Đề thi học kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 1

Đề thi học kì 1 Văn 10 kết nối tri thức đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

 

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

 

Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023

 

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

 

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

CHIẾU DỜI ĐÔ

(Thiên đô chiếu)

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.

Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

 (Lí Công Uẩn, trong Thơ văn lí-Trần, tập I,

 NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977)

Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Cáo             C. Hịch

B. Chiếu          D. Phú

Câu 2: Chọn CÁC đáp án đúng: Những lợi thế của thành Đại La là gì?

A. Dân cư đông đúc, thuận tiện giao thương

B. Đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi.

C. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà lại thoáng.

D. Ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi.

Câu 3: Câu văn nào dưới đây trực tiếp bày tỏ nỗi lòng của Lí Công Uẩn ?

A. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự ý chuyển dời?

B. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

C. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.

D. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở.

Câu 4: Ý nào nói đúng nhất mục đích của thể chiếu ?

A. Ban bố mệnh lệnh của nhà vua.

B. Giãi bày tình cảm của người viết.

C. Kêu gọi, cổ vũ mọi người hăng hái chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

D. Miêu tả phong cảnh, kể sự việc.

Câu 5: Câu nào diễn tả đúng nghĩa của từ “thắng địa” trong “Chiếu dời đô”?

A. Là nơi cao ráo, thoáng mát

B. Là nơi có phong cảnh và địa thế đẹp

C. Là nơi có sông ngòi bao quanh

D. Là nơi núi non hiểm trở

Câu 6: Dòng nào nói đúng nhất ý nghĩa của câu “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”.

A. Khẳng định sự cần thiết phải dời đổi kinh đô.

B. Khẳng định lòng yêu nước của nhà vua.

C. Phủ định sự cần thiết của việc dời đô.

D. Phủ định sự đau xót của nhà vua trước việc phải dời đô.

Câu 7: “Chiếu dời đô” thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và phản ánh khát vọng xây dựng đất nước độc lập, phồn thịnh của Lí Công Uẩn và nhân dân ta.

A. Đúng      B. Sai

Câu 8: Nội dung bao quát của văn bản “Chiếu dời đô” ?

Câu 9: Em có đồng tình với việc dời đô của Vua Lí Công Uẩn không? Vì sao?

Câu 10: Qua văn bản “Chiếu dời đô”, em rút ra được những bài học gì cho bản thân?

II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)

            Mỗi chúng ta, ai cũng sẽ chọn cho mình một nghề phù hợp. Em hãy viết bài luận giới thiệu những thế mạnh của bản thân để khẳng định mình phù hợp với nghề sẽ chọn trong tương lai.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

ĐÁP ÁN KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

 

Năm học: 2022 – 2023

 

---------------------

Môn: Ngữ văn – Lớp 10

     

 PHẦN ĐỌC

Câu 1(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3(0.5đ)

Câu 4(0.5đ)

Câu 5(0.5đ)

Câu 6(0.5đ)

Câu 7(0.5đ)

B

B,C,D

C

A

B

A

A

 

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Cáo             C. Hịch

B. Chiếu          D. Phú

 Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản

- Dựa vào dấu hiệu nhận biết thể loại để đưa ra câu trả lời

Lời giải chi tiết:

Văn bản thuộc thể loại Chiếu

→ Đáp án B

Câu 2. Chọn CÁC đáp án đúng: Những lợi thế của thành Đại La là gì?

A. Dân cư đông đúc

B. Đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi.

C. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà lại thoáng.

D. Ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi.

E. Thuận tiện giao thương

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Những lợi thế của thành Đại La:

- Đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi.

- Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà lại thoáng.

- Ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi.

→ Đáp án B, C, D

Câu 3. Câu văn nào dưới đây trực tiếp bày tỏ nỗi lòng của Lí Công Uẩn ?

A. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự ý chuyển dời?

B. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

C. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.

D. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đề bài, sử dụng phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết:

Câu văn “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi” thể hiện tâm trạng luôn đau đáu việc dân việc nước, chăm lo xã tắc của Lý Công Uẩn

→ Đáp án C

Câu 4. Ý nào nói đúng nhất mục đích của thể chiếu ?

A. Ban bố mệnh lệnh của nhà vua.

B. Giãi bày tình cảm của người viết.

C. Kêu gọi, cổ vũ mọi người hăng hái chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

D. Miêu tả phong cảnh, kể sự việc.

 Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức về mục đích của thể chiếu

Lời giải chi tiết:

Mục đích của thể chiếu: Ban bố mệnh lệnh của nhà vua.

→ Đáp án A

Câu 5. Câu nào diễn tả đúng nghĩa của từ “thắng địa” trong “Chiếu dời đô”?

A. Là nơi cao ráo, thoáng mát

B. Là nơi có phong cảnh và địa thế đẹp

C. Là nơi có sông ngòi bao quanh

D. Là nơi núi non hiểm trở

 Phương pháp giải:

Phân tích nghĩa của từ “thắng địa” và áp dụng vào văn bản “Chiếu dời đô”

Lời giải chi tiết:

Nghĩa của từ “thắng địa” trong “Chiếu dời đô: Là nơi có phong cảnh và địa thế đẹp

→ Đáp án B

Câu 6. Dòng nào nói đúng nhất ý nghĩa của câu “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”.

A. Khẳng định sự cần thiết phải dời đổi kinh đô.

B. Khẳng định lòng yêu nước của nhà vua.

C. Phủ định sự cần thiết của việc dời đô.

D. Phủ định sự đau xót của nhà vua trước việc phải dời đô.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và câu văn

Phân tích ý nghĩa của câu

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩa của câu “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”: Khẳng định sự cần thiết phải dời đổi kinh đô.

→ Đáp án A

Câu 7. “Chiếu dời đô” thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và phản ánh khát vọng xây dựng đất nước độc lập, phồn thịnh của Lí Công Uẩn và nhân dân ta.

A. Đúng      B. Sai

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ nhận định và đưa ra kết luận

Lời giải chi tiết:

Nhận định trên là một nhận định đúng

→ Đáp án A

Câu 8. Nội dung bao quát của văn bản “Chiếu dời đô” ?

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và rút ra nội dung bao quát

Lời giải chi tiết:

Nội dung bao quát văn bản “Chiếu dời đô

- Phản ánh khát vọng của dân về một đất nước độc lập, thống nhất.

- Đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.

Câu 9. Em có đồng tình với việc dời đô của Vua Lí Công Uẩn không? Vì sao?

 Phương pháp giải:

- Đưa ra câu trả lời đồng tình hoặc không đồng tình

-Lí giải hợp lí, thuyết phục

Lời giải chi tiết:

Gợi ý: Đồng tình. Vì địa thế của Thăng Long rất thuận lợi về giao thông, đất đai và hoa cỏ tươi tốt, màu mỡ và phát triển kinh tế cho đất nước

Câu 10. Qua văn bản “Chiếu dời đô”, em rút ra được những bài học gì cho bản thân?

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và rút ra bài học cho bản thân

Lời giải chi tiết:

Qua văn bản “Chiếu dời đô”, bài học rút ra:

- Quý trọng công lao dựng nước và giữ nước của người đi trước

- Ý chí  giữ vững độc lập, chủ quyền nước nhà.

- Hành động cụ thể: học tập tốt, rèn luyện kỹ năng và phẩm chất…

 

PHẦN VIẾT

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Giới thiệu những thế mạnh của bản thân để khẳng định mình phù hợp với nghề sẽ chọn trong tương lai

2. Thân bài

-Giới thiệu khái quát thông tin về bản thân.

- Giới thiệu thế mạnh của bản thân

-Phân tích những thế mạnh của bản thân để đáp ứng với yêu cầu của nghề nghiệp trong tương lai

- Đưa ra những bằng chứng để làm rõ những thế mạnh ấy (Các ý được sắp xếp theo trình tự hợp lí.)

-Khẳng định lại những thế mạnh của bản thân; nêu một thông điệp có ý nghĩa.

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận