáng tác khá nhiều bài hát về tinh thần yêu nước như: Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng… tuy nhiên tôi lại chưa từng viết về cách mạng. Dù vậy, tôi dùng hết tất cả lòng nhiệt thành để sáng tác nên bài hát “Tiến quân ca”.
Anh Ph.D. là người đã chứng kiến toàn bộ quá trình sáng tác bài hát. Còn anh Vũ Quý là người đầu tiên được biết đến bài hát. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi chính là người đầu tiên xướng âm ca khúc. Cả ba đều vô cùng xúc động.
Tôi không ngờ rằng, chỉ sau một thời gian rất ngắn, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, Tiến quân ca được hàng nghìn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước quảng trường Nhà hát Lớn. Trong một lúc, những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ công chức dự mít tinh. Khi ấy, tôi đứng lẫn vào trong đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn. Tôi đã nghe thấy giọng hát quen thuộc của anh bạn tôi - Ph. D. qua loa phóng thanh. Lần thứ hai là ngày 19 tháng 8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát tiến quân ca. Sau này, khi bài hát “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca chính thức của nước Việt Nam, tôi càng lấy làm vinh dự và tự hào.
Bài hát “Tiến quân ca” đã ra đời trong thời đại lịch sử đất nước được đánh dấu bởi “một buổi bình minh mới” của dân tộc.
b.Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ
Đề 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
Bài thơ Mẹ là lời của người con, bộc lộ cảm xúc xót xa thương cảm khi thấy mẹ ngày một già đi, tuổi cao sức yếu, không còn khỏe mạnh minh mẫn như ngày xưa. Bao nỗi đắng cay, buồn vui cuộc đời của mẹ đều được miếng trầu cau chứng kiến. Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã chọn hình ảnh cây cau để ví von so sánh với mẹ là một phát hiện khá tinh tế, nhiều biểu cảm, không chỉ về hình thể bên ngoài mà cả sự sâu lắng bấm đốt thời gian thân phận của một đời người. Mẹ thì bao mong mỏi nhưng rồi thời gian khắc nghiệt như một quy luật luân hồi muôn đời: “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng” và “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”. Hai sắc màu trái ngược nhau, hai hình dáng tương phản nhau tạo ra một ám ảnh cho tiếng thơ tiếng lòng quặn bao nỗi thắt khi “Cau gần với trời - Mẹ thì gần đất”. Chỉ qua hình ảnh miếng cau: “Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ” cũng đủ bao cảm thông héo hắt khi “Con nâng trên tay - Không cầm được lệ”. Hai chữ “nâng” và “cầm” đều chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” trang trọng kính trọng biết bao thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Từng cặp biểu cảm được song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà vọng xa. Chính đây cũng là sự vận động cảm xúc của bài thơ “Mẹ” dồn nén để buột ra câu cảm thán mang âm hưởng điệu hành trong thơ văn cổ: “Ngẩng trời hỏi vậy - Sao mẹ ta già”. Câu hỏi tự vấn đất trời cũng chính là tự vấn lòng mình. Thơ đã chạm được đến nỗi người, cõi người vừa đăm đăm vừa trống trải. Một sự cô đơn ngỡ như vô vọng: “Không một lời đáo - Mây bay về xa”. Như vậy, bài thơ là nỗi xót xa thưởng cảm của người con trước hình ảnh gầy guộc già nua của mẹ theo năm tháng.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên
Nhân vật Ông Đồ đem lại cho chúng ta cái cảm giác xao xuyến ,xót xa ,một sự thương thương cảm vô cùng to lớn khi nhìn lại hình ảnh ông đồ trong hoàn cảnh bị lãng quên bởi thời gian. Trông ông ,thân hình gầy yếu lặng lẽ dưới gió rét ,sương buôn ,vẫn cố chờ cho đến khi có người nhờ mình thuê viết.Trong thời hưng thịnh ,ông đồ là 1 người được mọi người yêu thích ,những đường bút nhẹ nhàng như rồng bay phượng múa làm cho mọi người phải xiêu lòng ,thế nhưng bây giờ điều đó đã trở nên xao lãng đối với mọi người. Thế là cứ năm này qua năm khác ,thân già yếu này vẫn ngồi bên đường chờ người đến thuê viết ,nhưng không chẳng có ai chú ý đến ông,chỉ nhìn thấy những khuôn mặt đầy dẫy sự xa lánh của mọi người .Ông đồ già rồi cũng đã đi rồi ,hình dáng gầy gò ốm yếu của ông không còn nữa.Hình ảnh ông đồ đã mãi không còn trong tâm trí mọi người nữa , hình ảnh mà tất cả mọi người đã từng rất kính trọng trước đây
Đề 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ biểu lộ một hồn thơ nồng nàn, đằm thắm dào dạt thương yêu như Thuyền và biển, Sóng,… trong đó bài thơ Tiếng gà trưa được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Tiếng gà trưa là âm thanh, tiếng gọi của quê hương, gia đình, xóm làng còn in đậm trong lòng người lính ra trận, trở thành hành trang của người lính trẻ.
