Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - Đề số 12

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 bộ sách chân trời sáng tạo đề số 12 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

CẢNH NGÀY HÈ

(Trích Bảo kính cảnh giới - Nguyễn Trãi)

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

 

Câu 1. Cảnh sắc thiên nhiên trong bài thơ là?

A. Buổi sáng hè nhẹ nhàng, tươi tắn.

B. Buổi trưa hè nồng nàn rực rỡ.

C. Buổi chiều hè sinh động, tràn đầy sức sống.

D. Một đêm hè thanh tĩnh, bình yên.

Câu 2. Dòng nào không phải là thành công nghệ thuật của bài thơ ?

A. Sử dụng từ ngữ giản dị, quen thuộc, giàu sức biểu cảm.

B. Nhiều điển cố Hán học sâu sắc, hàm súc dư ba.

C. Hình ảnh trong sáng, hài hòa màu sắc, âm thanh cuộc sống.

D. Câu thơ thất ngôn xen lục ngôn, từ láy độc đáo.

Câu 3. Cách tác giả dùng các động từ đùn đùn, giương, phun trong bài thơ cho ta cảm nhận gì về cảnh mùa hè ?

A. Sự nóng nực của mùa hè.

B. Sự tươi mát của thiên nhiên.

C. Sự sống mạnh mẽ của thiên nhiên.

D. Sự nứt nẻ vì nóng của cây cối.

Câu 4. Câu thơ nào cho biết đây là cảnh vào độ cuối mùa hè?

A. Hòe lục đùn đùn táp rợp giương.

B. Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

C. Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

D. Lao xao chợ cá làng ngư phủ.

Câu 5. Từ nào dưới đây không phải là từ Hán - Việt?

A. Hòe lục

B. Thạch lựu

C. Hồng liên

D. Tịch dương

Câu 6. Nghĩa của câu thơ Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng là gì?

A. Muốn đánh một tiếng đàn ở cây đàn của vua Ngu.

B. Nếu có cây đàn của vua Ngu sẽ đàn khúc nhạc cho dân no ấm.

C. Thật là khó để có được cây đàn của vua Ngu.

D. Dễ gì có được âm thanh tiếng đàn như cây đàn của vua Ngu.

Câu 7. Theo em, cảnh vật ở đây có sự hài hòa giữa âm thanh, màu sắc, cảnh vật và con người hay không? Lý giải?

Câu 8. Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Qua sự cảm nhận ấy, anh (chị) thấy nhà thơ có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên.

Câu 9. Hai câu thơ cuối cho thấy tấm lòng của Nguyễn Trãi đôi với người dân thế nào?

II. VIẾT

Câu 1. Từ việc cảm nhận về tình yêu thiên nhiên của tác giả trong văn bản trên, em hãy viết một bài nghị luận trình bày quan điểm của em về câu nói sau: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại”.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

Đáp án

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1

(0.25đ)

Câu 2 (0.25đ)

Câu 3

(0.25đ)

Câu 4

(0.25đ)

Câu 5 (0.25đ)

Câu 6 (0.25đ)

C

B

C

C

A

C

 

Câu 1. Cảnh sắc thiên nhiên trong bài thơ là?

A. Buổi sáng hè nhẹ nhàng, tươi tắn.

B. Buổi trưa hè nồng nàn rực rỡ.

C. Buổi chiều hè sinh động, tràn đầy sức sống.

D. Một đêm hè thanh tĩnh, bình yên.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Cảnh sắc thiên nhiên trong bài thơ là buổi chiều hè sinh động, tràn đầy sức sống.

→ Đáp án: C

Câu 2. Dòng nào không phải là thành công nghệ thuật của bài thơ ?

