Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 10

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:


Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới

QUÊ HƯƠNG

(Nguyễn Đình Huân)

Quê hương là một tiếng ve

Lời ru của mẹ trưa hè à ơi

Dòng sông con nước đầy vơi

Quê hương là một góc trời tuổi thơ

Quê hương ngày ấy như mơ

Tôi là cậu bé dại khờ đáng yêu

Quê hương là tiếng sáo diều

Là cánh cò trắng chiều chiều chân đê

Quê hương là phiên chợ quê

Chợ trưa mong mẹ mang về bánh đa

Quê hương là một tiếng gà

Bình minh gáy sáng ngân nga xóm làng

Quê hương là cánh đồng vàng

Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều

Quê hương là dáng mẹ yêu

Áo nâu nón lá liêu xiêu đi về

[...]

Quê hương là những cơn mưa

Quê hương là những hàng dừa ven kinh

Quê hương mang nặng nghĩa tình

Chôn rau cắt rốn người ơi nhớ về.

(https://by.com.vn/xzpOX)

Câu hỏi

Câu 1:  Đáp án nào nói lên đề tài của văn bản Quê hương?

A. Dòng sông.

B. Mẹ.

C. Quê hương

D. Góc trời tuổi thơ.

Câu 2: Bài thơ trên thuộc thể thơ nào? Những căn cứ nào giúp em xác nhận điều đó?

A. Thể thơ lục bát; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

B. Thể thơ lục bát, số tiếng ở từng cặp câu là 6-8; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

C. Thể thơ tự do xen lục bát; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

D. Thể thơ lục bát biến thể, gieo vần liền và ngắt nhịp chẵn, lẻ.

Câu 3: Nhân vật trữ tình trong văn bản Quê hương là người:

A. Nhớ, yêu tha thiết quê hương.

B. Buồn vì đã xa quê.

C. Không biết quê hương đã đổi thay thế nào.

D. Trở về quê cũ trong tâm trạng buồn thương.

Câu 4: Văn bản Quê hương dùng cách gieo vần nào sau đây?

A. Vần cách

B. Vần chân

C. Vần lưng

D. Vần liền

Câu 5: Những hình ảnh, câu thơ nào trong văn bản trên cho biết tác giả đang nhớ về quê hương tuổi thơ của mình? Có hình ảnh, câu thơ nào gợi nhắc em nhớ tới quê hương của mình không?(1đ)

Câu 6: Em thích hình ảnh quê hương trong bài thơ trên ở thời điểm nào (bình minh, trưa hè, chiều về)? Hãy viết/ vẽ về khung cảnh đó theo ý thích của em (1đ)

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (6đ)

Câu 1: Đọc hai đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi a,b (2đ)

Đoạn văn bản 1:

Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Thơ lục bát rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường. Câu thơ đọc lên mà cứ ngỡ là câu hát hay một bản nhạc, vừa có vần vừa có điệu nghe rất thanh thoát và êm tai. Có nhiều câu lục bát đã đi vào lòng người như một lời ru…

(https://bom.so/Vqam0q)

Đoạn văn bản 2:

Thơ lục bát đã kế thừa được mạch nguồn của thể thơ truyền thống. Những câu thơ dù là tả cảnh hay tả tình đều nhẹ nhàng, cùng lối ví von, so sánh, ẩn dụ tinh tế nên có sức truyền cảm và gửi gắm những bài học sâu sắc, thế giới tuổi thơ được tái hiện thật dung dị và trong sáng. Trong thơ có âm thanh, nhạc điệu, sắc màu của sự sống, dễ hiểu và dễ cảm

(nhóm tác giả sưu tầm và biên soạn)

a. Xác định điểm tương đồng và điểm riêng biệt của từng văn bản trên

b. Hãy chọn nhận định phù hợp nhất với bài thơ Quê hương của Nguyễn Đình Huân

Câu 2: Hãy viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của mình về 4-6 câu thơ lục bát mà em thích nhất trong bài thơ trên. Yêu cầu trích dẫn hợp lý 1 nhận định (ở 1 đoạn văn bản trong câu hỏi 1) vào bài viết của mình (4đ)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

Đáp án đề 10

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

B

A

B

 

Câu 1:  Đáp án nào nói lên đề tài của văn bản Quê hương?

A. Dòng sông.

B. Mẹ.

C. Quê hương

D. Góc trời tuổi thơ.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý tiêu đề văn bản

Lời giải chi tiết:

Đề tài của văn bản: Quê hương

→ Đáp án C

Câu 2: Bài thơ trên thuộc thể thơ nào? Những căn cứ nào giúp em xác nhận điều đó?

A. Thể thơ lục bát; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

B. Thể thơ lục bát, số tiếng ở từng cặp câu là 6-8; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

C. Thể thơ tự do xen lục bát; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

D. Thể thơ lục bát biến thể, gieo vần liền và ngắt nhịp chẵn, lẻ.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ

Nhớ lại kiến thức về thể thơ

Lời giải chi tiết:

Bài thơ thuộc thể thơ lục bát, số tiếng ở từng cặp câu là 6-8; gieo vần chân và ngắt nhịp chẵn.

