Đề kiểm tra 45 phút kì I Ngữ văn 12 - Đề số 2 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra 45 phút kì I Ngữ văn 12 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp


Đề bài

Phần I: Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Đọc kỹ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không...

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1: Tư tưởng chủ đạo của đoạn thơ trên là gì? (0.75 điểm)

Câu 2: Trong đoạn thơ có mấy lần hình ảnh người mẹ xuất hiện, đó là những lần nào, có ý nghĩa gì? (1.5 điểm)

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 6 dòng) để trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. (0.75 điểm)

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)

Lời giải chi tiết

Phần I: Đọc, hiểu

Câu 1:

- Tư tưởng chủ đạo của đoạn thơ: Hình ảnh Tổ quốc Việt Nam trong một góc nhìn mới – nhìn từ biển đảo quê hương. Trong góc nhìn đó Tổ quốc hiện lên với bao đau thương mất mát không chỉ bởi thiên nhiên dữ dội mà cả những kẻ thù đang lăm le bờ cõi. Tổ quốc gắn bó với con người từ truyền thuyết xa xưa của dân tộc khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con lên rừng xuống biển và cả ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Câu 2:

Trong đoạn thơ có 3 lần hình ảnh người mẹ xuất hiện:

- Lần 1: Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

- Lần 3: Mẹ Âu Cơ không hẳn đã yên lòng

Lần 1 và lần 3 là hình ảnh mẹ Âu Cơ, người mẹ đầu tiên của dân tộc xuất hiện trong truyền thuyết sinh ra đàn con trong bọc trứng, chia nhau lên rừng xuống biển, một hình ảnh giàu sức gợi về vẻ đẹp cao cả vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam...

- Lần 2: Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Là hình ảnh người mẹ trong hiện thực, xuất hiện gián tiếp qua hình ảnh chiếc áo bạc màu với bao vất vả lo toan, sự so sánh liên tưởng giữa mẹ và biển cả.

Câu 3:

- Đảm bảo yêu cầu của một đoạn văn về hình thức cũng như nội dung.

- Đoạn văn viết có chủ đề, trình bày được suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với chủ quyền biển đảo

Lưu ý: Tuỳ theo mức độ câu trả lời của học sinh mà giáo viên có thể ghi điểm, nhưng không quá số điểm tối đa đã được ghi theo từng câu. 

Phần II. Làm văn

1. Yêu cầu về kiến thức: Hiểu đúng nội dung của phần văn bản (Vẻ đẹp của Việt Bắc trong dòng hồi tưởng của tác giả thông qua hình ảnh hoa và người)

2. Yêu cầu về kỹ năng: Nắm được kỹ năng của một bài nghị luận theo đúng đặc trưng của thể loại (trữ tình). Có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phải thể hiện những nội dung cơ bản sau đây: 

I. Giới thiệu chung:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu đoạn trích

II. Phân tích

1. Hai câu đầu : Khái quát nỗi nhớ.

- Hoa và người là những gì đẹp nhất của núi rừng Việt Bắc. “Hoa” là cách nói của nghệ thuật tượng trưng cho thiên nhiên và cũng là một bộ phận của thiên nhiên.

- Trong nỗi nhớ của người về, hoa và người là hai hình ảnh đồng hiện, soi chiếu vào nhau. Hoa là hình ảnh đẹp nhất của thiên nhiên; người là sản phẩm kỳ diệu tuyệt vời của tạo hoá. Vì vậy, khi nhớ người thì hiện lên bông hoa, khi nhớ hoa thì hiện lên bóng ngườià ngụ ý ngợi ca vẻ đẹp người ở lại.

2. Tám câu sau: Một bức tranh thiên nhiên Việt Bắc phong phú, rực rỡ, tươi thắm tượng trưng cho vẻ đẹp của bốn mùa:

a. Trước hết, bức tranh mùa đông với “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”:

- Mùa đông xuất hiện bằng màu một gam màu lạnh - nền xanh mênh mông tĩnh lặng của rừng già, gợi ra một xứ sở êm đềm, lặng lẽ, xa vắng… Trên cái nền màu lạnh ấy lại nổi lên một gam màu nóng của “hoa chuối đỏ tươi” (ở đây có thể liên tưởng: màu đỏ của hoa chuối gợi ra ý nghĩa tượng trưng cho màu đỏ của cách mạng mới được nhen nhóm, như xua đi cái lạnh ngàn năm của núi rừng mùa đông).

b. Tiếp theo, bức tranh mùa xuân với “Mơ nở trắng rừng” - một mùa xuân tràn ngập màu trắng của hoa mơ, gợi sự dịu dàng, tinh khiết, thanh bạch, mộng mơ của tạo vật. Hai tiếng “trắng rừng” làm khung cảnh núi rừng nơi đây như bừng sang hẳn lên. Đây là hình ảnh giàu tính hiện thực nhưng thấp thoáng ý nghĩa tượng trưng: nó như gợi lên nét đẹp trong sáng trong tâm hồn của con người Việt Bắc. Có thể nói, màu trắng của hoa mơ là màu sắc đặc trưng của núi rừng Việt Bắc.

c. Bức tranh mùa hè hiện lên trong nỗi nhớ người đi không chỉ có màu sắc, đường nét, ánh sáng mà còn có cả âm thanh ngân vang của tiếng ve gọi hè ”ve kêu rừng phách đổ vàng". Ve kêu gọi hè, hè về là rừng phách chuyển màu. Sống ở Việt Bắc, con người thường hay có cảm xúc bâng khuâng trước những hình ảnh kỳ lạ của rừng phách: trong những ngày cuối xuân, nụ hoa vẫn náu kín trong những kẽ lá. Khi tiếng ve cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Cách dùng từ “đổ” khá tinh tế, nhấn mạnh sự mau lẹ đột ngột của quá trình chuyển đổi của cây lá, nó diễn tả sức mạnh của những trận mưa hoa vàng khi gió thổi, ve kêu gọi hè.

d. Bộ bức tranh bốn mùa kết thúc bằng bức tranh thu: đêm thu có ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành khung cảnh huyền ảo. Cảnh tượng này thích hợp với việc bộc lộ tâm tư thầm kín dành cho thời điểm kết thúc những cuộc hát giao duyên. Câu thơ gợi không khí thanh bình, yên ả, báo hiệu sự bắt đầu cuộc sống yên vui. Câu thơ cũng gợi sự hoà hợp giữa thiên nhiên (rừng thu) với vũ trụ (trăng) với cuộc sống thanh bình yên vui trong sự hoà hợp của những tấm lòng nhân ái giữa người đi và người ở lại.

3. Hình ảnh con người Việt Bắc:

- Bên cạnh nỗi nhớ thiên nhiên là nỗi nhớ con người Việt Bắc. Con người là hình ảnh luôn được đan cài, xen kẽ, hoà hợp với thiên nhiên. Sau mỗi câu lục nói về hoa là đến câu bát nói về người. Con người gắn bó khăng khít với thiên nhiên làm cho thiên nhiên bớt vẻ hoang sơ và thêm có hồn. Giữa thiên nhiên gợi cảm, con người hiện lên thật bình dị, đáng yêu và luôn gắn bó với lao động:

- Hình ảnh con người trong mùa đông hiện lên với một dáng vẻ, tư thế hiên ngang trong lao động "dao gài thắt lưng”; mùa xuân lại gắn với bàn tay dịu dàng, cần mẫn của các cô gái “chuốt từng sợi giang” (hình ảnh giống như cảnh phim quay chậm, không chỉ giúp người đọc thấy rõ đường nét, hình khối, động tác của người lao động mà còn thấy cả ý nghĩ đắn đo, thận trọng, tỉ mỉ trong từng công việc).

- Hình ảnh cô gái "hái măng một mình” trong mùa hạ vừa gợi sự cần cù, chăm chỉ, kiên nhẫn lại vừa gợi cái không gian bao la, mênh mông của núi rừng Việt Bắc.

- Nhớ người Việt Bắc, người về còn nhớ cả “tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Đó là tâm hồn, là tình cảm của những con người miệt mài, chăm chỉ với công việc, lặng lẽ cưu mang trong mình những rung động, cảm xúc trước đất trời, trước cuộc đời.

III. Kết luận:

- Khái quát vấn đề.