Đề số 6 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 6 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

MỘT LY SỮA

Có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Hôm đó, cậu lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi mà bụng đang rất đói. Cậu quyết định xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Cậu hốt hoảng khi thấy một cô bé dễ thương ra mở cửa. Thay vì xin ăn, cậu ta đành xin một ly nước nóng.

Cô bé nghĩ rằng cậu trông đang đói nên đem ra một ly sữa lớn.

Cậu uống từ từ, rồi hỏi: “Tôi nợ bạn bao nhiêu?”

Cô bé đáp: “Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt.”

Cậu ta nói: “Vậy thì tôi cảm ơn bạn nhiều lắm!”

Khi Howard Kelly rời căn nhà đó, cậu ta không những cảm thấy trong người khỏe khoắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống rất mạnh mẽ.

Sau bao năm, cô gái đó bị ốm nghiêm trọng. Các bác sĩ trong vùng đều bất lực và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này. Tiến sĩ Howard Kelly được mời làm chuyên gia. Khi nghe tên nơi ở của bệnh nhân, một tia sáng lạ lóe lên trong mắt anh. Anh đứng bật dậy và đi đến phòng cô gái.Anh nhận ra cô gái ngay lập tức.Anh quay trở lại phòng chuyên gia và quyết tâm phải gắng hết sức để cứu được cô gái.Anh đã quan tâm đặc biệt.Sau thời gian đấu tranh lâu dài, căn bệnh của cô gái đã qua khỏi. Anh cầm tờ hóa đơn thanh toán viện phí, viết gì đó bên lề và cho chuyển lên phòng cô gái.

Cô gái lo sợ không dám mở tờ hóa đơn viện phí ra, bởi vì cô chắc chắn rằng đến suốt đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này. Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hóa đơn: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa.”

Ký tên: Tiến sĩ Howard Kelly.

Mắt đẫm lệ, cô gái xúc động thốt lên: “Lạy Chúa, tình yêu thương bao la của Người đã lan rộng trong trái tim và bàn tay con người.”

(http://songdep.xitrum.net)

(1) Tiến sĩ Howard Kelly: nhà vật lý lỗi lạc, đã sáng lập khoa Ung thư, trường Đại học John Hopkins năm 1895.

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao cậu bé Howard Kelly khi rời khỏi căn nhà “không những cảm thấy trong người khỏe khoắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống rất mạnh mẽ.”?

Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào về lời nói của cô bé: “…Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt.”?

Câu 4. Nêu bài học mà anh/chị nhận được từ ý nghĩa của câu chuyện trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ câu chuyện Một ly sữa ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ củ mình về câu nói của Brian Tracy: Hãy luôn cho mà không ghi nhớ và luôn nhận mà không lãng quên.

Câu 2.

Đám than đã vạc hẳn lửa.Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khụy xuống, không bước nổi.Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra.Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc. Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

Ở đây thì chết mất.

(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.13-14)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên.Từ đó, liên hệ tới đoạn kết truyện Chí Phèo (Nam Cao), nhận xét về kết thúc cuộc đời nhân vật Mị và Chí Phèo.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2:

Cậu bé khi rời khỏi căn nhà “không những cảm thấy trong người khỏe khắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống mạnh mẽ” vì: cậu bé đã nhận được tình yêu thương, sự quan tâm rất đỗi chân thành, tự nhiên từ một cô gái nhỏ mà cậu gặp khi định xin đồ ăn.

Câu 3:

Câu nói có nghĩa là: Giúp đỡ, tốt bụng với một ai đó không phải vì để được trả ơn mà phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành.

Câu 4:

Bài học: khi cho đi bằng tình yêu thương chân thành, ta sẽ nhận lại được sự chân thành, tình yêu thương gấp bội

II. LÀM VĂN

Câu 1:

• Giới thiệu vấn đề

• Giải thích vấn đề

“Hãy luôn cho mà không ghi nhớ và luôn nhận mà không lãng quên”

_ Cho đi mà không ghi nhớ: khi giúp đỡ mọi người phải luôn xuất phát từ tình yêu thương, từ trái tim trân thành, không toan tính thiệt hơn.

_ Nhận lại mà không lãng quên: khi nhận được sự giúp đỡ của người khác phải ghi nhớ công ơn và báo đáp khi có cơ hội.

⟹ Câu nói đã khẳng định ý nghĩa của sự cho đi và nhận lại trong cuộc sống.

• Bàn luận vấn đề

_ Ý nghĩa:

+ Biết giúp đỡ người khác lúc khó khăn mà không đòi hỏi sự trả ơn là hành động nhân văn, đúng đắn.

+ Khi biết cho đi yêu thương ta sẽ nhận lại yêu thương từ những người xung quanh.

+ Cuộc sống, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mối quan hệ giữa con người với con người trở nên gần gũi hơn khi ta biết cho đi, nhận lại, giúp đỡ và yêu thương nhau chân thành.

_ Dẫn chứng

• Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

_ Phê phán sự vô cảm.

_ Cho đi và nhận lại không đồng nghĩ với thương hại và đòi hỏi được đền ơn.

_ Liên hệ bản thân:

+ Thấy được tầm quan trọng của yêu thương, giúp đỡ mọi người.

+ Có những hành động thiết thực giúp đỡ cha mẹ, bạn bè,…

Câu 2:

• Giới thiệu tác giả Tô Hoài và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

_Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện rất hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.

_ Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.

• Cảm nhận về đoạn kết truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

a)Tóm tắt truyện theo nhân vật Mị- số phận khổ đau

_Mị là một cô gái có nhan sắc, hiếu thảo và ý thức được vẻ đẹp của mình.

