Bài 18: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long SGK lịch sử và địa lí 9 Cánh diều

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có thiên nhiên đa dạng với nhiều ưu thế, đang được khai thác và cải tạo. Vậy điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của vùng có những thế mạnh và hạn chế gì? Sự phát triển, phân bố các ngành kinh tế ra sao? Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm gì nổi bật?


Mở đầu

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có thiên nhiên đa dạng với nhiều ưu thế, đang được khai thác và cải tạo. Vậy điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của vùng có những thế mạnh và hạn chế gì? Sự phát triển, phân bố các ngành kinh tế ra sao? Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm gì nổi bật?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II để chỉ ra những thế mạnh, hạn chế của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long (SGK trang 185)

- Đọc kĩ phần IV để chỉ ra sự phát triển, phân bố các ngành kinh tế (SGK trang 188)

- Đọc kĩ phần V để những đặc điểm nổi bật của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (SGK trang 191)

Lời giải chi tiết:

- Thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên:

+ Thế mạnh: địa hình thấp, nhiều ô trũng, đất phù sa sông, đất phèn, đất mặn; khí hậu xích đạo 2 mùa mưa - khô rõ rệt; sông ngòi, kênh rạch dày đặc; khoáng sản dầu mỏ, than bùn; rừng tràm, rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển; vùng biển rộng, nhiều đảo, tài nguyên phong phú.

+ Hạn chế: diện tích đất phèn, đất mặn lớn, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán,…

- Sự phát triển, phân bố các ngành kinh tế:

+ Nông nghiệp và thủy sản: vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm; thủy sản đứng đầu cả nước về nuôi trồng và khai thác.

+ Dịch vụ: thương mại, du lịch

+ Công nghiệp: nhiều tiềm năng phát triển, cơ cấu đa dạng.

- Đặc điểm vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: thành lập năm 2009, diện tích 16,6 nghìn km2, có nhiều lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản.


? mục 1

Dựa vào thông tin và hình 18.1, hãy:

- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Trình bày phạm vi lãnh thổ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ (SGK trang 185)

- Dựa vào hình 18.1, chỉ ra đặc điểm vị trí địa lí của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phạm vi lãnh thổ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm vị trí địa lí: nằm ở phía nam nước ta, 3 mặt giáp biển, giáp với Đông Nam Bộ, giáp Cam-pu-chia.

- Đặc điểm phạm vi lãnh thổ: gồm TP Cần Thơ và các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Vùng biển rộng lớn, nhiều đảo và quần đảo, có thành phố đảo Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải.


? mục 2

Dựa vào thông tin và hình 18.1, hãy phân tích thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (SGK trang 185)

- Dựa vào hình 18.1, chỉ ra thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Địa hình, đất: địa hình thấp, bề mặt đồng bằng nhiều ô trũng lớn: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Đất phù sa sông, đất phèn, đất mặn. Đất phù sa sông thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Khí hậu cận xích đạo với 2 mùa mưa - khô rõ rệt, nền nhiệt cao, số giờ nắng nhiều, lượng mưa lớn => thuận lợi phát triển nông nghiệp và công nghiệp sản xuất điện.

- Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, hệ thống sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu) diện tích lưu vực lớn, chế độ nước điều hòa => cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển giao thông và du lịch.

- Khoáng sản dầu mỏ ở thềm lục địa (bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu), than bùn (Tứ giác Long Xuyên, Tiền Giang, Hậu Giang) => nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp.

- Rừng: diện tích rừng chiếm khoảng 1,7% cả nước. Hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn với nhiều vườn quốc gia (U Minh Thượng, U Minh Hạ), khu dự trữ sinh quyển (Mũi Cà Mau, Kiên Giang). Rừng là nơi sinh sản của nhiều loài động vật, nơi trú đông của các loài chim di cư quý hiếm => ý nghĩa lớn về môi trường và du lịch.

- Biển, đảo: vùng biển rộng, nhiều đảo, tài nguyên biển phong phú, ngư trường trọng điểm Cà Mau - Kiên Giang, nhiều bãi biển đẹp => phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.

- Hạn chế: diện tích đất phèn, đất mặn lớn, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường gia tăng,…


1

Dựa vào thông tin, hãy phân tích đặc điểm dân cư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần III – mục 1. Dân cư (SGK trang 187)

- Phân tích đặc điểm dân cư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Quy mô dân số đông, khoảng 17,4 triệu người, chiếm 17,7% dân số cả nước (2021). Tỉ lệ gia tăng dân số là 0,6%, thấp hơn mức trung bình cả nước do tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp.

- Cơ cấu dân số nhóm từ 15 - 64 tuổi chiếm tỉ lệ cao, khoảng 69,4%; tỉ số giới tính của vùng là 98,5 nam/100 nữ (2021).

- Mật độ dân số cao hơn trung bình cả nước, năm 2021 là 426 người/km2, dân cư tập trung đông ở ven sông Tiền, sông Hậu, nơi có đất đai màu mỡ.

- Năm 2021, tỉ lệ dân thành thị chiếm 26,4% dân số vùng. TP Cần Thơ là đô thị lớn nhất, là hạt nhân phát triển kinh tế của vùng.


2

Dựa vào thông tin, hãy phân tích một số vấn đề xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần III – mục 2. Một số vấn đề xã hội (SGK trang 188)

- Phân tích một số vấn đề xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Vùng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc: Kinh, Chăm, Khơ-me, Hoa,… tạo nên văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc truyền thống.

- Trong những năm qua, thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ người biết chữ, chỉ số HDI của vùng đều tăng (HDI các tỉnh năm 2021 đều thuộc nhóm trung bình và khá).

