Bài tập cuối tuần Tiếng Việt 5 tuần 34 - Đề 1 (Có đáp án và lời giải chi tiết)

Bài tập cuối tuần 34 - Đề 1 bao gồm các bài tập chọn lọc với dạng bài tập đọc hiểu và trả lời câu hỏi giúp các em ôn tập lại kiến thức về tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn đã được học trong tuần


Đề bài

Câu 1: Đọc lại truyện Lớp học trên đường và cho biết: Lớp học của Rê-mi có gì ngộ nghĩnh?

1. Lớp học là

a. Những mảnh gỗ mỏng khắc chữ

2. Học sinh là

b. Con đường

3. Sách là

c. Mặt đất

4. Giấy viết là

d. Cậu bé Rê-mi và chú chó Ca-pi

5. Bút là

e. Cụ Vi-ta-li, chủ một gánh xiếc rong

6. Thầy giáo là

f. Những chiếc que dùng để vạch chữ trên đất

 

Câu 2: Đọc lại truyện Lớp học trên đường và hãy tìm những chi tiết cho thấy Rê-mi là một cậu bé rất hiếu học?

a) Lúc nào trong túi Rê-mi cũng đầy những miếng gỗ dẹp, chẳng bao lâu Rê-mi đã thuộc tất cả các chữ cái

b) Rê-mi rủ các bạn nhỏ trong nhóm xiếc cùng nhau học tập và giúp đỡ nhau

c) Bị thầy chê trách, “Ca-pi sẽ biết đọc trước Rê-mi”, từ đó, Rê-mi không dám sao nhãng một phút nào nên ít lâu sau đã đọc được

d) Mỗi chữ không nhớ hoặc không hiểu, Rê-mi đều hỏi lại thầy một cách cặn kẽ

e) Khi thầy hỏi có thích học nhạc không, Rê-mi đã trả lời rằng đấy là điều con thích nhất

 

Câu 3: Tranh vẽ của các bạn nhỏ trong bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ em có gì ngộ nghĩnh?

 

Câu 4: Em hiểu ba dòng cuối như thế nào?

     “Nếu trên trái đất này, trẻ con biến mất

      Thì bay hay bò

      Cũng vô nghĩa như nhau”

A. Người lớn làm mọi thứ vì trẻ em, trẻ em là tương lai của thế giới, nếu như không có trẻ em thì mọi hoạt động đều là vô nghĩa

B. Mọi trẻ em sinh ra trên trái đất này đều phải biết bò trước khi biết đi

C. ước mong các bạn nhỏ sau này sẽ bay thật cao, thật xa trên những con đường mà mình đã chọn

D. Trái đất sẽ vô nghĩa nếu như trẻ em không được học bò, học đi

 

Câu 5: Gạch chân dưới bộ phận thứ hai trong tên các cơ quan, đơn vị sau

a. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Huyện Đông Hưng

b. Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Hải Dương

 

Câu 6: Em điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn thành tên các tổ chức, cơ quan sau

a. ……….. Khoa học Lịch sử Việt Nam

b. ……….. Xây dựng khu nhà ở tái định cư

c. ………. Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo

d. …………. Hội nghị Quốc gia Mĩ Đình – Hà Nội

(Từ gợi ý: Dự án, Viện, Trung tâm, Vụ)

 

Câu 7: Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi  đã trở thành những quy định nào trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà em vừa được học?

A. Điều 15

B. Điều 16

C. Điều 17

D. Điều 21

 

Câu 8: Đâu  không phải là bổn phận của trẻ em?

A. Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

B. Chăm chỉ học tập

C. Được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe

D. Giúp đỡ những người gặp khó khăn theo khả năng của mình

 

Câu 9: Em hãy nối các câu ở bên phải với tác dụng của dấu gạch ngang tương ứng ở bên trái:

Tác dụng

Câu

a. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

1. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái vua Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao.

b. Đánh dấu phần chú thích trong câu

2. Chú hề vội tiếp lời:

- Tất nhiên rồi. Khi một con hươu mất sừng, cái sừng mới sẽ mọc ra. Sau khi đêm thay thế cho ngày, ngày lại thế chỗ của đêm.

c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê

3. Những việc cần làm trong ngày:

- Nấu cơm

- Giặt quần áo

- Rửa bát

- Hoàn thành bài tập

 

Câu 10: Viết đoạn văn (5-7 câu) tả một người bạn mà em yêu mến trong lớp.

