Đề kiểm tra giữa học kì I Văn 10 - Kết nối tri thức (đề số 4)

Đề kiểm tra giữa học kì I Văn 10 - Kết nối tri thức (đề số 4) được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề thi

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I

Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Anh nhớ không những con đường quê ta
Thân thương từ thuở nhỏ ?
Bao năm tháng đi về trên ngõ
Bao hoàng hôn rậm rịch bước chân trâu
Đường lập loè đom đóm bay cao
Ta ghé cửa nhà nhau xin lửa
Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở
Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...

Xưa xóm nghèo mái rạ chen nhau
Gồ ghề lối hẹp
Hun hút bờ tre gió rét
Mưa dầm lầy lội bùn trơn
Bà lưng còng chống gậy bước run
Còm cõi vai gầy gánh nặng
Sương trắng mùa đông ngõ vắng
Quét hoài không hết lá khô...

Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật...
Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang
Vui mở với đời ta như trời rộng…

(Những con đường, Trích Hương cây – 1968 – Lưu Quang Vũ)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

A. Tự do.

B. Hiện đại.

C. Bảy chữ.

D. Tám chữ.

Câu 2. Các từ láy trong khổ thơ đầu là?

A. rậm rịch, lập loè, lầy lội, còm cõi.

B. rậm rịch, lập loè, se sẽ, da diết.

C. ghồ ghề, hun hút, lầy lội, còm cõi.

D. se sẽ, da diết, ghồ ghề, hun hút.

Câu 3. Hình ảnh nào không xuất hiện trong đoạn trích?

A. Xóm nghèo mái rạ.

B. Bờ tre hun hút.

C. Đom đóm lập lòe.

D. Dòng sông xanh mát.

Câu 4. Dòng nào nêu đúng tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong câu thơ còm cõi vai gầy gánh nặng?

A. Nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người bà.

B. Nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người mẹ.

C. Nhấn mạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của người bà.

D. Nhấn mạnh sự mạnh mẽ, kiên cường của người bà.

Câu 5. Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong đoạn thơ là

A. ngỡ ngàng.

B. nhớ thương.

C. hân hoan.

D. đau buồn.

Câu 6. Con đường ngày xưa và con đường ngày mai có gì khác nhau?

A. Con đường ngày xưa thân thương, con đường ngày mai xa lạ.

B. Con đường ngày xưa gồ ghề, con đường ngày mai bằng phẳng.

C. Con đường ngày xưa hẹp, con đường ngày mai thênh thang.

D. Con đường ngày xưa lầy lội bùn trơn, con đường ngày mai rực rỡ ánh điện.

Câu 7. Theo văn bản, các câu thơ sau được hiểu như thế nào?

Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật...

A. Điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.

B. Điều kiện sống sung túc ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.

C. Điều kiện sống không ảnh hưởng đến lối sống của con người.

D. Cần tạo môi trường sống tốt đẹp để con người được phát triển.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích.

Câu 9. Anh/chị có đồng tình với ước vọng của tác giả trong hai câu thơ sau không? Vì sao?

Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang

Câu 10. Thông điệp có ý nghĩa tích cực mà anh/ chị nhận được sau khi đọc đoạn trích?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Một viện bảo tàng được lát đá cẩm thạch rất tinh tế và ngay chính giữa sảnh ngự một bức tượng cẩm thạch khổng lồ. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây đều trầm trồ trước bức tượng cẩm thạch lộng lẫy này.

Đêm nọ, đá cẩm thạch nói với tượng cẩm thạch.

Đá: Này tượng, như thế là không công bằng đâu nhé. Thật là bất công! Tại sao mọi người tới đây đều giẫm lên tôi trong khi họ ngước mắt ngưỡng mộ cậu?

Tượng: Đá thân mến, cậu có nhớ rằng chúng ta đều sinh ra từ một mỏ đá không?

Đá: Đúng vậy! Chính điều đó lại càng làm tớ thấy bất công hơn. Chúng ta sinh ra từ một mỏ nhưng lại được đối xử khác nhau. Bất công làm sao!

Tượng: Rồi cậu có còn nhớ ngày mà nhà điêu khắc đẽo cậu nhưng cậu từ chối không để các dụng cụ đó đẽo gọt lên mình không?

Đá: Đúng thế, tớ vẫn nhớ […].

Tượng: Rồi thì ông ấy quyết định từ bỏ cậu và bắt đầu làm việc trên mình tớ. Tớ hiểu ngay rằng mình sẽ khác biệt sau những nỗ lực của ông ấy. Tớ không từ chối các dụng cụ. Thay vào đó, tớ chịu đựng đau đớn khi những dụng cụ đó gọt giũa vào thân mình.

Đá: Ừ…

Tượng: Cậu thân mến, đó là cái giá của mọi thứ trong cuộc sống. Vì cậu quyết định bỏ cuộc giữa chừng, cậu không thể oán trách vì sao hôm nay người ta lại giẫm lên cậu.

(Bạn chỉ sống có một lần, Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2018, tr.90,91)

Thực hiện yêu cầu:

Ý nghĩa của hai hình tượng nhân vật đá cẩm thạch và tượng cẩm thạch là gì? Anh/ chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ).

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3(0.5đ)

Câu 4(0.5đ)

Câu 5(0.5đ)

Câu 6(0.5đ)

Câu 7(0.5đ)

A

B

D

A

B

C

A

 

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

A. Tự do.

B. Hiện đại.

C. Bảy chữ.

D. Tám chữ.

Phương pháp giải:

Dựa vào số từ trong đoạn trích để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích được viết theo thể thơ Tự do

→ Đáp án A

Câu 2. Các từ láy trong khổ thơ đầu là?

