Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 2 - Chương III - Phần 2 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 2 - Chương 3 - Việt Nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII - Lịch sử 10


Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Mạc Đăng Dung lập nên triều đại mới trong hoàn cảnh nào?

A. Đất nước bị chia cắt, hình thành cục diện Nam – Bắc triều.

B. Các thế lực phong kiến được dẹp yên và sự suy sụp của họ Lê.

C. Khắp nơi nổi lên các thế lực phong kiến tranh chấp quyền hành.

D. Chiến tranh Trịnh – Nguyễn bùng nổ và đang diễn ra quyết liệt.

Câu 2. Mạc Đăng Dung tập trung xây dựng một đạo quân thường trực mạnh nhằm mục đích

A. đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân.

B. chấm dứt tình trạng cát cứ địa phương.

C. ngăn chặn sự chống đối của quan lại cũ nhà Lê.

D. đối phó với mọi tình hình có thể xảy ra.

Câu 3. Đàng Trong do họ Nguyễn cai quản là vùng đất

A. từ sông Gianh vào Nam.

B. từ Thuận Hóa vào Nam.

C. từ sông Gianh ra Bắc.

D. từ Thuận Hóa ra Bắc.

Câu 4. Cuối thế kỉ XVI, tình hình nào tạo điều kiện cho chúa Trịnh lấn át quyền vua Lê?

A. Thế lực vua Lê ngày càng yếu.

B. Vua Lê đồng ý trao quyền lực cho chúa Trịnh.

C. Họ Trịnh có công chính trong việc đánh đổ nhà Mạc.

D. Nhà Lê không được quan lại và nhân dân ủng hộ như trước.

Câu 5. Đất nước ta bị chia cắt trong những thế kỉ XVI – XVIII là do đâu?

A. Nhu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

B. Quyền lợi của các tập đoàn phong kiến trong nước.

C. Sự phát triển của các vùng miền đất nước theo các chiều hướng khác.

D. Những biến động của tình hình thế giới tác động đến nước ta.

Câu 6. Nội dung nào không thuộc biến đổi lớn của nhà nước phong kiến Việt Nam trong các thế kỉ XVI - XVIII?

A. Triều Lê sơ tiến hành cải cách hành chính.

B. Cục diện Đàng Trong – Đàng Ngoài.

C. Cục diện vua Lê – chúa Trịnh.

D. Cục diện Nam triều – Bắc triều.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Nêu nguyên nhân của các cuộc chiến tranh phong kiến: Nam - Bắc triều, Trịnh - Nguyễn.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1. B

2. D

3. A

4. A

5. B

6. A

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 107.

Cách giải:

Sau khi dẹp yên các thế lực phong kiến khác, nhận thấy sự suy yếu và bất lực của dòng họ Lê, năm 1527, Mạc Đăng Dung bắt vua Lê nhường ngôi và thành lập triều đại mới – triều Mạc.

Chọn: B

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 107.

Cách giải:

Trong những năm đầu thống trị, nhà Mạc đã tập trung xây dựng một đạo quân thường trực mạnh để đối phó với mọi tình hình có thể xảy ra.

Chọn: D

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 108.

Cách giải:

- Từ sông Gianh ra Bắc thuộc Họ Trịnh (Trịnh Tùng nắm quyền) là Đàng Ngoài (Bắc Hà), biến vua Lê thành bù nhìn.

- Từ Sông Gianh vào Nam thuộc Họ Nguyễn là Đàng Trong (Nam Hà).

Chọn: A

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 108, suy luận.

Cách giải:

Do thế lực của vua Lê ngày càng suy yếu, quyền hành suy giảm, thậm chí chỉ còn trên danh nghĩa nên đã tạo điều kiện cho chúa Trịnh lấn át quyền vua Lê.

Chọn: A

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 108, suy luận.

Cách giải:

Xuất phát từ việc tranh giành quyền lợi giữa các tập đoàn phong kiến trong nước -> chiến tranh Trịnh – Nguyễn bùng nổ (1627) nhưng không phân thắng bại -> đất nước bị chia cắt thành hai đàng: Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Chọn: B

Câu 6.

Phương pháp: Nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Những biến đổi lớn trong nhà nước phong kiến Việt Nam trong các thế kỉ XVI đến XVIII bao gồm:

- Cục điện Nam – Bắc triều (mâu thuẫn giữa nhà Lê với nhà Mạc).

- Cục diện Đảng Trong – Đảng Ngoài (mâu thuẫn Trịnh – Nguyễn).

- Cục diện vua Lê – chúa Trịnh.

Triều Lê sơ thực hiện cải cách hành chính là do Lê Thánh Tông thực hiện từ những năm 60 của thế kỉ XV.

Chọn: A

II. TỰ LUẬN

Phương pháp: sgk Lịch sử 10 trang 107, 108, suy luận.

Cách giải:

* Nguyên nhân của chiến tranh Nam - Bắc triều:

- Không chấp nhận chính quyền của họ Mạc, một số quan lại cũ của nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim đã họp quân, nêu danh nghĩa “Phù Lê diệt Mạc” nổi dậy ở vùng Thanh Hóa.

- Thành lập một nhà nước mới gọi là Nam triều để đối lập với họ Mạc ở Thăng Long - Bắc triều.

=> Năm 1545, chiến tranh Nam - Bắc triều bùng nổ.

* Nguyên nhân chiến tranh Trịnh - Nguyễn:

- Sau khi Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm tiếp tục sự nghiệp “Phù Lê diệt Mạc”. Để thao túng quyền lực vào tay họ Trịnh, Trịnh Kiểm tìm cách loại trừ phe cánh họ Nguyễn. Lo sợ trước tình hình đó Nguyễn Hoàng (con thứ của Nguyễn Kim) xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

- Tại Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng xây dựng cơ nghiệp của họ Nguyễn, trở thành thế lực cát cứ ở Đàng Trong, dần tách khởi sự lệ thuộc với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

=> Năm 1627, lo sợ thế lực họ Nguyễn lớn mạnh, chúa Trịnh đem quân đánh vào Thuận Hóa, chiến tranh Trịnh - Nguyễn bùng nổ.



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến