Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 7

Đề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2 - Đề thi cuối năm) – Ngữ văn 7 – Đề số 9 có đáp án và lời giải chi tiết


Đề bài

Phần I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm)

Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:  

“...Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời:

- Bẩm ... quan lớn... đê vỡ mất rồi!

Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:

 - Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày !  Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?

- Dạ, bẩm...

- Đuổi cổ nó ra!”

1. Nhận biết

Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

2. Nhận biết

Dấu chấm lửng trong câu văn “Bẩm ... quan lớn... đê vỡ mất rồi!” có tác dụng gì?

3. Thông hiểu

Đoạn văn trên cho em hiểu gì về bản chất tên quan phủ?

Phần II. Tiếng Việt (2,0 điểm)

Câu 1 (1,0 điểm) Nhận biết

Điền trạng ngữ thích hợp vào những chỗ trống trong các câu sau:

 a, ............................................................................. cây cối đâm chồi nảy lộc.

b, ....................................................................... thành phố lên đèn như sao sa.

Câu 2 (1,0 điểm) Thông hiểu

Cho từng đôi câu sau, hãy biến chúng thành một câu có cụm C - V làm thành phần câu hoặc phụ ngữ mà không thay đổi về nghĩa. Cho biết cụm C-V đó làm thành phần gì hoặc phụ ngữ trong từ, cụm từ nào?

a, Chúng em học giỏi. Cha mẹ và thầy cô rất vui lòng.

b, Bố mẹ thưởng cho tôi chiếc xe đạp. Tôi đi bằng chiếc xe đạp đó

Phần III. Tập làm Văn (5 điểm) Vận dụng cao

Hãy giải thích câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.

 

Lời giải chi tiết

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu

Nội dung

1

1.

Phương pháp: căn cứ bài Sống chết mặc bay

Cách giải:

Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm “Sống chết mặc bay” (0,5 điểm)

Tác giả: Phạm Duy Tốn. (0,5 điểm)

2.

Phương pháp: căn cứ bài dấu câu

Cách giải:

Dấu chấm lửng trong câu văn “Bẩm ... quan lớn... đê vỡ mất rồi !” có tác dụng biểu thị lời nói bị bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng, thể hiện sự bối rối, lúng túng, hốt hoảng, đau đớn... của nhân vật. (1,0 điểm)

3.

Phương pháp: căn cứ bài Sống chết mặc bay; phân tích

Cách giải:

Là một kẻ luôn tỏ ra có uy quyền, một tên quan “lòng lang dạ thú”. Ngay bên bờ tai họa của nhân dân, kẻ được coi là cha mẹ của dân lại chỉ nghĩ đến việc tận hưởng các thú vui xa hoa, ích kỉ của bản thân mình. Kẻ vô trách nhiệm, quen thói hống hách quát nạt.

2

Câu 1 (1,0 điểm).

Phương pháp: căn cứ bài Thêm trạng ngữ cho câu

Cách giải:

Học sinh có thể điền theo nhiều từ, cụm từ khác nhau nhưng phải phù hợp với văn cảnh. Mỗi câu đúng cho 0,5 điểm.

a, Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc.

b, Đêm, thành phố lên đèn như sao sa.

Câu 2 (1,0 điểm).

Phương pháp: căn cứ bài Dùng cụm chủ vị để mở rộng câu

Cách giải:

Học sinh có thể làm theo nhiều cách miễn đáp ứng được yêu cầu của đề.  Biến thành một câu có cụm C - V làm thành phần câu hoặc phụ ngữ mà không thay đổi về nghĩa cho 1 điểm. Cho biết cụm C-V đó làm thành phần gì hoặc phụ ngữ trong từ, cụm từ nào đúng cho 0,25 điểm. (Nếu cuối câu không có dấu chấm câu trừ 0,25 điểm).

 a, Chúng em học giỏi. Cha mẹ và thầy cô rất vui lòng.

VD: Chúng em học giỏi khiến cha mẹ và thầy cô rất vui lòng.

Cụm C-V “cha mẹ và thầy cô rất vui lòng”làm phụ ngữ cho động từ “khiến”.               

b, Bố mẹ thưởng cho tôi chiếc xe đạp. Tôi đi bằng chiếc xe đạp đó.

VD: Tôi đi học bằng chiếc xe đạp mà bố mẹ thưởng cho tôi.

Cụm C-V “bố mẹ thưởng cho tôi” làm vị ngữ.

3

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

I. Mở bài:

- Dẫn dắt .         

- Giới thiệu nội dung câu tục ngữ cần giải thích.

II. Thân bài:

1. Giải thích

a. Giải thích khái niệm:

- Uống nước: thừa hưởng thành quả lao động hoặc đấu tranh cách mạng của người khác, của các thế hệ đi trước.

- Nguồn:

+ Nơi xuất phát của dòng nước (nghĩa đen).

+ Những người làm ra thành quả đó (nghĩa bóng).

b. ý nghĩa chung của cả câu tục ngữ:

Câu tục ngữ là một triết lí sống: Khi hưởng thụ thành quả lao động nào đó, phải nhớ ơn và đền đáp xứng đáng những người đem lại thành quả mà ta đang hưởng.

2. Giải thích tại sao Uống nước cần phải nhớ nguồn?

- Trong thiên nhiên và xã hội, không có hiện tượng nào là không có nguồn gốc. Trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không có công của một ai đó tạo nên.

- Lòng biết ơn đó giúp ta gắn bó với cha mẹ, ông bà, anh em, tập thể... tạo ra một xã hội nhân ái, đoàn kết. Thiếu lòng biết ơn và hành động để đền ơn con người sẽ trở nên ích kỉ, xấu xa và độc ác. Vì vậy, Uống nước nhớ nguồn là đạo lí mà con người phải có, và nó trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân.

- Nhớ nguồn phải thể hiện như thế nào?

+ Giữ gìn và bảo vệ thành quả của người đi trước đã tạo ra.

+ Sử dụng thành quả lao động đúng đắn, tiết kiệm.

+ Bản thân phải góp phần tạo nên thành quả chung, làm phong phú thêm thành quả của dân tộc, của nhân loại.

+ Có ý thức và có hành động thiết thực để biết đền ơn đáp nghĩa cho những người có công với bản thân, với Tổ quốc.

III. Kết bài:

- Nhấn mạnh ý nghĩa của câu tục ngữ và tác dụng của nó.

- Bài học rút ra cho bản thân.

Nguồn: Sưu tầm