Bài 23: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện trang 116 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện em đã đọc, đã nghe.


Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện em đã đọc, đã nghe.

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 116 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Dựa vào các ý đã tìm được trong hoạt động Viết ở Bài 22, viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài.

Phương pháp giải:

Em tiến hành viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài dựa vào các ý đã tìm được trong hoạt động Viết ở Bài 22.

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện mà em thích nhất là truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Câu chuyện đã cho em nhiều suy nghĩ về nguồn gốc thiêng liêng của cộng đồng người Việt. Câu chuyện kể về sự gặp gỡ định mệnh giữa hai vị thần Lạc Long Quân và Âu Cơ. Họ kết hôn và kết quả là một bọc trứng với 100 người con. Lạc Long Quân, vị vua của vùng sông nước, không thích sống trên cạn, nên họ quyết định chia 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên rừng. Người con trưởng theo Âu Cơ trở thành vua Hùng, sáng lập nhà nước Văn Lang. Những chi tiết kì ảo về hình tượng bọc trăm trứng, về mẹ nòi giống Tiên, Rồng đã khiến em thêm tự hào, tin yêu, tôn kính tổ tiên, dân tộc mình và cũng làm tăng sức hấp dẫn của câu chuyện. Và rồi từ bọc trăm trứng, 100 người con đã ra đời và nửa theo cha lên rừng, nửa xuống biển cùng mẹ. Dù cách xa như vậy, dù người đồng bằng hay miền núi, dù miền ngược hay miền xuôi nhưng tất cả cùng chung một dòng máu, một cội nguồn, chung mẹ cha trong một gia đình. Lời dặn dò của Lạc Long Quân đã phản ánh ý nguyện của nhân dân ta về sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Truyện đã đề cao nguồn gốc chung và biểu hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất của nhân dân của mọi miền đất nước. Truyện Con Rồng cháu Tiên tuy có những yếu tố tưởng tượng, kì ảo nhưng về cơ bản đã giải thích, suy tôn nguồn gốc của đất nước ta. Đồng thời truyện cũng thể hiện niềm tự hào dân tộc, ý nguyện đoàn kết, thống nhất từ xa xưa của cộng đồng người Việt: dù ở bất cứ đâu, đồng bằng hay miền núi, trong Nam hay ngoài Bắc, người Việt Nam đều là con cháu các vua Hùng, có chung dòng dõi “con Rồng cháu Tiên”, vì thế phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.


Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 116 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Đọc soát và chỉnh sửa.

- Cách sắp xếp các ý trong đoạn văn

- Cách tóm tắt câu chuyện

- Cách nêu những điều em yêu thích ở câu chuyện

- Cách sử dụng từ ngữ, câu văn nêu tình cảm, cảm xúc

Phương pháp giải:

Em đọc soát và chỉnh sửa dựa vào gợi ý.

Lời giải chi tiết:

Em đọc soát và chỉnh sửa dựa vào gợi ý.


Vận dụng

Trả lời câu hỏi vận dụng trang 116 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Tìm đọc truyện Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Chia sẻ với người thân suy nghĩ của em về nhân vật Dế Mèn.

Phương pháp giải:

Em tìm đọc truyện Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài qua sách báo, internet,…

Em chia sẻ với người thân suy nghĩ của em về nhân vật Dế Mèn.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ:

Trong cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài, Dế Mèn là nhân vật chính, được khắc họa vô cùng sinh động, chân thực. Nhà văn đã khắc họa nhân vật qua nhiều phương diện từ ngoại hình, tính cách đến hành động, lời nói. Ở đoạn mở đầu, Dế Mèn tự giới thiệu về ngoại hình của bản thân một cách đầy tự hào. Do ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực nên Dế Mèn rất chóng lớn, chẳng bao lâu đã trở thành một chàng dế thanh niên khỏe mạnh, cường tráng. Từng bộ phận trên cơ thể của Dế Mèn được miêu tả vô cùng chi tiết. Đôi càng thì “mẫm bóng” cùng “những cái móng vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt”. Thân hình “rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn”. Đầu “to ra và nổi từng tảng, rất bướng”. Hai cái răng thì đen nhánh và “lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc” cùng với sợi râu “dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, từ đó, hình ảnh Dế Mèn hiện lên giống như một con người vậy. Bên cạnh ngoại hình, hành động và lời nói của Dế Mèn cũng được miêu tả cụ thể để làm nổi bật lên tính cách. Để thử sự lợi hại của những chiếc móng, Dế Mèn đã “co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ”. Cậu đã tự nhận xét về bản thân: “Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu”, “thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái”. Dế Mèn có tính cách kiêu căng, ngạo mạn. Dế Mèn là một nhân vật trong truyện đồng thoại, vừa mang đặc điểm của loài vật, vừa mang những đặc điểm của con người. Qua nhân vật này, Tô Hoài cũng muốn gửi gắm bài học ý nghĩa cho bạn đọc.



Từ khóa phổ biến