Đề số 3 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Ngữ văn 9
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 3 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Ngữ văn 9
Đề bài
Câu 1: (2 điểm) Xác định biện pháp tu từ sử dụng và giá trị của nó trong đoạn thơ sau:
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn...
(Con cò - Chế Lan Viên)
Câu 2: (3 điểm) Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 10 đến 15 dòng theo phương pháp phân tích - tổng hợp để trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của hai câu thơ sau đây:
Con là mây và mẹ sẽ là trăng
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.
(Mây và sóng - R. Ta-go)
Câu 3: (5 điểm) Suy nghĩ của em về truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu.
Lời giải chi tiết
Câu 1: (2 điểm)
1. Nghệ thuật: Phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ.
2. Giá trị biểu hiện:
- Cánh cò đã chắp cánh ước mơ cho con vươn lên, vươn lên mãi không ngừng trong cuộc sống.
- Câu thơ của Chế Lan Viên mang điệu hồn dân tộc, hình ảnh thơ đậm sắc dân tộc.
- Trong sáng tạo nghệ thuật, hình ảnh mẹ, đất nước, quê hương luôn gắn bó thiêng liêng, sâu nặng.
Câu 2: (3 điểm)
1. Ta-go là nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại Ấn Độ. Thơ Ta-go được độc giả thế giới yêu thích và ngưỡng mộ vì thơ ông thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả, tính trữ tình, triết lí nồng đượm.
2. Nhà thơ đã xây dựng thành công những câu thơ chứa đựng những hình ảnh thiên nhiên mang nghĩa tượng trưng cùng với những hình ảnh so sánh thi vị, gợi lên những liên tưởng đẹp:
Con là mây và mẹ sẽ là trăng
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.
3. Tác giả đã hoá thân vào nhân vật em bé để trò chuyện với mẹ bằng lời ngây thơ, hồn nhiên: “Con là mây và mẹ sẽ là trăng”. Tình cảm mẹ con thương yêu quấn quít, đầm ấm sum vầy được thể hiện trong những hình ảnh thơ lung linh. Người mẹ được em bé sánh với vầng trăng lặng lẽ tỏa sáng còn em bé là mây dịu hiền xao động, tinh nghịch thơ ngây quấn quít bên mẹ. vầng trăng như tình mẹ muôn đời vẫn thế: bao dung, lặng lẽ tỏa sáng...
4. Giây phút thiêng liêng “Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”: diễn tả niềm hạnh phúc trần thế mà ai cũng cảm nhận được nhưng không phải ai có thể gọi được bằng lời. Tình mẫu tử là mái nhà (biểu tượng cái hữu hạn) chứa đựng được cả “bầu trời xanh thẳm” (biểu tượng cái vô cùng, bất diệt, cao cả).
5. Hai câu thơ là kiệt tác viết về tình mầu tử thiêng liêng sâu nặng của nền văn học thế giới.
Câu 3: (5 điểm)
I. Yêu cầu chung
1. Thể loại: Nghị luận văn học.
2. Kiểu bài: Phân tích truyện.
3. Nội dung: Thông qua dòng suy nghĩ của nhân vật, Bến quê làm hiện lên một triết lí giản dị mà sâu sắc: cần phải biết phát hiện và trân trọng những cái đẹp giản dị, gần gũi của gia đình và quê hương.
4. Nghệ thuật: Phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, năng lực kể chuyện linh hoạt và tính triết lí ẩn sâu trong lớp văn bản ngôn từ.
5. Bố cục ba phần rõ ràng. Các luận điểm sáng rõ, diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu; không mắc các lỗi như: ngữ pháp, dùng từ, lỗi chính tả... Chữ viết sạch, đẹp.
II. Yêu cầu cụ thể
1. Nắm những nét cơ bản về cốt truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu.
2. Ý nghĩa của truyện
- Đó là quê hương bản quán, nơi gắn bó thân thiết, cho con người những gì êm đềm, đẹp đẽ khó quên.
- Là những gì thân quen nhất, yêu thương nhất (vợ con), những gì gần gũi, hồn nhiên nhất (người thân yêu, xóm làng, họ mạc...), những gì là giàu có, đẹp đẽ thuần phát, cổ xưa nhất của mảnh đất sinh thành ra ta và sẽ nhận ta về khi ta nhắm mắt xuôi tay.
- Là bến dừng, điểm dừng chân cuối cùng của đời người.
3. Tình huổng truyện độc đáo
- Nhĩ là người đã từng đi nhiều nước trên thế giới nhưng đến cuối đời, do ốm nặng, anh bị cột chặt trên giường bệnh. Thậm chí, để nhích người đến bên cửa sổ, anh cũng cảm thấy rất khó khăn như đi hết cả vòng trái đất.
- Khi phát hiện ra vẻ đẹp bên kia sông cũng là lúc Nhĩ không thể đến với vùng đất ấy.
- Nhĩ đã nhờ con giúp anh thỏa nỗi khao khát nhưng anh con trai lại không hiểu ý bố. Cậu bé lại rẽ vào một đám cờ thế.
⟶ Dòng suy nghĩ của nhân vật diễn ra tự nhiên. Xây dựng tình huống dể miêu tả những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống của nhân vật.
4. Nhân vật Nhĩ
- Truyện được trần thuật từ ngôi thứ ba diễn ra theo cái nhìn và tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật Nhĩ.
- Nhân vật Nhĩ được đặt vào trong hoàn cảnh đặc biệt: sắp từ giã cuộc đời. Lời nói và suy nghĩ của người sắp chết bao giờ cũng thật đến tận đáy lòng.
- Nhĩ quen với những chân trời xa xôi nhưng không để ý đến những vẻ đẹp bình dị quanh mình. Đó là cái đẹp tồn tại ngay ở bến quê của mình. Một vẻ đẹp giản dị nhưng trường cửu, cái đẹp của quê hương.
- Chính lúc này, anh nhìn thấy sự tận tâm của người vợ hiền. Gia đình là điểm tựa vững chắc nhất trong cuộc đời của mỗi con người.
- Nhĩ đã nhận ra được những cái bất ngờ trong cuộc sống: con người “khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.
5. Hình ảnh mang tính biểu trưng
- Thiên nhiên bên kia sông: bãi sông, vòm trời, tia nắng, màu phù sa... là hình ảnh của cái đẹp giản dị, gần gũi của quê hương.
- Hình ảnh cậu con trai sà vào đám người chơi cờ thế là hình ảnh “vòng vèo hoặc chùng chình” trong cuộc đời.
- Hình ảnh Nhĩ thu hết sức để vẫy vẫy khi thuyền chạm mũi bên kia sông ở cuối truyện như muốn thức tỉnh mọi người: “Hãy đừng vòng vèo, dừng chùng chình, phải đến ngay với những cái đẹp giản dị và bền vững, nếu không sẽ bị lỡ dịp”.
* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý để giáo viên chấm tham khảo. Trong khi chấm, giáo viên có thể linh động tuỳ từng trường hợp cụ thể để có điểm cho phù hợp theo yêu cầu về khung điểm trên.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề số 3 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Ngữ văn 9 timdapan.com"