Bài tập cuối tuần Tiếng Việt 5 tuần 10 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết)
Bài tập cuối tuần 10 - Đề 2 bao gồm các bài tập chọn lọc với dạng bài tập đọc hiểu và trả lời câu hỏi giúp các em ôn tập lại kiến thức về tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn đã được học trong tuần
Đề bài
A. Kiểm tra Đọc
I/ Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)
(1) Thư gửi học sinh (từ Trong công cuộc đến kết quả tốt đẹp)
TLCH : Học sinh có nhiệm vụ gì trong công cuộc xây dựng đất nước?
(2) Sắc màu em yêu (4 khổ thơ cuối)
TLCH : Bài thơ nói lên điểu gì về tình cảm của bạn nhỏ với quê hương đất nước ?
(3) Những con sếu bằng giấy (từ Khi Hi-rô-si-ma bị nớn bom đến gấp được 644 con.)
TLCH : Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì ?
(4) Kì điệu rừng xanh (từ Sau một hồi đến thế giới thần bí.)
TLCH : Vì sao rừng khộp được gọi là "giang sơn vàng rợi” ?
II/ Đọc hiểu
Thu vàng diễm lệ ở En-giơ-lân
Cứ mỗi độ thu sang, người dân ở khắp nơi lại đổ về Niu En-giơ-lân để chiêm ngưỡng vẻ đẹp diễm lệ của mùa thu vàng nơi đây. Với địa hình đồi núi đa dạng tiêu biểu cho vùng Đông bắc, mùa thu Niu En-giơ-lân đẹp hơn bất cứ nơi đâu trên nước Mĩ. Nó trở thành miền đất ước ao được một lần đặt chân của những du khách yêu thích khám phá sự kì diệu của thiên nhiên.
Dưới bầu trời trong xanh là những ngọn đồi, núi, cao thấp nhấp nhô, trập trùng với muôn màu sắc. Màu vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ thẫm, đỏ tươi... như thắp lửa toả sáng rực rỡ nổi bật giữa sắc xanh của những cây không rụng lá về mùa đông. Những con đường mềm mại uốn lượn từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Bên đường là những ngôi nhà xinh xắn ẩn hiện dưới vòm lá đủ màu cùng với dòng xe đi lại tấp nập làm cho khung cảnh En-giơ-lân trở nên rất sống động. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy màu của lá. Lá rực rỡ trên cây, lá rải thảm ở dưới đất, trên những vỉa hè ở đường phố, trên những con đường trong công viên.
Khi tất cả những chiếc lá ở trên cây đồng loạt chuyển màu, ấy là lúc mùa lá vàng đã vào thời kì đỉnh điểm. Tất cả cùng bừng sáng, lung linh sắc màu huyền ảo để chỉ sau đó vào hôm, tất cả sẽ rụng xuống còn trơ cành để chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh lẽo cùng tuyết trắng. Đó cũng là thời điểm mọi người nô nức rủ nhau đi ngắm lá vàng. Những dòng xe nối đuôi nhau trên những con đường men theo đồi núi... Phong cảnh hiện ra trước khung cửa xe như những thước phim sống động: Những cánh rừng, những quả đồi rực rỡ sắc vàng, sắc đỏ... những con suối trong vắt soi bóng lá êm đềm chảy ôm lấy chân đồi... Và tuyệt vời hơn cả là khi bạn dừng chân trên đỉnh núi cao nhất trong vùng mà ngắm nhìn xung quanh, ngắm nhìn thung lũng... Một bức tranh sắc màu trải rộng mênh mông: vàng, vàng nhạt, da cam, đỏ, đỏ tươi, đỏ thẫm, xanh, xanh nhạt, xanh biếc... xen lẫn nhau tạo nên biển màu nhấp nhô ngàn trùng sóng. Lúc này, bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp tuyệt vời của mùa thu nơi đây.
(Theo Thu Hiền)
Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
1. Bài văn thuộc bài miêu tả nào em đã học?
a - Tả cây cối
b - Tả con vật
c - Tả cảnh
2. Vì sao nhiều du khách ước ao được một lần đặt chân đến Niu En-giơ-lân
a - Vì địa hình đồi núi đa dạng, mùa thu đẹp nhất nước Mĩ
b - Vì đường đến nơi đó vô cùng hiểm trở, nhiều thử thách
c - Vì địa hình tiêu biểu cho vùng Đông bắc của nước Mĩ
3. Ở đoạn 2 ("Dưới bầu trời...” đến “...trong công viên"), tác giả sử dụng những từ ghép nào để miêu tả màu sắc mùa thu ở En-giơ-lân?
a - Vàng nhạt, vàng rực, đỏ tươi, trong xanh, sống động
b - Vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ tươi, đỏ thẫm
c - Vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ thẫm, trong xanh
4. Trong đoạn 3 ("Khi tất cả...” đến “....mùa thu nơi đây"), hình ảnh nào cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời của mùa thu En-giơ-lân?
a - Những chiếc lá trên cây đồng loại chuyển màu
b - Những con suối trong vắt soi bóng lá êm đềm chảy
c - Một biển màu nhấp nhô ngàn trùng sóng.
5. Cụm từ nào dưới đây phù hợp nhất với mùa thu vàng ở En-giơ-lân?
a- Diễm lệ, rực rỡ, sống động, đa sắc màu
b- Diễm lệ, rực rỡ, đẹp tuyệt vời, đa dạng
c- Diễm lệ, rực rỡ, xinh đẹp, đa sắc màu
6. Dòng nào dưới đây gồm 3 từ đồng nghĩa với từ vàng rực?
a- Vàng tươi, vàng mượt, vàng bạc
b- Vàng tươi, vàng ròng, vàng mượt
c- Vàng óng, vàng tươi, vàng mượt
7. Dòng nào dưới đây có các từ in nghiêng là từ đồng âm?
a - lá cây / lá phổi
b - bức tranh - tranh nhau
c - chân đi dép / chân đồi
8. Dòng nào dưới đây có các từ in nghiên là từ nhiều nghĩa?
a - cánh đồng / pho tượng đồng
b - con đường / cân đường trắng
c - ngọn lửa hồng / quả hồng
9. Đoạn 1 ("Cứ mỗi độ thu sang đến của thiên nhiên") có mấy câu sử dụng trạng ngữ? (Gạch dưới bộ phận trạng ngữ trong câu.)
a- Một câu
b- Hai câu
c- Ba câu
10. Câu "Những dòng xe nối đuôi nhau trên những con đường men theo đồi núi" thuộc kiểu câu nào em đã đọc?
a - Ai làm gì?
b - Ai thế nào?
c - Ai là gì?
B. Kiểm tra viết
I/ Chính tả nghe - viết
Bình minh hương
Nơi thành phố, bình minh dậy, thế nào cũng phải qua cơn ngái ngủ, ánh sáng tán quang, tia mặt trời còn bị vương chưa vào thấu. Trên sân thượng nhìn ra, chỉ có thể gặp tia nhài quạt hắn lên như ánh đèn pha đọng thành quầng lan toả rồi sáng. Tiếng chim bói ca không ra, gà lục cục, loáng thoáng gáy ồ ồ, chìm vào động cơ ào ào ầm ầm. Bấy giờ mới thèm sao buổi bình minh đầy hương sắc và âm thanh trong trẻo - bình minh hương.
(Theo Phong Thu)
Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để viết chính tả trên giấy kẻ ô li.
II - Tập làm văn (5 điểm)
Tả một cảnh đẹp quê hương mà em yêu thích. (Bài viết khoảng 15 câu)
(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li)
Lời giải chi tiết
A. Kiểm tra Đọc
I/ Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi
(1) Nhiệm vụ của học sinh trong công cuộc xây dựng đất nước:
- Cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn.
- Lớn lên xây dựng đất nước, đưa dân tộc bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.
(2) - Tình cảm của bạn nhỏ đối với quê hương, đất nước
Vì các sắc màu đều gắn với những sự vật, những cảnh, những con người mà bạn nhỏ yêu quý. Nên bạn nhỏ yêu những màu đó cũng là yêu quê hương, đất nước.
(3) Câu chuyện muốn nói với chúng ta rằng chiến tranh luôn đem tới những điều đau thương cho con người. Đồng thời cũng nói lên khát vọng sống, khát vọng hòa bình của trẻ em trên toàn thế giới.
(4) Rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi” vì: có sự phối hợp của rất nhiều sắc vàng trong một không gian rộng lớn. Lá vàng như cảnh mùa thu ở trên cây và rải thành thảm dưới gốc, những con mang có màu lông vàng, nắng cũng rực vàng,…
II/ Đọc hiểu
1. Bài văn thuộc bài miêu tả cảnh mà em đã được học.
Chọn đáp án: c
2. Nhiều du khách ước ao được một lần đặt chân đến Niu En-giơ-lân là bởi vì: địa hình đồi núi đa dạng, mùa thu đẹp nhất nước Mĩ.
Chọn đáp án: a
3. Ở đoạn 2 (“Dưới bầu trời...” đến “...trong công viên”) tác giả sử dụng những từ ghép để miêu tả màu sắc mùa thu ở En-giơ-lân đó là: vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ tươi, đỏ thẫm.
Chọn đáp án: b
4. Trong đoạn 3 (“Khi tất cả...” đến “mùa thu nơi đây”) hình ảnh cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời của mùa thu En-giơ-lân đó là: Một biển màu nhấp nhô ngàn trùng sóng.
Chọn đáp án: c
5. Cụm từ phù hợp nhất với mùa thu vàng En-giơ-lân đó là: Diễm lệ, rực rỡ, sống động, đa sắc màu.
Chọn đáp án: a
6. Dòng gồm 3 từ đồng nghĩa với từ vàng rực đó là: vàng óng, vàng tươi, vàng mượt
Chọn đáp án: c
7. Dòng có chứa các từ in nghiêng là từ đồng âm là: bức tranh - tranh nhau
- Bức tranh: (danh từ) chỉ tác phẩm được người ta vẽ lên từ những vật mẫu, khung cảnh,... có săn hoặc vẽ theo trí tưởng tượng.
- Tranh nhau (động từ): Hành động đấu tranh, giành giật để đạt được một điều gì đó về mình.
Chọn đáp án: b
8. Dòng có chứa các từ in nghiêng là từ nhiều nghĩa đó là: ngọn lửa hồng - quả hồng
- Ngọn lửa hồng: ánh sáng phát ra khi người ta dùng lửa đốt một vật nào đó, thường có màu đỏ hồng.
- Quả hồng: Trái cây có màu đỏ hồng
Chọn đáp án: c
9. Trong đoạn 1, có 2 câu có trạng ngữ, đó là:
Cứ mỗi độ thu sang, người dân ở khắp nơi lại đổ về Niu En-giơ-lân để chiêm ngưỡng vẻ đẹp diễm lệ của mùa thu vàng nơi đây.
Với địa hình đồi núi đa dạng tiêu biểu cho vùng Đông bắc, mùa thu Niu En-giơ-lân đẹp hơn bất cứ nơi đâu trên nước Mĩ.
Chọn đáp án: b
10. Câu”Những dòng xe nối đuôi nhau trên những con đường men theo đồi núi” thuộc kiểucâu Ai thế nào?
Chọn đáp án: b
B. Kiểm tra viết
I/ Chính tả nghe - viết
II/ Tập làm văn
Quê hương em có con sông Bắc Hưng Hải, mỗi lần đi đâu xa trở về em đều muốn quay trở lại nơi này.
Nhìn từ trên cao, con sông giống như một tấm vải dài, uốn lượn quanh co, hiền hòa. Dòng sông mang màu nâu đục, chở nặng phù sa vào tưới tiêu cho đồng ruộng. Hai bên bờ sông là hai hàng cây xanh mướt, rợp bóng mát. Phía xa xa là nhà cửa, làng mạc lấp ló sau những rặng cây. Sáng sớm, khi mà mặt trời bắt đầu rục rịch cựa mình sau những đám mây, hai hàng cây hãy còn phủ mình trong sương sớm, thảm cỏ phía dưới còn đẫm những hạt sương đêm, dòng sông đã bắt đầu chảy trôi hiền hòa. Khi mặt trời ló rạng, chim chóc trên từng cành cây bắt đầu ríu rít hót líu lo báo hiệu một ngày mới. Con người cũng xuất hiện hòa mình vào cuộc sống thường ngày. Buổi trưa đến dòng sông lại trở về với sự yên ả hiếm thấy. Ánh nắng chói chang chiếu xuống lòng sông như được trải một lớp bạc. Đứng từ trong những bóng cây râm mát nhìn ra thật sự có chút chói mắt. Gió từ đâu thổi vi vu vào từng cành cây, ngọn cỏ mang theo hơi thở sông nước. Chiều đến cả khúc sông lại nhộn nhịp bởi những hoạt động thường ngày của con người. Vài chiếc thuyền trên sông qua lại kéo theo cả vài cánh bèo trôi theo. Tối đến khi màn đêm buông xuống, dòng sông lại trở về với vẻ tĩnh mịch vốn có. Chỉ còn nghe thấy tiếng sáo thanh thanh trong đêm như ca bài ca yêu cuộc sống hơn sau mỗi ngày vất vả.
Nhịp sống mỗi ngày vẫn như vậy nhưng dù có đi đâu xa em vẫn luôn nhớ về con sông quê hương, nhớ từng nhành cây, ngọn cỏ nơi này, nhớ cả những con người bé nhỏ với nhịp sống thầm lặng mà hối hả ở nơi đây.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài tập cuối tuần Tiếng Việt 5 tuần 10 - Đề 2 (Có đáp án và lời giải chi tiết) timdapan.com"