A. Sử dụng từ ngữ giản dị, quen thuộc, giàu sức biểu cảm.

B. Nhiều điển cố Hán học sâu sắc, hàm súc dư ba.

C. Hình ảnh trong sáng, hài hòa màu sắc, âm thanh cuộc sống.

D. Câu thơ thất ngôn xen lục ngôn, từ láy độc đáo.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Nhiều điển cố Hán học sâu sắc, hàm súc dư ba → Không phải thành công nghệ thuật của bài thơ.

→ Đáp án: B

Câu 3. Cách tác giả dùng các động từ đùn đùn, giương, phun trong bài thơ cho ta cảm nhận gì về cảnh mùa hè ?

A. Sự nóng nực của mùa hè.

B. Sự tươi mát của thiên nhiên.

C. Sự sống mạnh mẽ của thiên nhiên.

D. Sự nứt nẻ vì nóng của cây cối.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Cách tác giả dùng các động từ đùn đùn, giương, phun trong bài thơ cho ta cảm nhận sự sống mạnh mẽ của thiên nhiên.

→ Đáp án: C

Câu 4. Câu thơ nào cho biết đây là cảnh vào độ cuối mùa hè?

A. Hòe lục đùn đùn táp rợp giương.

B. Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

C. Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

D. Lao xao chợ cá làng ngư phủ.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản, suy luận.

Lời giải chi tiết:

Câu thơ cho biết cảnh vào độ cuối mùa hè: Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

→ Đáp án: C

Câu 5. Từ nào dưới đây không phải là từ Hán - Việt?

A. Hòe lục

B. Thạch lựu

C. Hồng liên

D. Tịch dương

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản, suy luận.

Lời giải chi tiết:

Hòe lục không phải là từ Hán Việt.

→ Đáp án: A

Câu 6. Nghĩa của câu thơ Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng là gì?

A. Muốn đánh một tiếng đàn ở cây đàn của vua Ngu.

B. Nếu có cây đàn của vua Ngu sẽ đàn khúc nhạc cho dân no ấm.

C. Thật là khó để có được cây đàn của vua Ngu.

D. Dễ gì có được âm thanh tiếng đàn như cây đàn của vua Ngu.

 Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản, suy luận.

Lời giải chi tiết

Nghĩa của câu thơ: Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng là nếu có cây đàn của vua Ngu sẽ đàn khúc nhạc cho dân no ấm.

→ Đáp án: C

Câu 7. Theo em, cảnh vật ở đây có sự hài hòa giữa âm thanh, màu sắc, cảnh vật và con người hay không? Lý giải?

 Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

- Trong bài thơ có các màu sắc: màu xanh của cây hoa hòe, màu đỏ của hoa lựa, hoa sen (có cả mùi thơm của hương sen), tất cả đều dưới ánh nắng chiều màu vàng (lầu tịch dương).

- Bài thơ còn có các âm thanh như tiếng "lao xao" của "chợ cá làng ngư phủ", tiếng rên rỉ (từ cổ; "dắng dỏi") của ve sầu nghe như tiếng đàn (cầm ve) từ trên lầu dưới ánh nắng chiều.

- Trong bức tranh mùa hè còn có sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. Tuy ít nói tới con người nhưng ta vẫn thấy dấu vết, hình bóng con người rất gần gũi: những cây hòe, cây lựu, hồ sen... không phải là những thực vật hoang dã mà có sự tham gia chăm sóc của bàn tay con người. Cho nên, bên cạnh các hình ảnh thiên nhiên ấy còn thấy có cái hiên nhà (Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ), cái ao (trì) (Hồng liên trì đã tiễn mùi hương), và cả ngôi lầu (Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương). Đặc biệt, có rất nhiều âm thanh tiếng người được nghe từ xa ("Lao xao chợ cá làng ngư phủ")...

- Các hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị: hài hòa giữa con người với cảnh vật, là tất cả những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, thân thuộc của quê hương, đất nước con người Việt Nam.

Câu 8. Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Qua sự cảm nhận ấy, anh (chị) thấy nhà thơ có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên.

Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

* Cảm nhận của Nguyễn Trãi: Nhà thơ tập trung những giác quan thị giác, thính giác, khứu giác và cả cảm giác nữa để quan sát cảnh thiên nhiên.

* Tấm lòng của Nguyễn Trãi:

- Tình yêu thiên nhiên nồng nàn, tha thiết.

- Tình yêu thiên nhiên có nguồn cội sâu xa từ lòng tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống của tác giả.

- Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống, gắn liền với tấm lòng tha thiết với dân, với nước.

Câu 9. Hai câu thơ cuối cho thấy tấm lòng của Nguyễn Trãi đôi với người dân thế nào?

 Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Nhận xét về âm điệu kết thúc bài thơ.

- Âm điệu của bài thơ có sự thay đổi: câu kết chỉ có 6 chữ (lục ngôn), khác với những bài kết thúc bằng câu thất ngôn. Câu lục ngôn làm cho âm điệu đang 7 chữ dồn lại trong 6 chữ.

- Tác dụng của việc kết thúc bằng câu thơ lục ngôn: cảm xúc được dồn nén, nhưng dư âm của nó lại mở ra. Bài thơ hết những âm hưởng chưa hết, đó là nhờ cách kết thúc bằng câu thơ sáu chữ trong một bài thơ thất ngôn.

PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)

Câu 1. Từ việc cảm nhận về tình yêu thiên nhiên của tác giả trong văn bản trên, em hãy viết một bài nghị luận trình bày quan điểm của em về câu nói sau: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại”.

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

* Đảm bảo kết cấu (mở bài, thân bài, kết bài).

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào vấn đề.

- Nêu vấn đề nghị luận.

b. Thân bài:

* Giải thích ý kiến:

- "Máy tính" "điện thoại": là những thiết bị công nghệ hiện đại, giúp kết nối con người với con người. Kết hợp với internet, nó tạo nên một cuộc sống khác, một "thế giới khác", gọi là mạng xã hội - "mạng ảo" - "thế giới ảo".

- Tận hưởng cuộc sống thực tại - cuộc sống bên ngoài mạng xã hội, như làm việc mình thích, dành thời gian cho người mình yêu thương, tham gia các hoạt động xã hội,...

* Thực trạng:

- Con người trong thời đại ngày nay đang sống trong một thế giới số, nơi mọi hoạt động từ những sinh hoạt thường ngày đến những sự kiện đặc biệt, từ công việc đến vui chơi giải trí, chúng ta đều tự gắn chặt với thế giới số. Mạng xã hội đã trở thành một phần của đời sống hiện đại, nhất là giới trẻ.

- Con người do đó gắn chặt cuộc sống với môi trường “ảo” internet, không quan tâm tới thế giới thực tại quanh

mình. Cuộc sống của họ diễn ra trên Facebook, Twitter, Youtube...họ tự cô lập mình với thế giới thực.

* Nguyên nhân:

- Cuộc sống ảo luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ, thú vị, rất nhiều cách thức để giải trí, con người được tự do thể hiện mình nên họ dễ bị cuốn hút về phía ấy.

- Tuy nhiên, cuộc sống thực tế sinh động, hấp dẫn hơn thế giới ảo, đừng quên những giá trị hiện hữu quanh ta làm cho cuộc sống con người thực sự có ý nghĩa.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Nhận thức: Xã hội hiện đại không thể thiếu công nghệ. Phát minh công nghệ nâng cao chất lượng sống. Thời đại càng văn minh, con người càng không thể xa rời máy tính, điện thoại và internet. Cuộc sống hiện đại cần công nghệ nhưng không nên lạm dụng mà cần có thời gian và cách thức sử dụng hợp lí, hài hòa

- Hành động: Giảm bớt thời gian vào mạng xã hội, tích cực học tập, lao động công ích, đọc sách, tham gia hoạt động xã hội,... để nâng cao sức khỏe, trí tuệ và bồi dưỡng tinh thần.

c. Kết bài: Đánh giá lại vấn đề.