Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 7

Đề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2 - Đề thi cuối năm) – Ngữ văn 7 – Đề số 8 có đáp án và lời giải chi tiết


Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

       “Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng".

Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào?

A. Sự giàu đẹp của tiếng Việt.

B. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

C. Đức tính giản dị của Bác Hồ

D. Ý nghĩa văn chương.

Câu 2: Đoạn văn trên sử dụng biện pháp tu từ nào?

A. So sánh.                   B. Ẩn dụ.

C. Liệt kê.                     D. Hoán dụ.

Câu 3: Dấu chấm lửng trong đoạn văn trên được dùng để:

A. Còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.

B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng ngắt quãng.

C. Làm giảm nhịp điệu câu văn.

D. Chuẩn bị sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ.

Câu 4: Dòng nào sau đây thể hiện rõ luận điểm của đoạn văn trên?

A. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

B. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...

C. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta.

D. Cả A và B đúng.

Câu 5: Câu “Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung” có vai trò là:

A. Luận điểm .

B. Luận chứng.

C. Luận cứ.

D. Cả 3 đều đúng.

Câu 6: Nội dung của đoạn văn trên đề cập đến tinh thần yêu nước của nhân dân ta:

A. Trong quá khứ.

B. Trong cuộc kháng chiến chống các thế lực phong kiến phương Bắc.

C. Trong cuộc kháng chiến của nhân dân miền Bắc.

D. Trong cuộc kháng chiến của bộ đội trên khắp các chiến trường.

II. TỰ LUẬN (7 điểm)

Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-Nin: “Học, học nữa, học mãi”.

Lời giải chi tiết

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

B

C

A

C

C

A

II. TỰ LUẬN

1. Mở bài:

- Dẫn vào phong trào học tập hiện nay.

- Giới thiệu câu nói của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi”.

2. Thân bài:

Giải thích ý nghĩa lời khuyên của Lê-nin.

- Học nữa: Học thêm, nâng cao để bổ sung vào những điều đã học.

- Học mãi: Học không ngừng, học suốt đời.

- Vì sao phải không ngừng học tập?

+ Kiến thức ở trường chỉ là cơ bản. Muốn hoàn thành tốt công việc phải học mở rộng, nâng cao để có kiến thức sâu rộng hơn.

+ Tri thức của nhân loại là vô hạn mà hiểu biết của con người là nhỏ bé. Để thỏa mãn sự ham hiểu biết, làm cho trí tuệ phong phú, con người phải không ngừng học tập.

+ Xã hội phát triển khoa học kĩ thuật,... ngày một phát triển. Không học sẽ lạc hậu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống bản thân sau này.

- Làm thế nào để thực hiện lời khuyên của Lê-nin?

+ Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải nắm vững kiến thức cơ bản để có cơ sở học nâng cao.

+ Áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống “Học phải đi đôi với hành”.

3. Kết luận

- Lời khuyên của Lê-nin mang một giá trị to lớn, khích lệ chúng ta rất nhiều trên con đường học tập.

- Mỗi chúng ta hãy coi học tập là niềm vui, hạnh phúc của đời mình.