Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 7
Đề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2 - Đề thi cuối năm) – Ngữ văn 7 – Đề số 5 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề bài
I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Cho đoạn văn sau:
...Bấy giờ ai nấy đều ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm... quan lớn... đê vỡ mất rồi!
Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:
- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
- Dạ, bẩm...
(Trích Ngữ Văn 7, tập 2, trang 78)
Chọn câu trả lời đúng nhất và ghi vào bài làm:
Câu 1: Đoạn văn trên của tác giả nào? Trích trong tác phẩm nào?
A. Phạm Duy Tốn, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
B. Nguyễn Ái Quốc, Sống chết mặc bay.
C. Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay.
Câu 2: Đoạn văn trên đã góp phần đắc lực cho việc
A. Tố cáo quan phụ mẫu tàn bạo, bất nhân.
B. Tố cáo tên quan phụ mẫu hống hách, vô trách nhiệm.
C. Sự sợ hãi hoảng hốt của mọi người trong đình và anh lính hầu vì đê đã vỡ
D. Tả thái độ và tình cảm của mọi người trong đình khi nghe tin báo vỡ đê.
Câu 3: Đoạn văn trên thuộc kiểu văn bản nào?
A. Nghị luận chứng minh.
B. Nghị luận giải thích.
C. Miêu tả.
D. Tự sự
Câu 4: Câu nào là câu rút gọn?
A. Đê vỡ rồi !
B. Dạ, bẩm…
C. Có biết không?
D. Lính đâu?
Câu 5: Dấu chấm lửng trong câu “Bẩm... quan lớn... đê vỡ rồi!” dùng để:
A. Thể hiện chỗ lời nói ngập ngừng, ngắt quãng.
B. Tỏ ý còn nhiều sự việc hiện tượng chưa liệt kê hết.
C. Làm giãn nhịp điệu văn bản, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ bất ngờ hay hài hước châm biếm.
D. Tất cả đều đúng.
Câu 6: Các dấu gạch ngang trong đoạn văn trên dùng để:
A. Nối với các lời nói của nhân vật.
B. Giải thích rõ hơn lời nói của nhân vật hay của người viết.
C. Đặt đầu dòng để đánh dấu lời nói trực trực tiếp của nhân vật.
D. Nối các từ nằm trong một liên danh.
II. TỰ LUẬN (7điểm)
Hãy giải thích câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”.
Lời giải chi tiết
I. TRẮC NGHIỆM
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
C |
B |
D |
B |
A |
C |
II. TỰ LUẬN
1. Mở đầu
- Tình yêu thương giữa con người với con người là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta cần được phát huy. Tục ngữ có câu “Lá lành đùm lá rách”, đó là một chân lí.
2. Thân bài
- Câu tục ngữ mang một hình ảnh đẹp, gợi cảm. “Đùm” là sự bao bọc, che chở. Khi gói bánh, chiếc lá lành lặn xinh xắn bao giờ cũng được bao bên ngoài chiếc lá xấu, lá rách để đảm bảo vẻ đẹp về hình thức và giữ được thực phẩm bên trong không rơi vãi.
- Câu tục ngữ gợi những hình ảnh liên tưởng: lá lành chỉ người giàu sung sướng luôn gặp may mắn trong cuộc đời, lá rách chỉ kẻ nghèo khổ bất hạnh luôn gặp rủi ro. Câu tục ngữ mang ý nghĩa sâu sắc, người giàu có phải biết thông cảm, sẵn lòng yêu thương đùm bọc những người lao khổ.
- Tại sao phải như thế? Không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc trên cuộc đời mà không cần sự trợ giúp của những người chung quanh. Sự thăng trầm của cuộc sống ở mỗi con người trong cuộc đời không ai có thể lường trước được. Thế nên chúng ta cần phải “tương thân, tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để cùng nhau vượt qua những khó khăn, hoạn nạn.
+ Ta còn có nhũng câu tương tự:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
- Chúng ta thực hiện lời khuyên như thế nào?
+ Hằng năm tham gia những đợt quyên góp vì người nghèo, ủng hộ những nạn nhân bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,...
+ Một xã hội văn minh, hạnh phúc, tiến bộ là một xã hội mà ở đó con người luôn biết đoàn kết, yêu thương, quý trọng lẫn nhau: làm từ thiện.
+ Chúng ta chỉ sống yên lành khi những người xung quanh ta hạnh phúc.
3. Kết bài
- Câu tục ngữ đúc rút kinh nghiệm về cuộc sống, cho ta một bài học sâu sắc về đạo lí làm người.
- Liên hệ bản thân.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 7 timdapan.com"