Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - Đề số 13

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 bộ sách chân trời sáng tạo đề số 13 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

MỘT CƠN GIẬN

(Trích)

Một buổi tối mùa đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình. Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:

- Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.

Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:

- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.

- Thầy cho sáu xu.

- Không, bốn xu là đúng giá rồi.

Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: "Bốn đồng xu từ đây về nhà bò". Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:

- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải. Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:

- Lại đây đi mà.

Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:

- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.

Anh xe cãi lại:

-Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!

- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.

Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe. Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu "con lợn" cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.

- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.

- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa! Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:

-Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa. Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ. Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.

- Ê! Đứng lại! Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:

- Lạy thầy... thầy nói giúp con... thầy làm ơn...Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe. Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:

- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt! Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.

- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi? Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe.

Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:

-Tôi đi từ phố hàng Bún.

-Vậy phiền ông xuống xe. Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:

- Allez! Đi về bót!

Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người. Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn? Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy. Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.

Theo Thạch Lam

Câu 1. Nhận định nào sau đây là đúng về người kể chuyện trong câu chuyện về anh phu xe?

A. Người kể chuyện hạn chi nắm bắt được tâm lí nhân vật.

B. Người kể chuyện toàn chi nắm bắt được tâm lí nhân vật.

C. Người kể chuyện hạn chi thuận, tham gia vào câu chuyện.

D. Người kể chuyện toàn chi, tham gia vào câu chuyện.

Câu 2. Theo anh Thanh, sự giận dữ có thể khiến con người trở nên như thế nào?

A. Mất kiểm soát

B. Nhỏ nhen

C. Cục súc

D. Nhẫn tâm.

Câu 3. Trước khi gặp anh phu xe, điều gì khiến anh Thanh cảm thấy khó chịu?

A. Sự nóng nực của mùa hè.

B. Công việc gặp nhiều bất trắc.

C. Gặp phải những con người khó ưa

D. Không có lí do gì cụ thể.

Câu 4. Em cảm thấy thái độ của anh phu xe như thế nào?

A. Thái độ rất niềm nở. Việc anh Thanh cảm thấy khó chịu là do tự bản thân anh ấy.

B. Thái độ bình thường. Việc anh Thanh cảm thấy khó chịu là do bản thân anh ấy.

C. Thái độ rất quá đáng, tạo cảm giác khó chịu cho khách hàng đi xe.

D. Thái độ khinh bỉ khách hàng. Việc anh Thanh tức giận là có căn cứ.

Câu 5. Vì sao anh Thanh lại quyết định không giúp anh phu xe?

A. Vì bản thân cảm thấy khó chịu sẵn với anh ta nên không muốn giúp.

B. Vì anh Thanh là một người rất nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp.

C. Vì bản thân anh Thanh cũng rất sợ cảnh sát.

D. Vì anh Thanh muốn người phu xe nhận ra sai lầm để sửa chữa.

Câu 6. Điều gì đã khiến anh phu xe cảm thấy ân hận mãi về sau?

A. Anh đã lỡ quát mắng một người tội nghiệp như anh phu xe trên suốt hành trình chuyến đi của mình.

B. Anh đã không kiềm chế được sự tức giận trước những lời nói quá đáng của anh phu xe.

C. Vì sự tức giận vô căn cứ của mình mà anh đã có hành động gây tổn hại cho người phu xe nghèo khổ.

D. Anh đã vì hèn nhát mà không dám đứng lên giúp đỡ anh phu xe.

Câu 7. Em có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện của Thạch lam?

Câu 8. Theo em, diễn biến tâm lí của nhân vật anh Thanh có phổ biến hay không?

Câu 9. Từ câu chuyện trên, theo em sự giận dữ có thể gây ra những tác hại nào? Làm thế nào để hạn chế bớt sự giận dữ vô cớ?

II. VIẾT

Câu 1. Từ đoạn trích trên, em hãy viết một bài văn nghị luận trình bày ý kiến của em về vấn đề sau:

Sự tức giận như ngọn lửa, thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

Đáp án

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1

(0.25đ)

Câu 2 (0.25đ)

Câu 3

(0.25đ)

Câu 4

(0.25đ)

Câu 5 (0.25đ)

Câu 6 (0.25đ)

C

B

D

B

A

C

 

Câu 1. Nhận định nào sau đây là đúng về người kể chuyện trong câu chuyện về anh phu xe?

A. Người kể chuyện hạn chi nắm bắt được tâm lí nhân vật.

B. Người kể chuyện toàn chi nắm bắt được tâm lí nhân vật.

C. Người kể chuyện hạn chi thuận, tham gia vào câu chuyện.

D. Người kể chuyện toàn chi, tham gia vào câu chuyện.

 

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Nhận định đúng: Người kể chuyện hạn chi, tham gia vào câu chuyện.

→ Đáp án: C

Câu 2. Theo anh Thanh, sự giận dữ có thể khiến con người trở nên như thế nào?

A. Mất kiểm soát

B. Nhỏ nhen

C. Cục súc

D. Nhẫn tâm.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Theo anh Thanh, sự giận dữ có thể khiến con người trở nên nhỏ nhen không ngờ.

→ Đáp án: B

Câu 3. Trước khi gặp anh phu xe, điều gì khiến anh Thanh cảm thấy khó chịu?

A. Sự nóng nực của mùa hè.

B. Công việc gặp nhiều bất trắc.

C. Gặp phải những con người khó ưa

D. Không có lí do gì cụ thể.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Trước khi gặp anh phu xe, trong lòng anh Thanh cảm thấy chán nản và buồn bực nhưng không có lí di cụ thể cho sự chán nản, buồn bực đó.

→ Đáp án: D

Câu 4. Em cảm thấy thái độ của anh phu xe như thế nào?

A. Thái độ rất niềm nở. Việc anh Thanh cảm thấy khó chịu là do tự bản thân anh ấy.

B. Thái độ bình thường. Việc anh Thanh cảm thấy khó chịu là do bản thân anh ấy.

C. Thái độ rất quá đáng, tạo cảm giác khó chịu cho khách hàng đi xe.

D. Thái độ khinh bỉ khách hàng. Việc anh Thanh tức giận là có căn cứ.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản, suy luận.

Lời giải chi tiết:

Thái độ của anh phu xe trong câu chuyện trên rất bình thường. Sự nài nỉ cũng là điều dễ hiểu cho những người chạy xe. Việc anh Thanh tức giận là do trước đó, anh đã cảm thấy trong người không được vui.

→ Đáp án: B

Câu 5. Vì sao anh Thanh lại quyết định không giúp anh phu xe?

A. Vì bản thân cảm thấy khó chịu sẵn với anh ta nên không muốn giúp.

B. Vì anh Thanh là một người rất nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp.

C. Vì bản thân anh Thanh cũng rất sợ cảnh sát.

D. Vì anh Thanh muốn người phu xe nhận ra sai lầm để sửa chữa.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản, suy luận.

Lời giải chi tiết:

Bản thân anh Thanh đã có ác cảm với anh phu xe. Chính vì vậy, khi anh phu xem bị cảnh sát bắt anh Thanh đã quyết định không giúp mặc dù đã bắt gặp ánh mắt có vẻ cầu xin.

→ Đáp án: A

Câu 6. Điều gì đã khiến anh phu xe cảm thấy ân hận mãi về sau?

A. Anh đã lỡ quát mắng một người tội nghiệp như anh phu xe trên suốt hành trình chuyến đi của mình.

B. Anh đã không kiềm chế được sự tức giận trước những lời nói quá đáng của anh phu xe.

C. Vì sự tức giận vô căn cứ của mình mà anh đã có hành động gây tổn hại cho người phu xe nghèo khổ.

D. Anh đã vì hèn nhát mà không dám đứng lên giúp đỡ anh phu xe.

 Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản, suy luận.

Lời giải chi tiết

Chính vì sự giận hờn vô cớ của bản thân mình, anh Thanh đã không chiến thắng được sự ích kỉ, hẹp hòi của bản thân. Điều đó dẫn tới hành động không giúp đỡ anh phu xe khiến cho anh phu xe phải chịu phạt với số tiền vượt quá sức của bản thân mình. Với khả năng của anh phu có lẽ số tiền ấy sẽ khiến anh phải khốn khổ.

→ Đáp án: C

Câu 7. Em có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện của Thạch Lam?

 Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

Nghệ thuật kể chuyện của Thạch Lam nổi bật ở việc phân tích diễn biến tâm lí nhân vật. Truyện ngắn của Thạch Lam không đặt nặng cốt truyện mà thiên về miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật với những cảm xúc mơ hồ, tinh tế, mong manh.

Câu 8. Theo em, diễn biến tâm lí của nhân vật anh Thanh có phổ biến hay không?

Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

Diễn biến tâm lí của nhân vật Thanh khá phổ biến. Con người chúng ta có rất nhiều khoảnh khắc không hiểu vì sao bản thân mình có những sự giận hờn vô cớ, có những lúc tinh thần chán nản, bực dọc ảnh hưởng khá tiêu cực đến cảm xúc. Những lúc như vậy, con người cần có những cách khác nhau để khiến cảm xúc trở nên tích cực hơn hoặc ít nhất không để cảm xúc tiêu cực ảnh hướng đến công việc, đến những người xung quanh.

Câu 9. Từ câu chuyện trên, theo em sự giận dữ có thể gây ra những tác hại nào? Làm thế nào để hạn chế bớt sự giận dữ vô cớ?

 Phương pháp

Phân tích, suy luận.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

- Tác hại của sự giận dữ:

+ Ảnh hưởng đến sức khỏe.

+ Mất kiểm soát trong công việc của mình

+ Gây tổn thương cho người khác.

+ Khiến bản thân phải hối hận vì những lời nói, hành vi trong lúc tức giận.

PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)

Câu 1. Từ đoạn trích trên, em hãy viết một bài văn nghị luận trình bày ý kiến của em về vấn đề sau:

Sự tức giận như ngọn lửa, thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp.

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

* Đảm bảo kết cấu (mở bài, thân bài, kết bài).

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào vấn đề.

- Nêu vấn đề nghị luận: Sự tức giận như ngọn lửa, thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp.

b. Thân bài:

* Giải thích ý kiến:

- Tức giận là những cảm xúc tiêu cực được hình thành khi con người bị xúc phạm, lừa dối hay thất bại...

- Đây là trạng thái cảm xúc quen thuộc trong thế giới tình cảm của con người, ai cũng từng tức giận nhưng đứng trước cơn tức giận bùng phát thì mỗi người lại có cách xử sự khác nhau.

- Tức giận như ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ: Sự tức giận gây nên những tác động xấu khiến con người có thể đánh mất đi rất nhiều thứ quanh mình.

* Phân tích ý kiến:

- Tức giận dẫn đến việc thực hiện hành vi mất kiểm soát gây hậu quả nặng nề: Thông thường, khi tức giận con người thường sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối tột độ mà đánh mất đi sự kiểm soát khách quan đối với những lời nói, hành vi của mình. Khi ấy ta có thể nói hay có những hành vi mà chính bản thân mình cũng không nghĩ đến, đó là những lời nói, hành vi bị điều khiển bởi cơn tức giận nên rất nặng nề, nghiêm trọng. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì tức giận mà gây ra những hậu quả khôn lường, đó là những người vì tức giận khi bị phản bội mà phỏng hỏa, giết người, cũng có người vì những lời chê bai, chế giễu mà giết bạn bằng những hành vi tàn nhẫn nhất.

- Những cơn tức giận có thể làm rạn nứt những mối quan hệ, gây đổ vỡ mọi chuyện tốt đẹp, đánh mất những thời cơ. Khi tức giận mà không kiểm soát được sự tức giận thì con người sẽ không thể nhìn thấy gì khác ngoài cơn tức giận và nhu cầu trút giận của mình. Khi tức giận kiểm soát sẽ làm cho con người đánh mất khả năng đánh giá khách quan, khi ấy bạn cũng có thể đánh mất cơ hội để học hỏi những điều tốt đẹp, bạn cũng không thể đưa ra những cách giải quyết thấu đáo, hợp lí nhất bởi bạn chỉ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo khi bạn bình tĩnh, hạnh phúc.

- Tức giận mang đến những bức bối khủng khiếp nhưng đừng để một phút mất bình tĩnh mà đánh mất chính mình. Những lời nói nặng nề, những hành vi không kiểm soát có thể khiến chúng ta mãi mãi mất đi những mối quan hệ tốt đẹp, để vụt mất những thời cơ phát triển. Đôi khi sự việc không giống như những gì chúng ta chứng kiến được, vì vậy hãy học cách kiềm chế cơn tức giận, bình tĩnh để đánh giá và xử lí vấn đề.

* Giải pháp hạn chế tức giận:

- Chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ việc gì khi tức giận, bởi mọi quyết định khi ấy sẽ mang tính chủ quan, cảm tính.

- Trong những lúc tức giận, nếu không thể dập tắt ngay cơn giận dữ thì bạn hãy im lặng để mình bình tĩnh lại, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta đã bình tĩnh và có sự thấu đáo trong suy nghĩ.

- Khi biết kiểm soát cơn tức giận chúng ta không chỉ làm chủ được cảm xúc của bản thân mà còn là cách chúng ta rèn luyện bản lĩnh để trưởng thành hơn.

c. Kết bài: Đánh giá lại vấn đề.