Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính.

Tương tư là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Bính. Bài thơ viết về đề tài khá quen thuộc trong đời sống và văn chương: sự tương tư, tức một trạng thái tình cảm nam nữ khi yêu nhau, ...


       Tương tư là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Bính. Bài thơ viết về đề tài khá quen thuộc trong đời sống và văn chương: sự tương tư, tức một trạng thái tình cảm nam nữ khi yêu nhau, hoặc phải xa cách, hoặc không được đáp lại. Nhà thơ lại sáng tác bằng thể thơ cũng rất quen thuộc - lục bát.

       Song, để bài thơ có thể sống dài lâu trong lòng bạn đọc không phải là chuyện dễ. Tương tư của Nguyễn Bính vừa có vẻ thân quen như một làn điệu dân ca khiến bao người thuộc lòng. Thậm chí trở thành một bài hát ru em, vừa mang tâm tình mới của thanh niên thời bấy giờ. Nói cách khác, Tương tư cũng như rất nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính trước năm 1945, đậm đà chất dân tộc, trong điệu tâm hồn, cả trong lối diễn đạt, nhưng lại là tiếng thơ của một thời đại mới. Vì thế, khi bình giảng cần biết rằng Tương tư là nỗi nhớ, là tâm trạng của một chàng trai đối với một cô gái. Cô gái ấy vô tình, hay hữu ấy không biết nỗi lòng ấy. Tình cảm của chàng trai rất đỗi tha thiết. Tương tư là một thứ bệnh của tình yêu. Chàng trai ấy đang mang bệnh đó. Anh ta buồn, anh ta nhớ, anh ta thao thức và cả trách móc nữa. nhưng là sự trách móc của một người đang yêu nên cũng rất đáng yêu:

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi

Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

       Khi bình giảng lại lần theo tâm trạng đó. Tuy nhiên, không phải là sự diễn xuôi, kể lại (vì có gì đáng kể đâu) mà để thấy từng cung bậc tình cảm trong trái tim chàng trai đang tương tư.

       Tương tư là bài thơ tình yêu, bài thơ diễn tả nỗi tương tư. Thành công của nó ở chỗ bao tâm hồn đã tìm thấy ở đó sự đồng điệu, tiếng thơ. Điều này tưởng chừng bình thường, đơn giản, song thật ra không phải ai cũng làm được. Nhiều bài thơ tuy rất hay, rất nổi tiếng, nhưng người ta nhận ra trước hết đó là nỗi lòng rất đơn chiếc của một người, và nếu có chỉ là tiếng lòng rất người, một bộ phận tương đối hẹp nào đó. Chẳng hạn:

     Ai bảo em là giai nhân

 Cho đời anh sầu khổ

         Ai bảo em ngồi bên cửa sổ

         Cho vướng víu nợ thi nhân.

                                                                               (Lưu Trọng Lư - Một mùa đông)

Hoặc:

     Chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng

 Mà sầu trong dạ đã mang mang

    Tình yêu như bóng trắng hiu quạnh

       Lạnh lẽo đêm trường, giãi gió sương.

                                                                                (Lưu Trọng Lư - Một chút tình)

       Thơ Nguyễn Bính, ở Tương tư, cũng như nhiều bài thơ khác, không phải vậy. Rất đông thanh niên, nhất là những người bình thường, thời bây giờ và sau đó nữa, tìm thấy sự đồng điệu ở thơ ông. Có được như vậy, trước hết là do thơ Nguyễn Bính có nhiều hình ảnh quen thuộc của thế giới ruộng đồng, dân dã (ở bài thơ này là bướm, hoa, thôn Đoài, thôn Đông, đình làng, bến đò, hàng cau, giàn trầu...) Dường như tiếng nói trong thơ Nguyễn Bính được cất lên từ chính thế giới thân thuộc đó, là một phần của thế giới ấy, chứ không là sự vay mượn. Thành ra lối diễn đạt cũng thế. Nó mang dáng vẻ mộc mạc, chân thành, bình dị (Ngày qua ngày lại qua ngày/ Bao giờ bến mới gặp đò?/ Nhà em có một giàn giần..) Và dĩ nhiên, đây là hình thức thể hiện của một ai khác, sâu xa hơn, ở thơ Nguyễn Bính, đó chính là chân quê, hồn quê thấm đẫm trong tâm hồn nhà thơ. Chính cái tình, cái hồn ấy làm nên sự quen thuộc, gần gũi và thân thiết của thơ Nguyễn Bính đối với bao người Việt Nam, dù ở bất cứ thời đại nào.

 



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến