Bài 24: Tinh thần học tập của nhà Phi-Lít trang 117 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Trao đổi với bạn: Trong việc học, ai là người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất?
Khởi động
Trả lời câu hỏi khởi động trang 117 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Trao đổi với bạn: Trong việc học, ai là người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất?
Phương pháp giải:
Em dựa vào trải nghiệm của bản thân và chia sẻ với bạn.
Gợi ý:
- Người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất là ai?
- Người đó đã truyền cảm hứng cho em như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Trong việc học, bố là người đã truyền cảm hứng cho em nhiều nhất. Bố em là một kĩ sư. Bố học rất giỏi và làm việc cũng rất giỏi nữa. Mỗi khi em học bài, bố đều ngồi bên cạnh, giúp đỡ em. Bố thường kể cho em nghe về những câu chuyện về các nhà khoa học nổi tiếng, về thế giới bao điều kì diệu ngoài kia,… Chính những điều đấy đã truyền cảm hứng khiến em cố gắng học tập thật tốt để mai sau trở thành người giỏi giang.
Nội dung bài đọc
Câu chuyện là một ngày học tập cũng như cách học tập của Phi-lít: học mọi lúc, mọi nơi, học theo nhiều cách khác nhau và đặc biệt Phi-lít luôn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của gia đình. |
1
Trả lời câu hỏi 1 bài đọc trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
TINH THẦN HỌC TẬP CỦA NHÀ PHI-LÍT
Phi-lít sinh ra và lớn lên trong một thị trấn nhỏ cùng bố mẹ và anh trai. Cậu bé rất ham học hỏi. Cậu hăng say nghiền ngẫm mọi cuốn sách hay tờ báo mình có được. Cậu luôn tập trung lắng nghe mọi người trong thị trấn chuyện trò để biết được thế giới bên ngoài. Phi-lít được như vậy là nhờ cách giáo dục của cha.
Cha Phi-lít luôn cho rằng, điều đáng buồn nhất là cả ngày không học được thứ gì. Vì vậy, để giữ gìn và phát huy tinh thần học tập cho cả gia đình, ông yêu cầu mỗi ngày ai cũng phải học được kiến thức mới, rồi trao đổi với nhau sau bữa tối. Chẳng hạn một hôm, như thường lệ, cha Phi-lít nói:
– Phi-lít, hãy cho cha biết hôm nay con học được gì mới.
– Con biết được dân số Nê-pan là bao nhiêu. – Phi-lít dáp.
– Dân số của Nê-pan à? Ừ, tốt lắm! – Cha cậu nói.
Sau đó, cha quay sang hỏi mẹ:
– Mẹ nó có biết dân số của Nê-pan là bao nhiêu không? Mẹ cậu cười, hỏi lại:
– Nê-pan ư? Nó ở đâu nhỉ?
- Phi-lít! – Cha nói. – Con mang bản đồ thế giới ra đây, chúng ta cùng xem vị trí địa lí của Nê-pan nhé!
Tấm bản đồ được trải ra nền nhà. Cả nhà xúm lại tìm xem Nê-pan ở đâu. Thời thơ ấu, Phi-lít chưa thấy được lợi ích của phương pháp học tập đó. Sau này, Phi-lít thi đỗ đại học. Cậu theo học một số vị giáo sư nổi tiếng. Điều khiến cậu thấy thú vị là có những kiến thức các giáo sư dạy khá giống với thứ cha từng yêu cầu cậu học, chỉ là phát triển hơn lên mà thôi.
(Theo Trương Cần)
Ở đoạn mở đầu của câu chuyện, Phi-lít được giới thiệu như thế nào?
- Nơi sinh sống
- Sở thích
- *
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn đầu tiên của bài đọc để tìm câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Ở đoạn mở đầu của câu chuyện, Phi-lít được giới thiệu:
- Nơi sinh sống: một thị trấn nhỏ.
- Sở thích: ham học hỏi.
- Hoạt động thường ngày:
+ Nghiền ngẫm mọi cuốn sách hay tờ báo mình có được.
+ Tập trung lắng nghe mọi người trong thị trấn chuyện trò để biết được thế giới bên ngoài.
2
Trả lời câu hỏi 2 bài đọc trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Cha Phi-lít yêu cầu cả gia đình làm gì mỗi ngày? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ hai của bài đọc để tìm câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Cha Phi-lít yêu cầu cả nhà phải học được một kiến thức mới mỗi ngày và trao đổi với nhau sau bữa tối.
Vì ông cho rằng, điều đáng buồn nhất là cả ngày không học được thứ gì.
3
Trả lời câu hỏi 3 bài đọc trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Em có nhận xét gì về việc cả gia đình Phi-lít xúm lại xem bản đồ thế giới?
G:
Cả gia đình cùng học rất vui.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Cả gia đình Phi-lít rất ham học hỏi.
4
Trả lời câu hỏi 4 bài đọc trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Phương pháp học tập của gia đình mang lại lợi ích gì cho Phi-lít?
Phương pháp giải:
Em đoạn văn cuối cùng của bài đọc, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Phương pháp học tập của gia đình mang lại cho Phi-lít những lợi ích:
- Giúp Phi-lít thi đỗ đại học.
- Giúp cậu có nền tảng kiến thức để khi cậu theo học một số vị giáo sư nổi tiếng, những kiến thức các giáo sư dạy khá giống với thứ cha từng yêu cầu cậu học, chỉ là phát triển hơn lên.
5
Trả lời câu hỏi 5 bài đọc trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Em muốn điều chỉnh những gì về cách học của mình sau khi đọc câu chuyện Tinh thần học tập của nhà Phi-lít?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Em muốn điều chỉnh:
- Mỗi ngày học một kiến thức mới, không chỉ kiến thức trong sách vở hay trên lớp.
- Học cùng bố mẹ hoặc người thân để có động lực hơn.
- Khi gặp kiến thức khó, cùng người thân tìm câu trả lời.
-….
1
Trả lời câu hỏi 1 vận dụng trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Tìm đại từ xưng hô trong đoạn sau và cho biết chúng được dùng để chỉ ai.
Phi-lít! – Cha nói. – Con mang bản đồ thế giới ra đây, chúng ta cùng xem vị trí địa lí của Nê-pan nhé!
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn và vận dụng kiến thức về đại từ xưng hô để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Đại từ xưng hô “con” dùng để chỉ Phi-lít.
- Đại từ xưng hô “chúng ta” dùng để chỉ gia đình Phi-lít.
2
Trả lời câu hỏi 2 vận dụng trang 118 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Chọn từ thích hợp thay cho bông hoa.
kiến thức
trí thức
trí nhớ
a. * là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn.
b. * là những hiểu biết do tìm hiểu, học tập mà có được.
c. * là khả năng giữ lại và tái hiện ra trong trí óc những điều đã biết, đã trải qua.
Phương pháp giải:
Em giải nghĩa các từ và đọc kĩ các câu để điền từ thích hợp.
Lời giải chi tiết:
a. Trí thức là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn.
b. Kiến thức là những hiểu biết do tìm hiểu, học tập mà có được.
c. Trí nhớ là khả năng giữ lại và tái hiện ra trong trí óc những điều đã biết, đã trải qua.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 24: Tinh thần học tập của nhà Phi-Lít trang 117 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức timdapan.com"