Bài 3: Ca dao về lễ hội trang 125 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Chân trời sáng tạo

Chia sẻ với bạn về một lễ hội truyền thống mà em biết hoặc đã từng tham dự.


Khởi động

Trả lời câu hỏi khởi động trang 125 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Chia sẻ với bạn về một lễ hội truyền thống mà em biết hoặc đã từng tham dự.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại một lẽ hội truyền thống mà em biết hoặc đã từng tham dự và chia sẻ.

Gợi ý:

- Đó là lễ hội gì?

- Lễ hội đó diễn ra như thế nào?

- Cảm xúc của em ra sao?

Lời giải chi tiết:

Mỗi vùng đất đều có một phong tục tập quán riêng. Và các lễ hội cũng vậy, không vùng nào giống vùng nào. Như thế mới tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đó. Tháng Giêng năm ngoái em có dịp được đi Hải Phòng và xem lễ hội Chọi trâu. Đây là lần đầu tiên em được chứng kiến cảnh chọi trâu đầy ấn tượng như thế này.

Lễ hội Chọi trâu không phải vùng nào cũng có, ở quê em không có lễ hội này. Ở Hải Phòng, lễ hội Chọi trâu được diễn ra vào mùa xuân. Vì đây là thời điểm mọi người có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi tham gia các lễ hội dành cho mùa xuân.

Ở đây người dân chuẩn bị một cái sân thật to và thật rộng, hai làng sẽ chuẩn bị hai con trâu khỏe nhất mang ra chọi nhau. Khi con trâu nào ngã quỵ trước là thua cuộc và ngược lại. Hai con trâu chọi có màu đen thẫm, làn da bóng nhẫy nhìn rất khỏe khoắn và đầy sức mạnh. Hai đôi mắt long lanh của hai chú trâu cứ nhìn chằm chằm vào nhau.

Hai con trâu bắt đầu tiến gần lại với nhau, chân đạp đạp xuống đất và mũi không ngừng thở. Sừng trâu cong vút lên, khỏe mạnh và hình như chúng đang chuẩn bị tâm thế để bước vào cuộc chiến gay go, ác liệt nhất. Hai chú trâu cứ thế lao vào nhau, sừng cọ nhau, húc nhau và xô đẩy nhau không phân thắng bại.

Xung quanh tiếng hò hét của những người dân khiến cho không khí của lễ hội chọi trâu trở nên náo nhiệt và vui vẻ hơn bao giờ hết. Hai chú trâu đang hì hục chiến đấu ở trên sân nền cỏ, chân của chúng làm cho những đám bỏ bị bật gốc trơ trọi ở trên mặt đất. Thi thoảng chú trâu kia húc mạnh chú trâu này khiến cho chân của trâu bị lún xuống một hố nông nhưng cũng đủ khiến cho người xem cảm thấy trận chiến đang diễn ra ác liệt.

Chú trâu làng bên vì có sức khỏe dai và mạnh hơn nên đã húc chú trâu làng bạn một cái. Nhưng may sao chú trâu kia có sức kháng cự nên bật lại. Cả hai chú vẫn đang khiến người xem thót tim không biết bao nhiêu lần. Nhưng cuối cùng chú trâu to con hơn của làng bên đã làm ngã khuỵu chú trâu còn lại và kết quả lễ hội chọi trâu đã được công bố. Em rất ấn tượng với lễ hội này ở Hải Phòng.


1

Trả lời câu hỏi 1 bài đọc trang 127 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Đọc các bài ca dao: 

Ca dao về lễ hội

1. Ai về Phú Thọ cùng ta,

Vui ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng mười.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ về Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba.

 

2. Ai là con cháu Rồng Tiên,

Tháng Hai mở hội Trường Yên thì về.

Về thăm đất cũ Đinh Lê,

Non xanh, nước biếc bốn bề như xưa.

3. Năm làng bắt mái chèo bơi

Chèo từ làng Phú tới nơi làng Hồng

Nước lên như cánh chim tung

Năm làng năm lá cờ chong một lèo

Trên bờ trắng thúc người reo

Dưới sông “dô huậy" tay chèo lanh lanh.