_Do món nợ truyền kiếp của gia đình mà cô trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

b) Tình huống hành động- giải thích nguyên nhân dẫn đến hành động

_ Sự trỗi dậy lần thứ nhất trong đêm tình mùa xuân là bước chuẩn bị

_ Hai dòng nước mắt chảy xuống hõm má đã xám đen lại của A Phủ -> sự thức tỉnh:

+ Trong cõi quên, Mị dần trở về với cõi nhớ, kí ức đau khổ sống lại, “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được” -> Mị thấy xót xa cho mình, rồi từ thương mình mà thương cho người trong sự đồng cảnh…

+ Trong cõi vô thức, Mị dần dần sống lại ý thức. Mị nhớ đến người đàn bà ngày trước ở nhà này cũng bị bắt trói đến chết. Rồi Mị phán đoán “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Mị so sánh, mình là thân đàn bà, đã bị bắt về trình ma nên phải chờ đến ngày rũ xương ở đây là đương nhiên, nhưng A Phủ thì “việc gì mà phải chết thế”…

+ Mị đã tự trải nghiệm qua một tình huống tưởng tượng. A Phủ trốn thoát, bố con Pá Tra sẽ buộc tội Mị, bảo là Mị cởi trói, rồi Mị sẽ chịu trói và chịu chết thay trên cái cọc kia. Nhưng nghĩ đến kết cục ấy, Mị cũng không thấy sợ…

c) Hành động bước ngoặt- vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật

_ Lòng thương người đã lấn át cả nỗi thương thân, dẫn Mị đến một quyết định táo bạo. Trong bóng tối, Mị rón rén bước lại, rút con dao cắt lúa để cắt nút dây mây… - Nhưng khi “gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng”.

_ Mị vụt chạy ra, băng đi trong bóng tối, “nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt”: “A Phủ cho tôi đi”, chỉ giải thích ngắn gọn“Ở đây thì chết mất”. “Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi” để đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui…

d) Vẻ đẹp tâm hồn nhân vật A Phủ- sự can trường, mạnh mẽ, tự tin

_ Sau mấy đêm bị trói đứng, không được ăn uống, khi những vòng dây mây trói chặt trên người được gỡ hết “A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy”. Anh “đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc”, để vùng thoát khỏi chốn địa ngục trần gian, để đi tìm sự sống.

_ Câu nói gọn chắc của A Phủ “Đi với tôi” khi Mị xin đi theo.

_ Sau đây, khi đến Phiềng Sa, A Phủ đã trở thành tiểu đội trưởng du kích, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc để giải phóng hoàn toàn cuộc đời mình và giải phóng bản làng quê hương

• Liên hệ với đoạn kết truyện ngắn Chí Phèo

a) Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo

b) Tóm tắt truyện theo nhân vật Chí Phèo- số phận khổ đau

c) Tình huống hành động- giải thích nguyên nhân dẫn đến hành động

_ Nguyên nhân sâu xa: sự thức tỉnh, hồi sinh

_ Nguyên nhân trực tiếp:

+ Do bị Thị Nở từ chối khát vọng hạnh phúc và hoàn lương, Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng, nỗi đau đớn biến thành phẫn uất, định uống thật say để đến đâm chết cô cháu Thị Nở nhưng do say quá mà quên đi ý định ban đầu, quen chân đến nhà Bá Kiến, đặc biệt là do đã nhận thức được kẻ thù đích thực của mình

+ Do Bá Kiến đang ghen với bà Tư nên cả giận mất khôn, thiếu bình tĩnh trong cách xử trí với Chí Phèo

d) Hành động bước ngoặt- Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật

* Nhận diện, kết tội và trừng trị kẻ thù

* Tự hủy hoại mạng sống của chính mình

• Nhận xét về điểm gặp gỡ và khác biệt của hai tác phẩm

* Nét riêng (tính khác biệt):

_Kết thúc khác nhau

+ Kết thúc Vợ chồng A Phủ là sự giải thoát của Mị và A Phủ, đón chào một tương lai tươi sáng, hạnh phúc

+ Kết thúc Chí Phèo là cái chết không lối thoát

⟶ lí giải: thời đại trước và sau cách mạng, thực tế xã hội đã phản chiếu qua các trang văn

* Nét chung (tính thống nhất):

Các nhân vật Chí Phèo và Mị đều ở tình thế tận cùng của khổ đau, trong những tình huống đặc biệt đã thúc đẩy hành động bước ngoặt mang tính tự phát, dữ dội đầy kịch tính. Nhưng đằng sau hành động bước ngoặt bất ngờ ấy lại là sự tất yếu, là sự vỡ bờ khi tức nước, khi người nông dân bị dồn đẩy đến đường cùng không lối thoát

⟶ từ đây làm nổi bật giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc:

_ Giá trị hiện thực: phơi bày và phản ánh những nỗi đau, những bi kịch (chủ yếu về tinh thần) của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến

_ Giá trị nhân đạo:

+ Đồng cảm xót thương với bi kịch của nhân vật

⟶ Lên án tố cáo chế độ xã hội không đảm bảo quyền sống cho con người

⟶ từ đó đề xuất giải pháp cách mạng để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi cá nhân

_ Trân trọng ngợi ca vẻ đẹp của nhân vật tỏa sáng trong nghịch cảnh- dù bị vùi dập nhưng phần thiên lương vẫn âm ỉ sống.

• Tổng kết

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại TimDapAn.com

 



Bài giải liên quan

Từ khóa phổ biến