Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 12 - Đề số 10 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 12 - Đề số 10 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề bài

I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

“Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: "Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!". Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

- Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè... Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh...”

(Dẫn theo songdep.xitrum.net)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Nêu chủ đề của văn bản trên? Đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 3. Trong cuộc sống, có phải lúc nào ước mong của cụ già về “một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi” đều trở thành hiện thực hay không?

Câu 4. Hãy nêu quan niệm riêng của anh/chị về một trái tim hoàn hảo?

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm trong văn bản ở phần đọc hiểu:“Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở trong truyện Chí Phèo (Nam Cao) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt (Kim Lân).

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt: tự sự

Câu 2:

- Chủ đề của văn bản: Trái tim con người chỉ có thể đẹp nhất khi đó là trái tim biết yêu thương và san sẻ yêu thương.

- Nhan đề cho văn bản: Trái tim hoàn hảo, trái tim đẹp nhất,…

Câu 3:

- Trong đời sống, không hẳn lúc nào ước muốn “một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tin của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi” của cụ già đều trở thành hiện thực. Bởi lẽ, trái tim hoạt động theo cơ chế riêng của nó, không ai có thể ép buộc hay khuyên nhủ, chỉ khi trái tim thấy yêu thương thì nó mới san sẻ.

Câu 4:

- Nêu quan niệm của bản thân và cơ sở của quan niệm đó:

Ví dụ: Theo tôi, một trái tim hạnh phúc là một trái yêu đương và được yêu thương. Là khi trái tim ấy trao đi và nhận lại một phần tương tự. Nhưng nếu không được như vậy, một trái tim bao dung sẽ vẫn thấy hạnh phúc vì nó sẽ nhận lại được sự bù đắp từ những trái tim nhân hậu và đồng cảm khác.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

- Tình yêu là bản chất của trái tim con người. Tình yêu là sự trao và nhận yêu thương, sự quan tâm ân cần. Tình yêu có biết bao nhiêu cung bậc, thường thì khi trao yêu thương người ta mong được đáp lại. Nhưng tình yêu không hẳn lúc nào cũng công bằng như thế, có người trao đi và không mong được nhận lại.

* Bàn luận

- Tại sao lại có người chỉ trao tình yêu mà không cần nhận lại?

+ Vì trái tim hoạt động theo qui luật của riêng nó, không phụ thuộc vào lí trí, nên đôi khi người trao biết là không thể ép buộc sự đền đáp của tình yêu.

+ Vì có những tình yêu cao thượng không trông chờ sự đáp lại.

Ví dụ: Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con, tình cảm ân cần, sẻ chia dành cho những người gặp khó khăn.

- Tuy nhiên, tình cảm cần chân thành, phù hợp. Có những tình cảm cần từ hai phía như tình yêu nam nữ, tình bạn. Nếu chỉ có một bên trao thì không thể có tình cảm đẹp.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Cần biết trân trọng tình cảm của mọi người dành cho mình.

- Bồi dưỡng tâm hồn, trái tim để biết yêu thương, sẻ chia mà không phải lúc nào cũng được đền đáp.

Câu 2:

1. Giới thiệu chung

- Giới thiệu tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo và chi tiết bát cháo hành.

- Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện Vợ nhặt và chi tiết nồi cháo cám.

2. Phân tích

2.1 Hình ảnh bát cháo hành:

* Sự xuất hiện:

- Hình ảnh này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở - Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.

* Về nội dung:

- Hình ảnh bát cháo hành thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí

- Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà lần đầu Chí được hưởng.

- Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí; gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình, Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hòa với mọi người, hi vọng một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí.

* Về nghệ thuật:

- Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.

- Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng của Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hóa tình người.

2.2 Hình ảnh nồi cháo cám:

* Sự xuất hiện:

- Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.

* Về nội dung:

- Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và thân phận rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945.

- Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:

+ Bà cụ Tứ gọi cháo cám là chè khoán, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con. Ở bà hiện lên hình ảnh người mẹ nhân hậu, lạc quan và thương quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình người, nồi cháo tinh thần, nồi cháo của niềm tin, hi vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị.

+ Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Thị đã chấp nhận hoàn cảnh, đã sẵn sàng chấp nhận cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

* Về nghệ thuật:

- Chi tiết góp phần bộc lộ tính các các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựac chọn chi tiết trong truyện ngắn.

2.3 Điểm tương đồng và khác biệt

* Tương đồng:

- Cả hai đều là biểu tượng của tình người ấm áp.

- Đều biểu hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội.

- Đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

* Khác biệt:

- Bát cháo hành: biểu hiện tình thương mà Thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào đường cùng. Qua đó, thấy được bộ mặt tàn bạo của xã hội thực dân nửa phong kiến.

- Nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, niềm tin, tình người. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy, ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng và sự đổi đời của nhân vật.

3. Đánh giá chung



Từ khóa phổ biến