 

4. Vui gì bằng lễ Nghinh Ông

Đèn hoa, pháo nổ ngập sông ánh trời.

 

5. Ai và Châu Đốc đừng quên

Nhớ vào Bảy Núi mà xem đua bò.

                                             Ca dao Việt Nam

• Năm làng (Phú Văn, Đắc Châu, Thọ Sơn, Yên Tân, Mỹ Châu): các làng thuộc xã Thiệu Châu (nay là xã Tân Châu), huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Ngày xưa, năm làng có hội bơi thuyền trên sông Chu.

• Làng Hồng (làng Hồng Đô): làng thuộc xã Thiệu Đô (nay là thị trấn Thiệu Hoá), huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

• Chong: để ở vị trí sẵn sàng, hướng thẳng về một mục tiêu nào đó.

• Một lèo: một mạch.

• Do huậy: tiếng hồ theo nhịp của đông người để khích lệ, tạo sức mạnh.

• Lanh lanh: nhanh nhanh.

 

 

Hai bài ca dao đầu tiên nói về những lễ hội nào? Mỗi lễ hội này gợi cho em nhớ về những vị vua nào?


Phương pháp giải:

Em đọc kĩ hai bài ca dao đầu tiên để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Bài ca dao 1 nói về lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Gợi em nhớ về vua Hùng.

Bài ca dao 2 nói về lễ hội Trường Yên. Gợi em nhớ về vua Đinh, vua Lê.


2

Trả lời câu hỏi 2 bài đọc trang 127 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Hội đua thuyền trong bài ca dao 3 được tổ chức ở đâu? Cuộc đua được mô tả có gì thú vị?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài ca dao 3 để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Hội đua thuyền trong bài ca dao 3 được tổ chức ở tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc đua được mô tả:

- Năm làng bắt mái chèo bơi

Chèo từ làng Phú tới nơi làng Hồng

- Trên bờ trắng thúc người reo

- Dưới sông “dô huậy" tay chèo lanh lanh.


3

Trả lời câu hỏi 3 bài đọc trang 127 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Lễ Nghinh Ông được miêu tả như thế nào? Lễ này thường được tổ chức ở những vùng miền nào của nước ta?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài ca dao 4 để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Lễ Nghinh Ông được miêu tả: Đèn hoa, pháo nổ ngập sông ánh trời.

Lễ này thường được tổ chức ở những vùng miền ven biển Việt Nam từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm cả Phú Quốc).


4

Trả lời câu hỏi 4 bài đọc trang 127 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Hội đua bò được tổ chức ở đâu? Quan sát tranh, nói 1 – 2 câu về không khí ngày hội.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài ca dao 5 để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Hội đua bò được tổ chức ở Quan tỉnh An Giang.

Không khí ngày hội: Ngày hội rất đông vui, náo nhiệt.


5

Trả lời câu hỏi 5 bài đọc trang 127 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Những lễ hội được nói đến trong bài đọc giúp em hiểu thêm điều gì về đất nước, con người Việt Nam?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Những lễ hội được nói đến trong bài đọc giúp em hiểu đất nước, con người Việt Nam rất giàu truyền thống văn hóa.

* Học thuộc lòng 3 – 4 bài ca dao em thích.


Đọc mở rộng

Trả lời câu hỏi Đọc mở rộng trang 127 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách

Chủ điểm Cộng đồng gắn bó

(a) Tìm đọc bài thơ, đồng dao, ca dao,....

Gợi ý:

(b) Ghi chép và trang trí Nhật kí đọc sách.

c. Cùng bạn chia sẻ:

– Bài thơ, đồng dao, ca dao,... đã đọc.

– Nhật kí đọc sách.

– Từ ngữ dùng hay.

– Điều tâm đắc khi đọc bài thơ, đồng dao, ca dao,... và giải thích lí do.

- ?

d. Ghi lại một đoạn mà em thích trong bài thơ, đồng dao, ca dao,... được bạn chia sẻ.

(e) Đọc một bài thơ, đồng dao, ca dao,... được bạn chia sẻ mà em thích.


Phương pháp giải:

Em tìm đọc bài thơ,… và hoàn thành theo yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

Em tìm đọc bài thơ,… và hoàn thành theo yêu cầu.