Tiếng gà trưa ai nhảy ổ cục… cục tác cục ta cất lên nơi xóm nhỏ. Tiếng gà là âm thanh rất bình dị, quen thuộc của làng quê bao đời nay. Với người lính âm thanh quen thuộc ấy gây cho anh bao xúc động. Nó làm xao động cái nắng trưa trên đường hành quân. Âm thanh ấy làm cho anh như đang sống lại thời thơ ấu đẹp đẽ của mình, nó như tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân anh bớt mỏi, cho lòng anh xúc động dạt dào:
Cục… cục tác cục ta
Nghe xao động động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Đến đoạn thơ thứ hai, trong hai mươi sáu câu thơ, câu thơ Tiếng gà trưa được nhắc lại ba lần, âm thanh ấy gọi về bao kỉ niệm thân yêu. Xa xa tiếng gà trưa vọng lại, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu chắt chiu từng quả trứng hồng. Những quả trứng hồng, đàn gà chiu chít đông đúc. Ta như thấy rất nhiều gà, rất nhiều màu sắc và lứa gà:
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Trong bức tranh gà mà Xuân Quỳnh miêu tả rất đặc biệt: ổ rơm vàng óng lăn lóc những quả trứng hồng, con gà mái mơ có bộ lông đan xen các màu trắng, đen hồng… trứng nó giống hình hoa văn mà người nghệ sĩ tạo hình chấm phá: ánh vàng rực rỡ của con gà mái vàng, lông óng lên như màu nắng, bà cùng cháu vừa tung những hạt cơm, hạt gạo cho lũ gà ăn, quan sát những chú gà xinh đẹp đang nhặt thóc quanh sân. Cháu cùng bà đếm từng chú gà trong vườn nhà. Đó là những kỉ niệm đáng nhớ của người cháu đang trên đường hành quân.
c.Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc
Đề 1: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc.
Giờ đây tôi đã là một học sinh lớp bảy của mái trường Trung học cơ sở thân yêu. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm của ngày tựu trường đầu tiên.
Đó là một buổi sáng mùa thu thật đẹp. Bầu trời cao vợi và xanh thẳm. Mẹ đưa tôi đến trường bằng chiếc xe đạp đã cũ. Hôm nay, tôi sẽ dự lễ khai giảng đầu tiên. Con đường đi học đã quen thuộc, nhưng tôi lại cảm thấy xôn xao, bồi hồi. Cuối cùng cánh cổng trường cấp một cũng hiện ra trước mắt tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn ngôi trường hôm nay thật khác. Các anh chị học sinh lớp lớn hân hoan bước vào trường. Tôi được mẹ dắt vào hàng ghế của khối lớp một. Xung quanh, bố mẹ của các bạn khẽ thì thầm trò chuyện với con mình. Cô giáo chủ nhiệm lần lượt đưa chúng tôi vào vị trí ngồi của mình. Hôm nay, cô thật xinh đẹp trong bộ áo dài thướt tha. Nụ cười của cô khiến tôi cảm thấy thật ấm áp. Buổi lễ khai giảng diễn ra thật long trọng. Tôi cảm thấy vui vẻ và tự hào vì mình đã là học sinh lớp Một. Lời phát biểu của cô hiệu trưởng đã kết thúc buổi lễ. Tiếng trống vang lên như một lời chào mừng năm học mới đã đến.
Buổi lễ khai giảng đã để lại cho tôi một kỉ niệm đẹp không thể nào quên. Những cảm xúc trong sáng, hồn nhiên ấy, tôi luôn để nó trong một góc của trái tim mình, để luôn nhớ về nó. Ngày đầu tiên đi học.
d. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật
Đề 1: Viết bài văn phân tích nhân vật An trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của Đoàn Giỏi
Cuộc sống lưu lạc đã giúp An trưởng thành hơn nhưng An vẫn còn nhỏ nên em vẫn có những tính cách của một đứa trẻ. An ngoan ngoãn hiểu chuyện, sau khi được gia đình nhà tía nuôi nhận An đã hòa nhập cùng gia đình.
Trong phần trước An đã có may mắn gặp chú Võ Tòng nên khi được tía nuôi cho đi thăm chú Võ Tòng, An đã rất hăm hở đi ngay. Trong toàn bộ tiểu thuyết An luôn thể hiện được sự tinh ý của mình. Để ý được từ những chi tiết nhỏ nhất. “Chúng tôi lặng lẽ bơi xuồng đi rất lâu. Tới đã thấm mệt và bắt đầu buồn ngủ. Tía nuôi tôi nghe tôi ngáp, bảo tôi cứ ngủ đi, để một mình ông bơi cũng được. Tôi vừa đặt giầm lên xuồng, chưa kịp chui vào nó thì đôi mắt đã díp lại rồi. Chắc tôi ngủ một giấc lâu lắm thì phải. Khi tôi mở mắt ra, thấy xuồng buộc lên một gốc cây tràm. Không biết tía nuôi tôi đi đâu. Nghe có tiếng người nói chuyện rì rầm bên bờ: “A! Thế là đến nhà chú Võ Tòng rồi!”. Tôi ngồi dậy, giụi mắt trông lên, ánh lửa bếp từ trong một ngôi lều chiếu qua khung cửa mở, soi rõ hình những khúc gỗ xếp thành bậc thang dài xuống bến. Tôi bước ra khỏi xuồng, lần theo bậc gỗ mò lên. Bỗng nghe con vượn bạc má kêu “ché…ét, ché…ét” trong lều, và tiếng chú Võ Tòng nói: thằng bé của anh nó lên đấy!”.
An đối với chú Võ Tòng đã tự nhiên và nảy sinh cảm tình không có sự sợ hãi như lần đầu nữa. Khi gặp chú Võ Tòng và hiểu thêm về cuộc đời chú, em đã cảm thương con người chú. Yêu quý và đồng cảm với hoàn cảnh của chú. Qua đó ta cũng thấy được sự lương thiện của nhân vật An.
Đề 2: Viết bài văn phân tích nhân vật thầy Ha – men trong văn bản Buổi học cuối cùng
A. Mở bài
- Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích
- Nêu cảm nhận chung về nhân vật
B. Thân bài
* Phân tích đặc điểm nhân vật
- Là một người thầy tâm huyết, tận tâm với nghề
+ Dù là buổi học cuối nhưng thầy vẫn lên lớp dạy như bao ngày trước kia
+ Thầy nhẹ nhàng, dịu dàng nhắc nhở học trò
+ Thầy kiên nhẫn truyền đạt hết những kiến thức cho học trò
- Là một người có tấm lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc thiết tha
+ Thầy nói với học trò của mình về vẻ đẹp của tiếng Pháp
+ Khi cho học sinh viết tập, thầy đã chuẩn bị những "tờ mẫu mới tinh"
+ Khi nghe thấy tiếng kèn của lính Phổ bên ngoài thầy xúc động mạnh.
+ Thầy cầm phấn viết lên bảng dòng chữ "nước Pháp muôn năm" rồi giơ tay ra hiệu kết thúc
* Nghệ thuật xây dựng nhân vậ
+ Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng tôi giúp cho nhân vật được bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc một cách chân thực, rõ nét
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: khắc hoạ nhân vật thông qua trang phục, cử chỉ, hành động, lời nói.
C. Kết bài
Đánh giá về nhân vật thầy Hamen.
Đề 3: Phân tích suy nghĩ của cậu bé Côn về câu chuyện tình sử Mị Châu – Trọng Thủy
Cậu bé Côn cùng cha và anh trai đi thăm bạn bè của cha, đi qua vùng đất Diễn Châu, mảnh đất nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi Châu Diễn. Họ đến trước ngôi đền cổ kính có nhiều tòa từ trên đỉnh núi xuống tận chân núi. Ngôi đền gắn với câu chuyện tình sử Mị Châu - Trọng Thủy, với thành Cổ Loa, vua Thục Phán. Qua lời kể của cụ Phó bảng, cậu bé Côn đã hiểu được chuyện lịch sử trong quá khứ và rút ra được những nhận định của riêng mình. Cậu nhận ra đó là câu chuyện tình sử hay tuyệt, một vua Triệu nham hiểm, một Mị Châu ruột để ngoài da, một vua Thục trọng chữ tín nhưng không phòng sự gian xảo, một vị vua công tư phân minh và không chịu khuất phục kẻ thù khi đã chém đầu con và tự nhảy xuống biển. Cậu bé Côn là cậu bé có khả năng nhận định sắc bén khi đã nhận xét về những nhân vật lịch sử, chỉ ra mặt đáng coi trọng và mặt cần phê phán của vua Thục. Những lời nhận xét của cậu bé vừa hồn nhiên, đáng yêu vừa xác đáng, đúng đắn, sâu sắc.
e. Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi
Đề 1: Dựa cào các văn bản đã học (Ca Huế, Hôi thi thổi cơm, Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang), hãy viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một trong các hoạt động hay trò chơi đã được giới thiệu hoặc các hoạt động hay trò chơi tương tự của địa phương em
Lễ hội là tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc. Hầu như làng, xã nào cũng có lễ hội được tổ chức vào đầu xuân. Mọi người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:
Dù ai buôn đâu, bán đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Câu ca dao như một lời nhắc nhở các tín đồ phật giáo hãy nhớ về hội Dâu được tổ chức vào đầu xuân hàng năm.
Hội Dâu được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XV. Mặc dù vậy chùa Dâu vẫn giữ được những nét nguyên bản từ khi được xây dựng tới nay. Hàng năm, chùa Dâu thu hút rất nhiều tín đồ đến thắp hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân háo hức tổ chức sửa sang chùa chiền. Ngay từ chiều mùng 7 đã có lễ rước các bà Dâu, bà Đậu, bà Đàn, bà Keo mà theo truyền thuyết bốn bà được tạc từ một cây dâu, chị cả là bà Dâu nên chùa Dâu được xây dựng lớn nhất. Đặc biệt vào ngày mồng 7, các vãi đến để cúng, quét dọn và làm lễ rửa chùa. Ngày hội chính diễn ra rất sôi động, náo nhiệt. Mọi người đến đây với lòng thành kính, kính mong đức phật ban cho sự an lành, ấm no. Chùa có rất nhiều gian, điện, đặc biệt có pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ đạt đến chuẩn mực nghệ thuật cao với các tỉ lệ của người thật. Hành lang hai bên có những pho tượng với nhiều tư thế, nét mặt khác nhau. Người ta đến lỗ hội không chỉ để thắp hương, cầu an mà còn để vui chơi, đón không khí ngày xuân. Có rất nhiều trò chơi được tổ chức trong lễ hội như: đu quay, hát quan họ đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị dưới thuyền rồng với những trang phục mớ ba, mớ bảy cổ truyền. Khắp sân chùa là những hàng bán đồ cúng, những nén hương trầm, hay những đồ chơi dân gian cho trẻ em như sáo, trống... hoặc chỉ là những bông lan thơm ngát. Tất cả tạo ra một không khí cộng đồng ấm cúng. Mọi người quên đi sự bận rộn, quên đi sự bon chen, thách thức để nhớ tới đức phật cùng sự thánh thiện, nhớ tới cõi bình an của tâm hồn. Khoảng 7 giờ sáng ngày 8/4, người ta đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng cúng tế dâng sớ cầu mong bình an, lạy tạ các vị thánh thần, phật pháp của đội tế lễ tứ sắc chùa lập ra. Đặc biệt, ở lễ hội Dâu thờ Tứ Pháp là Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.
Sau khi các cụ làm lễ xong, đoàn rước từ chùa Tổ bắt đầu quay về, hàng đoàn người kéo nhau đi theo hộ tống. Người đi đầu cầm bình nước, người thứ hai dâng hương, tiếp đó là đoàn kiệu được những trai tráng của lồng khiêng. Họ mặc những trang phục như quân tốt đỏ thời xưa, theo sau là các bà mặc áo nâu đội sớ. Người cầm nước vừa đi vừa cầm cành trúc vẩy nước vào những người xung quanh như ban sự may mắn cho mọi người. Người ta quan niệm rằng ai được vẩy nước vào sẽ may mắn, được Phật ban phước quanh năm và được Phật phù hộ, bảo vệ. Khi hội tan, mọi người về rồi thắp hương ở ngoài sân thờ nhớ lời hẹn gặp năm sau. Nhưng lạ lùng hơn hầu như năm nào sau hội trời cũng mưa và người dân cho đấy là lễ tẩy chùa, ở một khía cạnh nào đó thì đây được coi như một điều linh nghiệm huyền bí.
Lễ hội thể hiện trình độ tổ chức cao, sự kết hợp giữa làng xã và ý thức cộng đồng, cuốn hút khách thập phương với những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, phong phú. Đối với Bắc Ninh, cái nôi của Phật giáo thì đây là dịp thể hiện sự tài hoa, tinh tế, lịch lãm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Là một người con của Bắc Ninh, em cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương mình và em sẽ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa ấy, đặc biệt là những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc vào những ngày đầu xuân.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 7 - Cánh diều timdapan.com"