Lời giải chi tiết

Câu 1:

1 – b: Lớp học là - Con đường

2 – d: Học sinh là - Cậu bé Rê-mi và chú chó Ca-pi

3 – a: Sách là - Những mảnh gỗ mỏng khắc chữ

4 – c: Giấy viết là - Mặt đất

5 – f : Bút là -  Những chiếc que dùng để vạch chữ trên đất

6 – e: Thầy giáo là - Cụ Vi-ta-li, chủ một gánh xiếc rong

Câu 2:

Những chi tiết cho thấy Rê-mi là một cậu bé rất hiếu học đó là:

- Lúc nào trong túi Rê-mi cũng đầy những miếng gỗ dẹp, chẳng bao lâu Rê-mi đã thuộc tất cả các chữ cái

- Bị thầy chê trách, “Ca-pi sẽ biết đọc trước Rê-mi”, từ đó, Rê-mi không dám sao nhãng một phút nào nên ít lâu sau đã đọc được

- Khi thầy hỏi có thích học nhạc không, Rê-mi đã trả lời rằng đấy là điều con thích nhất

Câu 3:

Nét vẽ ngộ nghĩnh của các bạn nhỏ chứa đựng vô cùng nhiều điều sâu sắc: Vẽ nhà du hành vũ trụ đầu rất to, các bạn có ý nói anh rất thông minh. Vẽ đôi mắt to chiếm nửa già khuôn mặt, trong đôi mắt chứa đựng một nửa số sao trời, các bạn muốn nói ước mơ chinh phục các vì sao của anh rất lớn. Vẽ cả thế giới khăn quàng đỏ, các anh hùng chỉ là những đứa trẻ lớn hơn, các bạn thể hiện mong muốn người lớn gần gũi với trẻ em, hoặc người lớn như trẻ em…

Câu 4:

Ý nghĩa của ba câu thơ cuối bài:

   “Nếu trên trái đất này, trẻ con biến mất

    Thì bay hay bò

    Cũng vô nghĩa như nhau”

Người lớn làm mọi thứ vì trẻ em, trẻ em là tương lai của thế giới, nếu như không có trẻ em thì mọi hoạt động đều là vô nghĩa

Đáp án đúng: A.

Câu 5:

a. Trung tâm / Giáo dục Thường xuyên / Huyện Đông Hưng

-> Giáo dục Thường xuyên là bộ phận thứ hai

b. Ủy ban / Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình / Hải Dương

-> Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình là bộ phận thứ hai

Câu 6:

a. Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam

b. Dự án Xây dựng khu nhà ở tái định cư

c. Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo

d. Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mĩ Đình – Hà Nội

Câu 7:

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi  đã trở thành điều số 21: Bổn phận của trẻ em, trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà em vừa được học

Đáp án đúng: D. Điều 21

Câu 8:

Bổn phận của trẻ em là:

- Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

- Chăm chỉ học tập

- Giúp đỡ những người gặp khó khăn theo khả năng của mình

Câu C. Được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là quyền của trẻ em chứ không phải bổn phận

Đáp án đúng: C.

Câu 9:

1 – b: Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái vua Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao.

-> Tác dụng: Đánh dấu phần chú thích trong câu.

2 – a: Chú hề vội tiếp lời:

- Tất nhiên rồi. Khi một con hươu mất sừng, cái sừng mới sẽ mọc ra. Sau khi đêm thay thế cho ngày, ngày lại thế chỗ của đêm.

-> Tác dụng: Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại

3 – c: Những việc cần làm trong ngày:

- Nấu cơm

- Giặt quần áo

- Rửa bát

- Hoàn thành bài tập

-> Tác dụng: Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê

Đáp án đúng: 1->b, 2->a, 3->c

Câu 10:

             Người mà em vô cùng yêu mến trong lớp là Minh Anh. Minh Anh là cô bạn thân ở gần nhà em, chúng em gặp nhau lần đầu tiên là ở lớp mẫu giáo. Cô bạn có vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn. Mái tóc đen và nước da trắng hồng. Mỗi lần Minh Anh nói chuyện là hai bím tóc lại lí lắc theo từng chuyển động của bạn. Thật đáng yêu! Bạn ấy rất hoạt ngôn, hay nói hay cười khiến ai ở bên cạnh bạn ấy đều cảm thấy vô cùng vui vẻ. Em cảm thấy rất vui và may mắn khi quen biết một người bạn tốt như Minh Anh.