Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT thị xã Sa Pa

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2020 - 2021 trường THPT thị xã Sa Pa với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

HAI HẠT GIỐNG

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói:

- Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy

lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên... Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như

dấu hiệu chào đón mùa xuân... Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và

thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá. Và rồi hạt mầm mọc lên. Hạt mầm thứ hai bảo:

- Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã. Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi. Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

(Theo Hạt giống tâm hồn, First News và NXB Tổng hợp TP HCM)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?

Câu 2: Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “tôi muốn” trong lời nói của hạt mầm thứ nhất là gì?

Câu 3: Nêu sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm.

Câu 4: Nếu được lựa chọn, anh/chị sẽ chọn cách sống như hạt mầm thứ nhất hay hạt mầm thứ hai? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự dũng cảm đương đầu với thử thách.

Câu 2: (5,0 điểm)

Anh/chị hãy cảm nhận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

........................HẾT......................

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt: miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận, thuyết minh, hành chính.

*Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

- Biện pháp điệp ngữ “tôi muốn”

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh khát khao, mong muốn được sinh sôi, phát triển của hạt mầm thứ nhất

+ Đoạn văn sinh động, hấp dẫn, giàu hình ảnh.

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

- Sự khác nhau về quan điểm sống của hai hạt mầm:

+ Hạt mầm thứ nhất thể hiện sự khát khao, hi vọng phát triển và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống.

+ Hạt mầm thứ hai luôn lo lắng, bi quan về cuộc sống, không dám đương đầu với thử thách.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, lí giải

*Cách giải: HS trình bày theo quan điểm cá  nhân, có lí giải cụ thể.

 

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, bình luận, chứng minh

* Cách giải:

- Giải thích: “dũng cảm, thử thách”

- Phân tích, chứng minh, bình luận:

+ Ý nghĩa: Khi “mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống”, chúng ta sẽ có bản lĩnh vững vàng; rèn được ý chí, nghị lực; có sức mạnh tinh thần để từng bước dấn thân vào cuộc đời; làm chủ cuộc đời của mình… (DC)

+ Chấp nhận thử thách để mở ra những chân trời mới, con đường, cơ hội mới cho bản thân (DC)

+ Phê phán một bộ phận luôn sống trong sợ hãi: sợ khó, sợ khổ, trở thành người nhụt chí, thiếu bản lĩnh, dễ sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống.

Câu 2:

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

MB:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và phong cách thơ của ông: Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của văn học dân tộc. Thơ ông mang đậm tính triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.

- Giới thiệu về bài thơ “Nhàn”: “Nhàn” là bài thơ Nôm số 73 trong Bạch Vân quốc ngữ thi, là lời tâm sự nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu sắc về quan niệm sống "nhàn" của tác giả.

TB:

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Phân tích:

a. Cuộc sống hàng ngày của nhà thơ

* Hai câu đề:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thần dầu ai vui thú nào.”

“Một mai, một cuốc, một cần câu” trở về với cuộc sống thuần hậu, chất phác của một lão nông, tri điền, đào giếng lấy nước uống và cày ruộng lấy cơm ăn.

- Tác giả sử dụng kết hợp khéo léo thủ pháp liệt kê các dụng cụ lao động cùng với điệp từ “một” và nhịp thơ 2/2/3 cho thấy cuộc sống nơi thôn dã cái gì cũng có, tất cả đã sẵn sàng

- Các vật dụng gắn liền với công việc vất vả của người nông dân đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một cách tự nhiên, thư thái như chính tâm hồn của nhà thơ.

- Con người tìm thấy niềm vui, sự thanh thàn trong cuộc sống, không gợi chút mưu tục. Một mình ta lựa chọn cách sống “thơ thẩn” mặc kệ ai kia “vui thú nào”. Tự mình lựa chọn cho mình một lối sống, một cách sống kệ ai có những thú riêng, âu đó cũng là bản lĩnh của kẻ sĩ trước thời cuộc.

* Hai câu thực:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao.”

- Thủ pháp đối lập và cách nói ẩn dụ

     + Ta dại ↔ Người khôn

     + Nơi vắng vẻ ↔ chốn lao xao → hình ảnh ẩn dụ: Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi; Chốn lao xao là nơi quan trường, nơi bon chen quyền lực và danh lợi.

- Phác hoạ hình ảnh về lối sống của hai kiểu người Dại – Khôn → triết lí về Dại – Khôn của cuộc đời cũng là cách hành xử của tầng lớp nho sĩ thời bấy giờ => Cách nói ngược, hóm hỉnh.

=> Như vậy: Trong cuộc sống hàng ngày, với Nguyễn Bỉnh Khiêm, lối sống Nhàn là hoà hợp với đời sống lao động bình dị, an nhiên vui vẻ tránh xa vòng danh lợi, bon chen chốn vinh hoa, phú quý.

b. Quan niệm sống và vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ

* Hai câu luận:

  “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

  Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

- Hình ảnh thiên nhiên: bốn mùa tuần hoàn Xuân – Hạ – Thu – Đông

- Món ăn dân dã: măng trúc, giá

- Sinh hoạt: tắm hồ sen, tắm ao

- Sử dụng phép đối + liệt kê => Lối sống hoà hợp, thuận theo tự nhiên

=> Nhàn là “Thu ăn măng trúc đông ăn giá”, mùa nào thức nấy. Những sản vật không phải cao lương mĩ vị mà đậm màu sắc thôn quê. Ngay cả việc ăn uống, tắm táp, làm lụng...đã trở thành nhàn trong cái nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để có được sự an nhiên, tĩnh tại trong tâm hồn như vậy phải là một người có nhận thức sâu sắc của cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhận thấy lòng tham chính là căn nguyên của tội lỗi. Bởi vậy mà ông hướng đến lối sống thanh bạch, giản dị, thuận theo tự nhiên.

* Hai câu kết

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

- Điển tích: Rượu đến cội cây, sẽ uống, Phú quý tựa chiêm bao => Nguyễn Bỉnh Khiêm coi công danh phú quý tựa như giấc chiêm bao, giống như phù du vậy. Khi thể hiện quan điểm của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn mình thế đứng bên ngoài của sự cám dỗ danh lợi, vinh hoa – phú quý, bộc lộ thái độ xem thường.

- Nhìn xem: biểu hiện thế đứng từ bên ngoài, coi thường danh  lợi. Khẳng định lối sống mà mình đã chủ động lựa chọn, đứng ngoài vòng cám dỗ của vinh hoa phú quý.

=> Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy an nhiên, vui vẻ bởi thi sĩ được hoà hợp với tự nhiên, nương theo tự nhiên để di dưỡng tinh thần, đồng thời giữ được cột cách thanh cao, không bị cuốn vào vòng danh lợi tầm thường.

=> Như vậy, thú Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là dấu ấn của một thờiđại lịch sử, thể hiện cách ứng xử của người trí thức trước thời loạn: giữ tròn thanh danh khí tiết. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nâng tư tưởng “Nhàn” trở thành một triết lý sống, là cách hành xử trước thời cuộc, coi đây là phương thức hoá giải mâu thuẫn và hoà hoãn những xung đột thờiông đang sống.

KB:

- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ: Với cách sử dụng ngôn ngữ giản dị mà giàu triết lí cùng cách nói đối lập, bài thơ đã dựng nên chân dung cuộc sống, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm: hoà hợp với thiên nhiên, cốt cách thanh cao, không màng danh lợi.