Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Ngữ văn 9

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Ngữ văn 9


Đề bài

Câu 1: (3 điểm)

Tấm lòng thành kính và niềm xúc động thiết tha của Viễn Phương trong bài thơ Viếng lăng Bác.

Câu 2: (3 điểm)

Viết một văn bản tự sự (dài không quá 20 dòng giấy thi) kể lại câu chuyện xảy ra trong bài thơ Mây và sóng của R. Ta-go. Trong văn bản có sử dụng yếu tố khởi ngữ, thành phần biệt lập, phép liên kết thế và nối. (Chú ý: Gạch chân để xác định)

Câu 3: (4 điểm)

3.1. (1 điểm) Nêu sự khác nhau giữa nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

3.2. (3 điểm) Phân tích tâm lí của nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Lời giải chi tiết

Câu 1: (3 điểm)

I. Yêu cầu chung

1. Thể loại: Nghị luận văn học.

2. Kiểu bài: Phân tích thơ.

3. Nội dung: Niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, niềm tự hào, đau xót của nhà thơ từ miền Nam vừa được giải phóng ra thăm lăng Bác.

4. Nghệ thuật: Giọng thơ tha thiết và trang trọng.

5. Bố cục ba phần rõ ràng. Các luận điểm sáng rõ, diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu; không mắc các lỗi như: ngữ pháp, dùng từ, lỗi chính tả... Chữ viết sạch, đẹp.

II. Yêu cầu cụ thể

1. Tấm lòng thành kính

-  Giọng thơ: trang nghiêm, chậm rãi, thành kính, tha thiết phù hợp với nỗi lòng, sự suy tư, trầm lắng của tâm hồn con người trước không khí thiêng liêng ở lăng Bác.

- Từ ngữ, hình ảnh: lung linh, kì vĩ...

+ Hình ảnh đoàn người đi trong thương nhớ được nhà thơ miêu tả bằng hình ảnh sáng tạo, đẹp - thể hiện một niềm trân trọng, ngưỡng mộ sâu sắc.

+ “Kết tràng hoa dâng 79 mùa xuân”: từ ngữ gợi cảm, gợi tả, gợi lên niềm thương nhớ vô hạn. Vòng hoa dân tộc Việt Nam dâng lên Người là vòng hoa kết bằng thương nhớ.

+ Đặc biệt những cảm xúc, những suy nghĩ về Bác được gợi lên từ hệ thống những hình ảnh kì vĩ, lung linh, giàu biểu tượng (hình ảnh ẩn dụ): Mặt trời trong lăng, vầng trăng sáng dịu hiền, trời xanh...

⟶ Hình ảnh “Mặt trời trong lăng”: Sự nghiệp vĩ đại, ngời chói, lung linh.

⟶ Hình ảnh “Vầng trăng sáng dịu hiền”: Nhân cách cao đẹp (Tâm hồn thanh cao, trong sáng, vẻ đẹp hiền hậu, dung dị).

⟶ Hình ảnh “Trời xanh”: Công đức vĩ đại của Người

2. Bài thơ Viếng lăng Bác là cả một niềm xúc động, thiết tha

- Giọng thơ chứa đựng nỗi nghẹn ngào trong đau xót, tự hào.

- Là tiếng nói tâm tình sâu lắng của một người con với người cha sau bao nỗi cách chia, xa biệt, của đồng bào miền Nam thành đồng Tổ quốc “đi trước về sau”. Giọng thơ trầm lắng, xúc động dâng nghẹn trong tim.

- Niềm xúc dộng thiết tha thể hiện:

+ Qua cách xưng hô: Con - Bác.

+ Câu cảm thán: “Ôi!”.

+ Qua miêu tả hàng tre: từ xa đến gần như chính quê hương, như nỗi xúc động bồi hồi, bâng khuâng.

- Niềm đau quặn thắt trong sâu thẳm trái tim: “Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

- Tình cảm nhớ thương, bịn rịn dâng thành những dòng thơ vừa sâu lắng, vừa mạnh mẽ, vừa sôi nổi:

+ Điệp ngữ: “Muốn làm” thể hiện niềm mong muốn tha thiết, sự gắn bó - tình cảm sâu nặng.

Câu 2: (3 điểm)

* Yêu cầu:

1. Nội dung

- Diễn xuôi bài thơ Mây và sóng thành câu chuyện tự sự.

- Yêu cầu: Lời đối thoại diễn ra trong độc thoại, hình ảnh thơ đẹp đẽ, trí tưởng tượng phong phú, tập trung ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng.

2. Hình thức

- Thể loại: Tự sự

- Dài không quá 20 dòng giấy thi

- Trong văn bản có sử dụng yếu tố khởi ngữ, thành phần biệt lập, phép liên kết thế và nối. Gạch chân dưới những yếu tố sử dụng.

Câu 3: (4 điểm)

2.1. Yêu cầu

Nêu sự khác nhau giữa nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

* Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích):

- Trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể.

- Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.

- Các nhận xét, đánh giá về truyện hoặc đoạn trích phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.

* Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ:

- Nêu lên các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết.

- Những nhận xét, đánh giá phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung và cảm xúc của tác phẩm.

2.2. (3 điểm)

Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê:

- Phương Định xuất thân là con gái Hà Nội “Tôi là con gái Hà Nội... sao trên mũ”.

- Hình dáng rất đáng yêu: hai bím tóc dày, mềm. cổ cao, “kiễu hãnh như đài hoa loa kèn”, cặp mắt “dài dài, màu nâu”...

- Tâm hồn: nhạy cảm, kiêu kì, điệu, hồn nhiên hay mơ mộng và thích hát.

- Tình cảm:

+ Vui và tự hào khi các anh lính để ý và có thiện cảm.

+ Yêu mến và cảm phục tất cả các chiến sĩ.

- Tính cách: dịu dàng, yêu thương đồng đội: moi đất, bế Nho đặt lên đùi mình, tiêm thuốc, pha sữa cho Nho.

- Công việc phá bom:

+ Đến gần quả bom, cảm thấy có ánh mắt chiến sĩ…không sợ... không đi khom.

+ Cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống... châm ngòi, khỏa đất, chạy đến chỗ ẩn nấp.

- Diễn biến tâm lí:

+ Tiếng động sắc như cứa vào da thịt, rùng mình

+ Tim đập không rõ.

+ Nghĩ đến cái chết.

+ Chờ đợi mìn nổ, bom nổ.

+ Khi bom nổ: ngực nhói, mắt cay, buồn nôn.

- Tâm lí nhân vật trong lần phá bom này được miêu tả qua những hồi hộp, lo lắng, căng thẳng. Phương Định đã tự trấn tĩnh bản thân mình bằng ý thức tự trọng, sự dũng cảm vượt lên những yếu đuôi, lo sợ. Đặc biệt, cô gái Hà Nội này có những suy nghĩ, trách nhiệm với công việc được giao.