Cây lúa trong đời sống người Việt Nam ( Bài 8 )
Nói đến đời sống người Việt Nam thì chúng ta không thể không nghĩ tới cây lúa. Cây lúa đã gắn bó với cuộc sống của chúng ta biết bao thế hệ. Cho đến tận bây giờ, cây lúa vốn rất quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam.
Nói đến đời sống người Việt Nam thì chúng ta không thể không nghĩ tới cây lúa. Cây lúa đã gắn bó với cuộc sống của chúng ta biết bao thế hệ. Cho đến tận bây giờ, cây lúa vốn rất quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam.
Cây lúa không chỉ đem lại cho chúng ta giá trị tinh thần to lớn mà còn đem lại lợi ích về đời sống vật chất.
Cây lúa có hình dáng nhỏ bé, thon, dài. Mới đầu, cây lúa chỉ dài khoảng một gang tay, khoác trên mình một lớp áo xanh mướt. Lúc đó người ta gọi cây lúa là mạ. Lớn hơn một chút, cây lúa cao hơn một chút và lúc bấy giờ, lớp áo khoác xanh đó trở nên óng ả hơn. Lá lúa nhỏ nhưng rất dẻo dai. Khi đến mùa gặt, bông lúa nặng trĩu phô ra lớp áo vàng mượt. Hình dáng cây lúa thẳng song mềm mại. Ở bất cứ nơi đâu, dù ở đồng bằng hay trên nương rẫy và cao nguyên, chúng ta cũng có thể trồng lúa. Đâu đâu, ta cũng thấy cây lúa gắn liền với nước. Có lẽ bởi thế mà người thường gọi nền văn minh của chúng ta là nền văn minh lúa nước chăng?
Ngày nay, người nông dân luôn phải chăm chút cho cây lúa, gắn bó với cây lúa như một người bạn không thể thiếu trong cuộc sống. Hiện nay, Việt Nam đang là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Nói chung, cây lúa đã đem lại cho chúng ta nguồn lương thực dồi dào và nguồn hàng xuất khẩu lớn, làm giàu cho đất nước.
Hàng ngày, khi được ăn những bát cơm dẻo, thơm, chúng ta không thể không cảm thấy cái vị ngon, dẻo của những hạt gạo, vị thơm của đất, của gió và trong đó cũng có một phần là công sức của người nông dân. Từ những hạt gạo đó, chúng ta còn có thể chế biến ra những món ăn thơm ngon. Lúa non qua quá trình chế biến đã trở thành một thức ăn đặc sản của người dân đất Hà thành mỗi khi thu sang, đó là cốm. Món cốm mà làng Vòng làm ra đã nổi tiếng khắp nơi, là món quà quê dân dã và độc đáo mỗi khi thu về.
Cây lúa không chỉ đem lại cho chúng ta những lợi ích về vật chất mà còn đem lại cho chúng ta những lợi ích về đời sống tinh thần. Từ xa xưa đến nay, cây lúa luôn là biểu tượng cho nền văn minh lúa nước của người Việt Nam. Ngay cả trong quốc huy của nước Việt Nam, ta cũng có thể thấy biểu tượng của những bông lúa bao quanh. Chỉ với cây lúa mà nền văn hoá ẩm thực ra đời. Cây lúa đà cung cấp cho chúng ta bánh chưng, bánh giầy để cúng lễ trời đất, tổ tiên vào ngày Tết. Chính vì thế mà nhiều lễ hội với nhiều món ăn cổ truyền từ cây lúa xuất hiện trên khắp Việt Nam. Nó đã quen thuộc với nhiều lễ hội như lễ tế Thần Nông, ngày giỗ Tổ, ngày bánh trôi, bánh chay... Qua đó, chúng ta đã thấy cây lúa có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cùa người dân Việt Nam. Nhân dân ta đã đề cao hình tượng cây lúa ngay cả trong thơ ca. Từ lâu chúng ta đã biết đến bài hát Hạt gạo làng ta được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ngay cả bài ca dao cổ cũng cho ta thấy rõ vai trò quan trọng của cây lúa:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!
Đó chính là tình cảm của con người Việt Nam dành cho cây lúa - một cây lương thực đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống người Việt Nam.
Cây lúa đóng vai trò quan trọng trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Cho dù chúng ta có đi bất cứ nơi đâu thì cũng không thể quên được hương vị dẻo thơm của lúa. Mặc dù nền công nghiệp đang ngày càng phát triển nhưng có lẽ nền văn minh lúa nước sẽ còn tồn tại mãi nơi đây.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Cây lúa trong đời sống người Việt Nam ( Bài 8 ) timdapan.com"