Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Số 1 Bắc Hà

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2020 - 2021 trường THPT Số 1 Bắc Hà với cách giải nhanh và chú ý quan trọng


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Chúng ta thường có khuynh hướng ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc. Song, nếu chúng ta chỉ chấp nhận những mức độ sẵn có, chẳng muốn gắng sức vươn lên một tầm cao mới, thì mãi mãi bản thân ta cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác và lúc nào cũng dậm chân tại chỗ.

Luôn cố gắng phát huy khả năng của bạn đến mức xuất sắc là điều rất quan trọng trong cuộc sống. Bạn hãy xem xét những công việc nhỏ mà bạn thường làm, rồi tự hỏi xem: Mình có thể thực hiện chúng cách nào tốt hơn?

Ví dụ như: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt. Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.

Khi bạn quyết tâm làm mọi việc với một kết quả tốt nhất, nội tâm và cảm xúc trong bạn sẽ sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy cuộc đời mình đổi thay đáng kể và con đường tiến tới thành công sẽ rộng mở trước mắt bạn, dù có thể trước đó bạn thấy nó dường như đã đóng kín.

(Thay thái độ, đổi cuộc đời – Keith D. Harrell)

 

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản

Câu 2: Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả theo lựa chọn nào?

Câu 3: Những ví dụ được nêu trong đoạn trích trên có tác dụng gì?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kì công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình? Vì sao?

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

          Dựa vào nội dung phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 100 chữ) bàn về ý nghĩa của sự quyết tâm.

Câu 2: (5.0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

 (Nhàn, Trang 129, Ngữ Văn 10, Tập 1, NXB GD 2006)

 

Lời giải chi tiết

I.ĐỌC HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học

*Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc.

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, lí giải

*Cách giải:

Những ví dụ được nêu trong đoạn trích trên:

Ví dụ: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt.

- Tác dụng: Làm cho văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, lập luận thuyết phục, rõ ràng. Qua đó nhấn mạnh: "Mỗi con người cần phải có thái độ nghiêm túc, phải biết cố gắng, nỗ lực trong bất cứ công việc nào, dù là công việc nhỏ nhất, biết cách phát huy hết khả năng vốn có của mình.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

- Học sinh nêu quan điểm của bản thân, lí giải hợp lí, thuyết phục

II.LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, giải thích, bình luận

* Cách giải:

- Giải thích: Quyết tâm là sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu không ngừng để đạt được kết quả mà mình mong muốn.

- Ý nghĩa của sự quyết tâm:

+ Là ý chí, là nghị lực giúp ta vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.

+ Có quyết tâm chúng ta sẽ không dễ nản lòng, chùn bước.

+ Là nguồn năng lượng, là động lực, là cơ sở thôi thúc ta phải hành động, phải thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.

+ Giúp ra khắc phục được những hạn chế của bản thân tìm ra con đường đi đúng đắn.

- Dẫn chứng thực tế.

=> Có quyết tâm thì con người ta mới có sức mạnh chiến thắng mọi thử thách và vươn tới thành công. Ngược lại nếu thiếu đi quyết tâm bạn sẽ chỉ có được sự chán nản, thất vọng mà thôi.

- Liên hệ bản thân

Câu 2:

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

MB:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và phong cách thơ của ông: Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của văn học dân tộc. Thơ ông mang đậm tính triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.

- Giới thiệu về bài thơ “Nhàn”: “Nhàn” là bài thơ Nôm số 73 trong Bạch Vân quốc ngữ thi, là lời tâm sự nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu sắc về quan niệm sống "nhàn" của tác giả.

TB:

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Phân tích:

a. Cuộc sống hàng ngày của nhà thơ

* Hai câu đề:

                                                 “Một mai, một cuốc, một cần câu

                                                  Thơ thần dầu ai vui thú nào.”

“Một mai, một cuốc, một cần câu” trở về với cuộc sống thuần hậu, chất phác của một lão nông, tri điền, đào giếng lấy nước uống và cày ruộng lấy cơm ăn.

- Tác giả sử dụng kết hợp khéo léo thủ pháp liệt kê các dụng cụ lao động cùng với điệp từ “một” và nhịp thơ 2/2/3 cho thấy cuộc sống nơi thôn dã cái gì cũng có, tất cả đã sẵn sàng

- Các vật dụng gắn liền với công việc vất vả của người nông dân đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một cách tự nhiên, thư thái như chính tâm hồn của nhà thơ.

- Con người tìm thấy niềm vui, sự thanh thàn trong cuộc sống, không gợi chút mưu tục. Một mình ta lựa chọn cách sống “thơ thẩn” mặc kệ ai kia “vui thú nào”. Tự mình lựa chọn cho mình một lối sống, một cách sống kệ ai có những thú riêng, âu đó cũng là bản lĩnh của kẻ sĩ trước thời cuộc.

* Hai câu thực:

                                         “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

                                          Người khôn người đến chốn lao xao.”

- Thủ pháp đối lập và cách nói ẩn dụ

     + Ta dại ↔ Người khôn

     + Nơi vắng vẻ ↔ chốn lao xao → hình ảnh ẩn dụ: Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi; Chốn lao xao là nơi quan trường, nơi bon chen quyền lực và danh lợi.

- Phác hoạ hình ảnh về lối sống của hai kiểu người Dại – Khôn → triết lí về Dại – Khôn của cuộc đời cũng là cách hành xử của tầng lớp nho sĩ thời bấy giờ => Cách nói ngược, hóm hỉnh.

=> Như vậy: Trong cuộc sống hàng ngày, với Nguyễn Bỉnh Khiêm, lối sống Nhàn là hoà hợp với đời sống lao động bình dị, an nhiên vui vẻ tránh xa vòng danh lợi, bon chen chốn vinh hoa, phú quý.

b. Quan niệm sống và vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ

* Hai câu luận:

                                “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

                                 Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

- Hình ảnh thiên nhiên: bốn mùa tuần hoàn Xuân – Hạ – Thu – Đông

- Món ăn dân dã: măng trúc, giá

- Sinh hoạt: tắm hồ sen, tắm ao

- Sử dụng phép đối + liệt kê => Lối sống hoà hợp, thuận theo tự nhiên

=> Nhàn là “Thu ăn măng trúc đông ăn giá”, mùa nào thức nấy. Những sản vật không phải cao lương mĩ vị mà đậm màu sắc thôn quê. Ngay cả việc ăn uống, tắm táp, làm lụng...đã trở thành nhàn trong cái nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để có được sự an nhiên, tĩnh tại trong tâm hồn như vậy phải là một người có nhận thức sâu sắc của cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhận thấy lòng tham chính là căn nguyên của tội lỗi. Bởi vậy mà ông hướng đến lối sống thanh bạch, giản dị, thuận theo tự nhiên.

KB:

- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ: Với cách sử dụng ngôn ngữ giản dị mà giàu triết lí cùng cách nói đối lập, bài thơ đã dựng nên chân dung cuộc sống, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm: hoà hợp với thiên nhiên, cốt cách thanh cao, không màng danh lợi.

 

 

Bài giải tiếp theo