→ Đáp án B

Câu 3: Nhân vật trữ tình trong văn bản Quê hương là người:

A. Nhớ, yêu tha thiết quê hương.

B. Buồn vì đã xa quê.

C. Không biết quê hương đã đổi thay thế nào.

D. Trở về quê cũ trong tâm trạng buồn thương.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ

Chú ý những chi tiết tác giả nói về quê hương

Lời giải chi tiết:

Bao trùm toàn bài là nỗi niềm nhớ, yếu tha thiết quê hương của tác giả

→ Đáp án A

Câu 4: Văn bản Quê hương dùng cách gieo vần nào sau đây?

A. Vần cách

B. Vần chân

C. Vần lưng

D. Vần liền

Phương pháp giải

Nhớ lại kiến thức phần gieo vần

Lời giải chi tiết

Bài thơ được gieo vần chân:

Lời ru của mẹ trưa hè à ơi

Dòng sông con nước đầy vơi

Quê hương là một góc trời tuổi thơ

Quê hương ngày ấy như

→ Đáp án B

Câu 5: Những hình ảnh, câu thơ nào trong văn bản trên cho biết tác giả đang nhớ về quê hương tuổi thơ của mình? Có hình ảnh, câu thơ nào gợi nhắc em nhớ tới quê hương của mình không?(1đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ

Chú ý những hình ảnh cho thấy nỗi nhớ của tác giả

Lời giải chi tiết:

- Nhớ về quê hương tuổi thơ:

Quê hương là một góc trời tuổi thơ

Quê hương ngày ấy như mơ

Tôi là cậu bé dại khờ đáng yêu

- Hình ảnh, câu thơ nào gợi nhắc em nhớ tới quê hương: Học sinh tự làm (gợi ý: lấy các hình ảnh thơ làm điểm tựa, từ đó đối chiếu với cảnh sắc, con người ở quê mình để xác định câu thơ gợi nhắc quê hương mình)

Câu 6: Em thích hình ảnh quê hương trong bài thơ trên ở thời điểm nào (bình minh, trưa hè, chiều về)? Hãy viết/ vẽ về khung cảnh đó theo ý thích của em (1đ)

Phương pháp giải:

 Nêu quan điểm của bản thân và đưa ra lý giải phù hợp

Lời giải chi tiết:

- HS tự trả lời theo sở thích cá nhân

- Tham khảo gợi ý:

+ Chọn thời điểm mà em hay thích ngắm cảnh

+ Chọn câu thơ tương ứng

+ Nói rõ lí do mình lựa chọn (2 lí do: câu thơ gợi hình ảnh, sự tác động tới cảm xúc cá nhân từ hình ảnh đó, tình cảm của tác giả…)

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (6đ)

a. Xác định điểm tương đồng và điểm riêng biệt của từng văn bản trên

Phương pháp giải:

Đọc kĩ hai văn bản

Lời giải chi tiết:

- Điểm chung: Cùng viết về vẻ đẹp, sức hấp dẫn của thể thơ lục bát

- Điểm riêng:

+ Đoạn văn bản 1: Viết về ngôn ngữ và âm điệu (nhịp vần) của thơ lục bát

+ Đoạn văn bản 2:Viết về vẻ đẹp tinh tế, sâu sắc của thơ lục bát (nghệ thuật, bài học) phù hợp với tuổi thơ

b. Hãy chọn nhận định phù hợp nhất với bài thơ Quê hương của Nguyễn Đình Huân

Phương pháp giải

Hs lựa chọn theo nhận thức của cá nhân

Lời giải chi tiết

- Gợi ý tham khảo:

+ “…dù là tả cảnh hay tả tình đều nhẹ nhàng, cùng lối ví von, so sánh, ẩn dụ tinh tế nên có sức truyền cảm… thế giới tuổi thơ được tái hiện thật dung dị và trong sáng”

+ “… rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường

II. TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 2: Hãy viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của mình về 4-6 câu thơ lục bát mà em thích nhất trong bài thơ trên. Yêu cầu trích dẫn hợp lý 1 nhận định (ở 1 đoạn văn bản trong câu hỏi 1) vào bài viết của mình (4đ)

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Hãy viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của mình về 4- 6 câu thơ lục bát (mà em thích nhất) trong bài thơ trên. Yêu cầu trích dẫn hợp lí một nhận định

Yêu cầu cần đạt

Điểm

- HS lựa chọn được đoạn thơ về mẹ/ quê hương

- Trình bày đúng hình thức đoạn văn

- Dùng từ hợp lý, diễn đạt rõ ý; chữ sạch sẽ, rõ ràng

0,5

Nội dung chính hướng vào:

- Cảm nghĩ về nội dung/ hình thức (quê hương qua âm thanh, hình ảnh; cách gieo vần, nhịp) của đoạn thơ

- Cảm nghĩ về tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho mẹ/ quê hương

- Trình bày theo trình tự hợp lí

2

Đánh giá giá trị của đoạn thơ và sự tác động của đoạn thơ tới tâm hồn mình

0,75

Khuyến khích sáng tạo hợp lí của học sinh

0,75