Đề kiểm tra giữa học kì I Văn 10 - Kết nối tri thức (đề số 5)

Đề kiểm tra giữa học kì I Văn 10 - Kết nối tri thức (đề số 5) được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I

Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

“Nhà” chỉ  là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.

“Nhà” trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã.

“Nhà” trong ký ức của tôi là nơi tôi chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ có trồng những cây cà chua khi tôi chưa đầy ba tuổi.

“Nhà” trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới kín cổng cao tường, chính là cái xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, những ngôi nhà cũ có hàng rào thấp và thưa, nơi người này có thể đứng ngoài đường mà lơ đãng ngó vô phòng khách nhà người khác.

“Nhà” đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia đang quay rất chậm.

“Nhà” cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình. Để tìm lại sự bình yên.

“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên.

Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh. Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm. Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

(Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân)

Câu 1: Trong văn bản, “nhà” gắn với những điều gì?

A. Trong nỗi buồn của bạn, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

B. Trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới.

C. Trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

D. Trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

Câu 2: Từ “thiết lập” trong văn bản có nghĩa là gì?

A. Lập ra, dựng lên

B. Sáng tạo ra điều gì đó

C. Phá vỡ điều gì đó

D. Phân tích điều gì đó

Câu 3: Theo tác giả, chúng ta có thể thiết lập bình yên trong ngôi nhà bằng cách:

A. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu.

B. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.

C. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, hay có thể bằng một giọt nước mát.

D. Bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.

Câu 4: “Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn.”

Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào?

A. Phép nối.

B. Phép thế.

C. Phép liên tưởng.

D. Phép đồng nghĩa.

Câu 5: Thông điệp của văn bản là gì?

A. Mỗi người phải nhớ về ngôi nhà của mình.

B. Mỗi người hãy tự thiết lập tình yêu thương để tạo nên sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình.

C. Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến gia đình.

D. Tầm quan trọng của ngôi nhà đối với mỗi người.

Câu 6: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Nghị luận

D. Thuyết minh

Câu 7: Nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ “Nhà” trong văn bản.

Câu 8: Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, điều gì sẽ xảy ra.

Câu 9: Tác giả viết “…sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập”. Vậy từ văn bản, hãy cho biết làm thế nào để ta có thể tham gia vào quá trình thiết lập đó?

Câu 10: Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)

Trong văn bản ở phần đọc hiểu, tác giả viết: Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Từ đó, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) bàn luận về trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình.

-----Hết----- 

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

1 (0.5đ)

2 (0.5đ)

3 (0.5đ)

4 (0.5đ)

5 (0.5đ)

6 (0.5đ)

C

A

B

A

B

C

 

Câu 1.  Trong văn bản, “nhà” gắn với những điều gì?

A. Trong nỗi buồn của bạn, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

B. Trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới.

C. Trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

D. Trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

Phương pháp:

Tìm kiếm thông tin trong văn bản.

Cách giải:

Trong văn bản, “nhà” gắn với trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.

→ Đáp án C

Câu 2. Từ “thiết lập” trong văn bản có nghĩa là gì?

A. Lập ra, dựng nên.
B. Sáng tạo ra điều gì đó.
C. Phá vỡ điều gì đó.
D. Phân tích điều gì đó

Phương pháp:

Phân tích nghĩa của từ.

Cách giải:

Nghĩa của từ “thiết lập” là lập ra, dựng lên.

→ Đáp án A

Câu 3. Theo tác giả, chúng ta có thể thiết lập bình yên trong ngôi nhà bằng cách:

A. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu.

B. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.

C. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, hay có thể bằng một giọt nước mát.

D. Bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.

Phương pháp:

Tìm kiếm thông tin trong văn bản.

Cách giải:

Theo tác giả, chúng ta có thể thiết lập bình yên trong ngôi nhà bằng: Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.

→ Đáp án B

Câu 4. “Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn.”

Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào?

A. Phép nối.

B. Phép thế.

C. Phép liên tưởng.

D. Phép đồng nghĩa.

Phương pháp:

Dựa vào dấu hiệu nhận biết các phép liên kết trong đoạn văn.

Cách giải:

Đoạn văn trên sử dụng phép nối qua từ “nhưng”.

→ Đáp án A

Câu 5. Thông điệp của văn bản là gì?

A. Mỗi người phải nhớ về ngôi nhà của mình.

B. Mỗi người hãy tự thiết lập tình yêu thương để tạo nên sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình.

C. Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến gia đình.

D. Tầm quan trọng của ngôi nhà đối với mỗi người.

Phương pháp:

Đọc, rút ra thông điệp của văn bản.

Cách giải:

Thông điệp của văn bản: Mỗi người hãy tự thiết lập tình yêu thương để tạo nên sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình.

→ Đáp án B

Câu 6. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Nghị luận

D. Thuyết minh

Phương pháp giải:

Dựa vào dấu hiệu nhận biết về phương thức biểu đạt

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là nghị luận (dùng lập luận, lý lẽ để thuyết phục người đọc)

→ Đáp án C

Câu 7: Nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ “Nhà” trong văn bản.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, dựa vào kiến thức về biện pháp tu từ để nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ

Lời giải chi tiết:

Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn

+ Thể hiện tình cảm, chia sẻ cũng như những băn khoăn, trăn trở và quan điểm của tác giả về ngôi nhà.

Câu 8: Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, điều gì sẽ xảy ra.

Phương pháp giải:

Tìm kiếm thông tin trong văn bản

Lời giải chi tiết:

Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, điều sẽ xảy ra đó là: khởi đầu của sự bất hạnh

Câu 9: Tác giả viết “…sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập”. Vậy từ văn bản, hãy cho biết làm thế nào để ta có thể tham gia vào quá trình thiết lập đó?

Phương pháp giải:

Tìm kiếm thông tin trong văn bản

Lời giải chi tiết:

“sự bình yên có thể thiết lập hoặc tái thiết lập” có nghĩa là:

+ Nó như một câu hỏi về sự bình yên của mỗi người trong cuộc sống.

+ Sự bình yên ấy có thể được thiệt lập và tái thiết lập bởi chính bàn tay con người. 

Câu 10: Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và nêu ý kiến của bản thân

Lời giải chi tiết:

Gợi ý

Thông điệp có ý nghĩa nhất đối với tôi: Hãy mang lại sự bình yên cho ngôi nhà của mình bằng chính sự nỗ lực, hành động của bản thân.

- Vì:

+ Sự bình yên sẽ không bao giờ hiện hữu trong ngôi nhà nếu bạn và các thành viên trong gia đình không gây dựng ra nó.

+ Chúng ta chỉ có thể thấy bình yên trong nhà khi ta và các thành viên trong gia đình biết cố gắng, đoàn kết, chung tay tạo ra nó.

II. PHẦN VIẾT

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề

2. Thân bài

* Giải thích vấn đề:

- Gia đình là gì?

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

* Bàn luận vấn đề

- Vai trò của gia đình với cuộc sống con người:

+ Gia đình là nơi ta được sinh ra, được nuôi lớn bằng sự bao dung, đùm bọc, yêu thương của cha mẹ và mọi người.

+ Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách con người.

+ Gia đình là bến đỗ bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời.

- Trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình:

+ Luôn nghe lời cha mẹ, nghe những điều cha mẹ dạy bảo.

+ Mỗi cá nhân cần quan tâm giúp đỡ cha mẹ, làm những việc phù hợp với năng lực, lứa tuổi của mình.

* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Bên cạnh những người luôn hiếu thảo với cha mẹ, lại có một bộ phận chỉ lo nghĩ cho lợi ích cá nhân, không chia sẻ, giúp đỡ gia đình, không vun đắp hạnh phúc gia đình. Khiến cho tình cảm gia đình rạn nứt. Đó là hành vi vị kỉ, đáng lên án và cần phải thay đổi.

- Mỗi con người là một kiểu cá tính, tâm lí, có một nhu cầu, ý muốn khác nhau. Để tạo nên mối quan hệ bền vững và tốt đẹp trong gia đình, mỗi người cần biết cân bằng, điều chỉnh bản thân và có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc các thành viên khác.

- Liên hệ bản thân.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và nêu thông điệp

Bài giải tiếp theo