Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 8

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới


Đề thi

I. Đọc hiểu (6đ)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

LÀ CHA MẸ CŨNG CẦN HỌC CÁCH TÔN TRỌNG CON

Thế nào là tôn trọng đúng cách?

Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái. Tôn trọng không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con cái, cũng không phải để con “tự lực cánh sinh” trong những quyết định quan trọng về nghề nghiệp, sở thích cũng như cách sống...Vậy thế nào là tôn trọng đúng cách? Tôn trọng là việc bố mẹ cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con cái, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.

1. Kiềm chế thể hiện cái tôi của bản thân

Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất. Chẳng gì tệ hơn hai cái tôi quá lớn đi kèm với hai ý kiến trái ngược nhau. Nhiều bố mẹ nghĩ

rằng “Mình sinh ra con, con làm gì cũng phải theo ý mình. Sai là cấm thôi, sao phải giải thích?” – Điều này rất phản khoa học. Dẫu biết bạn muốn tốt cho con nhưng việc quan tâm không đúng cách sẽ đem lại phản ứng ngược, mối quan hệ của cha mẹ và con cái đột nhiên căng thẳng, rạn nứt. Chưa kể rằng, tâm lý của trẻ ở tuổi vị thành niên rất bất ổn và cái tôi muốn thể hiện mình quá lớn. Điều này khiến trẻ dễ dàng phản kháng lại tất cả những gì chống đối mình chỉ để khẳng định bản thân. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho sức khoẻ thể chất và tinh thần cũng như định hướng tương lai của con trẻ. Do đó, hãy cố gắng bình tĩnh và học cách kiềm chế cái tôi của bản thân khi nói chuyện với con để tránh những hệ luỵ không mong muốn.

2. Tôn trọng nhưng vẫn cần kỷ cương

Hãy đặt ra kỷ luật và nguyên tắc ứng xử trong gia đình để con không vi phạm những lễ giáo căn bản. Tuy nhiên, nghiêm khắc khác với độc tài. Khi cần, bạn vẫn nên lắng nghe quan điểm của con và xem xét, khuyên nhủ con thật công tâm. Đừng để con nghĩ rằng bố mẹ quá lớn tuổi và khác biệt thế hệ nên không thể nào hiểu mình, từ đó con có thể trở nên sống khép kín và tự ý quyết định các cuộc sống của bản thân mà không chia sẻ cùng gia đình.

3. Không đem con ra so sánh

Trong giai đoạn dậy thì, con sẽ rất nhạy cảm khi bị so sánh với ai đó hoặc với chính hình ảnh của bố mẹ trong quá khứ. Các bậc cha mẹ nên chú ý tránh việc làm tổn thương này. Khi so sánh, các bậc phụ huynh đã vô tình có những hành động ép con phải đạt đến hình mẫu mà bạn mong muốn. Điều này khiến con thu mình, khép kín và xa lánh bố mẹ hơn. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, thế nên hãy tôn trọng và cùng con phát triển sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân.

4. Tôn trọng khoảng không riêng của con

Trong giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ phát triển ý thức về cuộc sống riêng tư của mình hơn và có thể sẽ hạn chế quây quần cùng bố mẹ như ngày còn bé hay chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với các thành viên trong gia đình. Thay vì cố gắng để chạm đến thế giới riêng đó, các bậc phụ huynh hãy tôn trọng con bằng cách để cho con có những góc riêng tư của mình. Một vài hành động nhỏ như gõ cửa khi vào phòng con, xin phép khi sử dụng đồ của con, không trách móc khi con dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn gia đình... có thể giúp con cảm nhận được mình đang được tôn trọng như một người trưởng thành.

 (www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/la-cha-me-cung-can-hoc cach-ton-trong-con)

Câu hỏi

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? Vì sao?

A. Văn bản nghị luận vì bàn về một vấn đề cụ thể.

B. Văn bản nghị luận vì dùng ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục người đọc về việc tôn trọng con đúng cách.

C. Văn bản nghị luận vì có ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng.

D. Cả ý a & b.

Câu 2. Vấn đề tôn trọng con đúng cách trong văn bản được bàn luận ở những khía cạnh nào?

A. Làm rõ về tôn trọng đúng cách, các biểu hiện của tôn trong đúng cách.

B. Đặt ra các câu hỏi để đối thoại về việc tôn trong con đúng cách.

C. Bàn về ưu điểm và hạn chế của tôn trọng con đúng cách.

D. Bàn tôn trọng con đúng cách từ cách góc nhìn khác nhau.

Câu 3. Cách trình bày các ý kiến/luận điểm trong văn bản:

A. Có tiêu đề in đậm, tiêu đề dạng câu hỏi.

B. Tách thành các đoạn văn bản, có tiêu đề in đậm; tiêu đề là dạng câu hỏi.

C. Có tiêu đề in đậm, tách thành các đoạn văn bản.

D. Tất cả các ý trên.

Câu 4. Văn bản “Là cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng con” được triển khai theo mô hình nào?

A. Kể chuyện, ý kiến lí lẽ, dẫn chứng.

B. Nêu câu hỏi, bàn luận.

C. Nêu vấn đề; ý kiến, lí lẽ, dẫn chứng.

D. Lí lẽ và ý kiến.

Câu 5. Tôn trọng con đúng cách là:

A. Cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con...

B. Con được làm mọi việc theo ý của mình.

C. Đồng ý những yêu cầu chính đáng, phù hợp thời đại của con.

D. Để con được tự lập/ “tự lực cánh sinh”.

Câu 6. Câu “Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất” là thành phần nào trong văn bản nghị luận?

A. Lí lẽ

B. Dẫn chứng

C. Ý kiến.

D. Đan xen lí lẽ và dẫn chứng.

Câu 7. Theo tác giả bài viết, biểu hiện của tôn trọng con đúng cách là:

A. Kiềm chế thể hiện cái tôi của bản thân; Tôn trọng nhưng vẫn cần kỷ cương; Không đem con ra so sánh; Tôn trọng khoảng không riêng của con

B. Tránh làm tổn thương con; Nói chuyện với con cần thân tình

C. Lắng nghe quan điểm của con và xem xét, khuyên nhủ con thật công tâm.

D. Cùng con phát triển sự khác biệt thành thế mạnh khẳng định bản thân.

Câu 8. Vì sao cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng con?

A. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân

B. Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái

C. Tâm lý tuổi vị thành niên rất bất ổn và cái tôi muốn thể hiện mình quá lớn.

D. Cả ý a & b.

Câu 9. Em có đồng ý với ý kiến sau đây không? Vì sao?

“Một vài hành động nhỏ như gõ cửa khi vào phòng con, xin phép khi xử dụng đồ của con, không trách móc khi con dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn gia đình… có thể giúp con cảm nhận được mình đang được tôn trọng như một người trưởng thành”

Câu 10. Theo em, những người làm con có phải học cách tôn trọng cha mẹ đúng cách không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Đọc 2 văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới

 Văn bản 1

Ngày xưa, khi còn bé, tôi cũng bị mắng chửi rất thậm tệ. Nhưng khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu có những phản ứng lại mỗi khi bị cha mẹ mắng chửi vô lý. Tôi nghĩ rằng cũng phải có đôi lần phản ứng lại để cho họ hiểu con người ai cũng cần được tôn trọng và mình không phải người vô hình để người khác muốn làm gì thì làm.

Sau đó, tôi có em và cha mẹ lại chuyển sang chì chiết, mạt sát em. Hồi đó, tôi cũng bị nhiễm tính xấu của cha mẹ nên thường xuyên trút giận lên đầu đứa em. Vậy là em tôi một lúc chịu những lời mắng chửi từ cả bố mẹ và chị. Sau này, đứa em đó không đủ mạnh mẽ để thay đổi cuộc sống như tôi, nó chọn sống thụ động, tự ti và chán nản qua ngày.

(https://vnexpress.net/toi-phan-khang-khi- bi-cha-me-danh-mang-4383047.html)

Văn bản 2

Mẹ bạn ấy rất tôn trọng con. Tết xong chỉ cần báo tiền mừng tuổi của hai anh em được bao nhiêu, chi gì cứ hỏi mẹ, nếu thấy hợp lý mẹ bạn ấy sẽ ngay. Chứ không như mẹ, mở cặp của con ra mà thấy tiền là mẹ la lên.

Mẹ tra hỏi đến ra thì thôi. Nhiều khi con cầm tiền cho tổ để mua đồ dùng hoạt động nhóm. Mẹ gọi điện trách cô giáo sao lại để trẻ con cầm tiền. Lúc nào mẹ cũng coi con là đứa trẻ con không lớn được.

Mẹ ơi! Đúng là “con dù lớn vẫn vẫn là con của mẹ” nhưng con vẫn thích được làm người lớn, được hơi hơi tự do một chút. Con cũng muốn mẹ cho con một số quyền tự quyết nhất định, hoặc là mẹ biết con đang làm việc gì đó không theo ý mẹ thì mẹ cũng đừng bắt con phải thế này thế kia. Con thèm được như các bạn. Rắn rỏi và mạnh mẽ, tự lập. Mẹ nhé!

(https://tuoitre.vn/bao-boc-con-qua-muc-va- nhung-he-luy 2020010621084553.htm)

a. Xác định điều tác giả muốn gửi gắm qua văn bản số 1, đặt tên cho 2 văn bản trên (1đ)

b. Suy nghĩ của em về cách ứng xử trong văn bản số 2 (bằng bài văn dài từ 1-1,5 trang vở) (3đ)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

Đáp án

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (4 điểm)

Câu 1

(0.25đ)

Câu 2 (0.25đ)

Câu 3

(0.25đ)

Câu 4

(0.25đ)

Câu 5

(0.25đ)

Câu 6

(0.25đ)

Câu 7

(0.25đ)

Câu 8

(0.25đ)

D

A

B

C

A

C

A

D

 

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? Vì sao?

A. Văn bản nghị luận vì bàn về một vấn đề cụ thể.

B. Văn bản nghị luận vì dùng ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục người đọc về việc tôn trọng con đúng cách.

C. Văn bản nghị luận vì có ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng.

D. Cả ý a & b.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại dấu hiệu nhận biết các thể loại

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên thuộc thể loại Văn bản nghị luận vì:

- Bàn về một vấn đề cụ thể

- Dùng ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục người đọc về việc tôn trọng con đúng cách

→ Đáp án: D

Câu 2. Vấn đề tôn trọng con đúng cách trong văn bản được bàn luận ở những khía cạnh nào?

A. Làm rõ về tôn trọng đúng cách, các biểu hiện của tôn trong đúng cách.

B. Đặt ra các câu hỏi để đối thoại về việc tôn trong con đúng cách.

C. Bàn về ưu điểm và hạn chế của tôn trọng con đúng cách.

D. Bàn tôn trọng con đúng cách từ cách góc nhìn khác nhau.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Vấn đề tôn trọng con đúng cách trong văn bản được bàn luận ở những khía cạnh: Làm rõ về tôn trọng đúng cách, các biểu hiện của tôn trong đúng cách

→ Đáp án: A

Câu 3. Cách trình bày các ý kiến/luận điểm trong văn bản:

A. Có tiêu đề in đậm, tiêu đề dạng câu hỏi.

B. Tách thành các đoạn văn bản, có tiêu đề in đậm; tiêu đề là dạng câu hỏi.

C. Có tiêu đề in đậm, tách thành các đoạn văn bản.

D. Tất cả các ý trên.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản, chú ý các đặc điểm hình thức của văn bản

Lời giải chi tiết:

Cách trình bày các ý kiến/luận điểm trong văn bản: Tách thành các đoạn văn bản, có tiêu đề in đậm; tiêu đề là dạng câu hỏi

→ Đáp án: B

Câu 4. Văn bản “Là cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng con” được triển khai theo mô hình nào?

A. Kể chuyện, ý kiến lí lẽ, dẫn chứng.

B. Nêu câu hỏi, bàn luận.

C. Nêu vấn đề; ý kiến, lí lẽ, dẫn chứng.

D. Lí lẽ và ý kiến.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý đặc điểm hình thức triển khai văn bản

Lời giải chi tiết:

Văn bản “Là cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng con” được triển khai theo mô hình: Nêu vấn đề; ý kiến, lí lẽ, dẫn chứng

→ Đáp án: C

Câu 5. Tôn trọng con đúng cách là:

A. Cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con...

B. Con được làm mọi việc theo ý của mình.

C. Đồng ý những yêu cầu chính đáng, phù hợp thời đại của con.

D. Để con được tự lập/ “tự lực cánh sinh”.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Tôn trọng con đúng cách là: Cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con...

→ Đáp án: A

Câu 6. Câu “Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất” là thành phần nào trong văn bản nghị luận?

A. Lí lẽ

B. Dẫn chứng

C. Ý kiến.

D. Đan xen lí lẽ và dẫn chứng.

Phương pháp:

Đọc kĩ câu văn

Đối chiếu câu văn với văn bản ở trên

Lời giải chi tiết:

Câu “Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất” là thành phần nêu ý kiến của tác giả

→ Đáp án: C

Câu 7. Theo tác giả bài viết, biểu hiện của tôn trọng con đúng cách là:

A. Kiềm chế thể hiện cái tôi của bản thân; Tôn trọng nhưng vẫn cần kỷ cương; Không đem con ra so sánh; Tôn trọng khoảng không riêng của con

B. Tránh làm tổn thương con; Nói chuyện với con cần thân tình

C. Lắng nghe quan điểm của con và xem xét, khuyên nhủ con thật công tâm.

D. Cùng con phát triển sự khác biệt thành thế mạnh khẳng định bản thân.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Theo tác giả bài viết, biểu hiện của tôn trọng con đúng cách là: Kiềm chế thể hiện cái tôi của bản thân; Tôn trọng nhưng vẫn cần kỷ cương; Không đem con ra so sánh; Tôn trọng khoảng không riêng của con

→ Đáp án: A

Câu 8. Vì sao cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng con?

A. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân

B. Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái

C. Tâm lý tuổi vị thành niên rất bất ổn và cái tôi muốn thể hiện mình quá lớn.

D. Cả ý a & b.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng con vì:

Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân

Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái

→ Đáp án: D

Câu 9. Em có đồng ý với ý kiến sau đây không? Vì sao?

“Một vài hành động nhỏ như gõ cửa khi vào phòng con, xin phép khi xử dụng đồ của con, không trách móc khi con dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn gia đình… có thể giúp con cảm nhận được mình đang được tôn trọng như một người trưởng thành”

Phương pháp

Dựa vào phần phân tích ở trên

Nêu ý kiến của bản thân

Lời giải chi tiết

- HS thể hiện rõ chính kiến cá nhân

- Phân tích sự tác động của hành động tới người giao tiếp (chú ý thái độ, cảm xúc của 2 đối tượng trong cuộc giao tiếp…)

- Đặt mình vào hoàn cảnh đó để cảm nhận

- Dựa vào các căn cứ trên để lựa chọn sự đồng tình hoặc phản đối

Câu 10. Theo em, những người làm con có phải học cách tôn trọng cha mẹ đúng cách không? Vì sao?

Phương pháp

Nêu ý kiến của bản thân

Nêu lý do hợp lý

Lời giải chi tiết

- HS thẳng thắn chia sẻ quan điểm của bản thân

- Nêu được 2 lý do trở lên (làm rõ câu hỏi vì sao), cần ví dụ cho thuyết phục

PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)

a. Xác định điều tác giả muốn gửi gắm qua văn bản số 1, đặt tên cho 2 văn bản trên (1đ)

b. Suy nghĩ của em về cách ứng xử trong văn bản số 2 (bằng bài văn dài từ 1-1,5 trang vở) (3đ)

Phương pháp:

a. Đọc kĩ 2 văn bản

b. Nêu ý kiến của bản thân

Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hành viết

Lời giải chi tiết:

a. Xác định điều tác giả muốn gửi gắm qua văn bản một, đặt tên cho 2 văn bản trên

HS tự trả lời theo nhận thức, hiểu biết của cá nhân

b. Suy nghĩ của em về cách ứng xử trong văn bản 2

Suy nghĩ của em về cách ứng xử trong văn bản 2

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Nêu vấn đề/ hiện tượng bàn luận

- Thái độ/ quan điểm đối với vấn đề/ hiện tượng bàn luận (đồng tình/phản bác)

Thân bài

2,5

- Tóm tắt ngắn gọn cách ứng xử từ văn bản trên (đề yêu cầu)

- Phân tích thái độ, cảm xúc của 2 đối tượng trong cuộc giao tiếp

- Hiệu quả của giao tiếp từ sự ứng xử trên

- Khẳng định thái độ quan điểm cá nhân bằng lí lẽ và dẫn chứng (2 luận cứ trở lên)

Kết bài

0,5

- Vai trò của thái độ, lời lẽ trong ứng xử, giao tiếp

- Nhận thức và hành động của cá nhân…

Yêu cầu khác

0,5

- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận xã hội)

- Thể hiện rõ quan điểm cá nhân (đồng tình/phản bác)

- Dẫn chứng đa dạng phù hợp với lí lẽ, ý kiến