A. rậm rịch, lập loè, lầy lội, còm cõi.

B. rậm rịch, lập loè, se sẽ, da diết.

C. ghồ ghề, hun hút, lầy lội, còm cõi.

D. se sẽ, da diết, ghồ ghề, hun hút.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ khổ thơ đầu và gạch chân những từ láy

Lời giải chi tiết:

Những từ láy xuất hiện trong khổ thơ đầu là: rậm rịch, lập loè, se sẽ, da diết.

→ Đáp án B

Câu 3. Hình ảnh nào không xuất hiện trong đoạn trích?

A. Xóm nghèo mái rạ.

B. Bờ tre hun hút.

C. Đom đóm lập lòe.

D. Dòng sông xanh mát.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích và sử dụng phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh không xuất hiện trong đoạn trích là hình ảnh dòng sông.

→ Đáp án D

Câu 4. Dòng nào nêu đúng tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong câu thơ còm cõi vai gầy gánh nặng?

A. Nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người bà.

B. Nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người mẹ.

C. Nhấn mạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của người bà.

D. Nhấn mạnh sự mạnh mẽ, kiên cường của người bà.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ và dựa vào những kiến thức đã được học về các biện pháp tu từ để nêu tác dụng của biện pháp đảo ngữ

Lời giải chi tiết:

Biện pháp tu từ đảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người bà. Đồng thời gửi gắm tấm lòng yêu thương của người cháu đối với người bà thân yêu.

→ Đáp án A

Câu 5. Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong đoạn thơ là

A. ngỡ ngàng.

B. nhớ thương.

C. hân hoan.

D. đau buồn.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích và chỉ ra cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ là cảm xúc nhớ thương của tác giả khi nhắc về những kỉ niệm ngày xưa, đặc biệt là đối với người bà.

→ Đáp án B

Câu 6. Con đường ngày xưa và con đường ngày mai có gì khác nhau?

A. Con đường ngày xưa thân thương, con đường ngày mai xa lạ.

B. Con đường ngày xưa gồ ghề, con đường ngày mai bằng phẳng.

C. Con đường ngày xưa hẹp, con đường ngày mai thênh thang.

D. Con đường ngày xưa lầy lội bùn trơn, con đường ngày mai rực rỡ ánh điện.

 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích, chú ý những chi tiết về con đường ngày xưa và con đường ngày mai

Lời giải chi tiết:

Con đường ngày xưa hẹp tượng trưng cho những khó khăn cách trở, tuy nhiên, con đường ngày mai sẽ rộng rãi, thênh thang. Điều này thể hiện niềm tin của tác giả về tương lai tươi sáng trước mắt.

→ Đáp án C

Câu 7. Theo văn bản, các câu thơ sau được hiểu như thế nào?

Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật...

A. Điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.

B. Điều kiện sống sung túc ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.

C. Điều kiện sống không ảnh hưởng đến lối sống của con người.

D. Cần tạo môi trường sống tốt đẹp để con người được phát triển.

Phương pháp giải:

Chú ý những hình ảnh nổi bật trong đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Những câu thơ trên cho thấy một triết lý sống vô cùng đúng đắn: Điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người. Điều này cũng chính là quan điểm vật chất quyết định đến ý thức con người.

→ Đáp án A

Câu 8. Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

- Hình ảnh con đường quê hương trong hoài niệm của tác giả

-Tình cảm và những suy ngẫm của tác giả về quê hương

Câu 9.

Phương pháp giải:

Lời giải chi tiết:

HS trả lời theo nhiều cách. Sau đây là định hướng:

- Đồng tình: vì đó là ước vọng cao đẹp của con người. Hành trình phát triển cần song hành với điều kiện thuận lợi về vật chất

- Không đồng tình vì: có những sự phát triển mang tính đột phá vượt lên những hạn chế, nghịch cảnh

Vừa đồng tình vừa không đồng tình, vì: trong hành trình phát triển của con người, điều kiện vật chất là yếu tố quan trọng nhưng không hẳn đóng vai trò quyết định

Câu 10. Anh/chị có đồng tình với ước vọng của tác giả trong hai câu thơ sau không? Vì sao?

Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang

Phương pháp giải:

Đọc kĩ hai câu thơ và nêu ý kiến của bản thân

Lời giải chi tiết:

HS trả lời theo nhiều cách. Sau đây là gợi ý:

- Tình cảm yêu thương, gắn bó dành cho quê hương

- Thái độ trân trọng và tự hào.

- Hành động thiết thực để góp phần xây dựng quê hương…

II. VIẾT

- Hai hình tượng nhân vật đá cẩm thạch và tượng cẩm thạch ẩn dụ cho hai kiểu người trong xã hội:

Đá cẩm thạch đại diện cho kiểu người không chịu rèn luyện mình qua khó khăn gian khổ, không tạo ra được giá trị của bản thân.

Tượng cẩm thạch đại diện cho kiểu người chấp nhận thử thách đau đớn để rèn luyện bản thân, từ đó tạo nên được giá trị to lớn cho chính mình.

- Hai hình tượng nhân vật đá cẩm thạch và tượng cẩm thạch được xây dựng nhằm gửi gắm thông điệp: Để thành công, tỏa sáng và được thừa nhận giá trị cần trải qua quá trình khổ luyện kiên trì, công phu, chấp nhận đau đớn và trả giá. Con người biết đối diện vượt qua khó khăn vươn lên sẽ thành công, né tránh lùi bước trước khó khăn sẽ thất bại.