+ Thu nhập bình quân đầu người một tháng tăng từ 1247 nghìn đồng (2010) lên 3713 nghìn đồng (2021).

+ Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ tăng từ 92,2% (2010) lên 93,9% (2021).


1

Dựa vào thông tin và hình 18.2, hãy trình bày đặc điểm phát triển, phân bố ngành nông nghiệp và thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 1. Nông nghiệp và thủy sản (SGK trang 188)

- Chỉ ra đặc điểm phát triển, phân bố ngành nông nghiệp và thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm ở nước ta. Năm 2021, tỉ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 32% GRDP của vùng. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu hàng hóa.

+ Lúa gạo: đứng đầu cả nước về diện tích (53,9%), sản lượng (55,5%) năm 2021. Nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Các tỉnh có sản lượng lúa lớn: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang.

+ Cây ăn quả: là vùng sản xuất lớn, chiếm khoảng 33% diện tích cả nước, các loại cây chủ lực: nhãn, cam, xoài, bưởi, chôm chôm, sầu riêng,…Hình thành các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long,…

- Thủy sản phát triển mạnh, đứng đầu cả nước về nuôi trồng và khai thác:

+ Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng nhanh, chiếm khoảng 70% sản lượng cả nước, cá tra, tôm có giá trị xuất khẩu cao. Các tỉnh nuôi trồng thủy sản nhiều: Đồng Tháp, An Giang,…

+ Sản lượng thủy sản khai thác chiếm khoảng 38,5% so với cả nước, chủ yếu là cá biển. Các tỉnh có sản lượng thủy sản khai thác lớn: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre.


2

Dựa vào thông tin và hình 18.2, hãy trình bày đặc điểm phát triển, phân bố ngành dịch vụ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 2. Dịch vụ (SGK trang 190)

- Chỉ ra sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

Dịch vụ là ngành kinh tế đóng góp lớn đối với kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên phát triển các ngành thương mại, du lịch:

- Thương mại: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng qua các năm, đạt 834,9 nghìn tỉ đồng (2021).

+ Hoạt động ngoại thương được đẩy mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản (gạo chiếm 90%, cá tra chiếm 100%, tôm chiếm 80% cả nước).

+ Hoạt động thương mại chú trọng xây dựng hệ thống các kho chứa và bảo quản nông sản đủ tiêu chuẩn, trung tâm logistics, phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh.

- Du lịch: số lượng khách và tổng thu du lịch tăng qua các năm. Các loại hình du lịch phát triển mạnh: du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước), du lịch biển đảo,… Cần Thơ, Phú Quốc là những địa điểm thu hút nhiều du khách.


3

Dựa vào thông tin và hình 18.2, hãy trình bày đặc điểm phát triển, phân bố ngành công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 3. Công nghiệp (SGK trang 191)

- Dựa vào hình 18.2, chỉ rađặc điểm phát triển, phân bố ngành công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Vùng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 8,2% so với cả nước.

- Cơ cấu công nghiệp đa dạng với nhiều ngành thế mạnh, đang được chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp xanh.

+ Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành, sản phẩm đa dạng, phân bố ở TP Cần Thơ, Long An,…

+ Công nghiệp khai thác dầu thô được đẩy mạnh ở ngoài khơi (mỏ Bun-ga Kê-koa), cung cấp nguyên liệu cho sản xuất khí, điện, đạm ở Cà Mau.

+ Những năm gần đây, công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được phát triển ở Bạc Liêu, Trà Vinh.

- Các trung tâm công nghiệp của vùng: TP Cần Thơ, Tân An, Mỹ Tho, Cà Mau.


? mục 5

Dựa vào thông tin, hãy trình bày những đặc điểm khái quát về vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần V. Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (SGK trang 191)

- Chỉ ra những đặc điểm khái quát về vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lời giải chi tiết:

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập năm 2009, diện tích khoảng 16,6 nghìn km2, (chiếm 5,9% diện tích cả nước).

- Phạm vi lãnh thổ gồm TP Cần Thơ và 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

- Đây là vùng có nhiều lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản của nước ta.


Luyện tập

Hãy giải thích tại sao Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ở nước ta.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 1. Nông nghiệp và thủy sản (SGK trang 188)

- Giải thích tại sao Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ở nước ta.

Lời giải chi tiết:

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ở nước ta vì:

- Vùng có diện tích đồng bằng lớn nhất nước ta, diện tích đồng bằng sông Cửu Long khoảng 40 000 km2. Bề mặt đồng bằng nhiều ô trũng, đất phù sa sông ven sông Tiền, sông Hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Nguồn nước của vùng dồi dào với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Hệ thống sông với diện tích lưu vực lớn và chế độ nước điều hòa cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

- Đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng lúa gạo năm 2021 với 53,9% diện tích gieo trồng và 55,5% sản lượng lúa gạo.

- Là vùng đi đầu trong phát triển các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu (ST, Nàng thơm, Huyết rồng,…).

- Đồng bằng rộng lớn, địa hình bằng phẳng giúp việc cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi.


Vận dụng

Thu thập thông tin và giới thiệu về một địa điểm du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tên, địa chỉ, đặc điểm đặc trưng,…).

Phương pháp giải:

Thu thập thông tin và giới thiệu về một địa điểm du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tên, địa chỉ, đặc điểm đặc trưng,…).

Lời giải chi tiết:

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ, số 46 đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được. Và đây cũng là khu chợ tiêu biểu, sầm uất, nổi tiếng nhất cho nét văn hóa sông nước miền Tây.

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Chợ được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu buôn bán các loại nông sản, trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang nét đặc trưng chung của các khu chợ nổi miền Tây là nằm ngay ngã 3 sông (nhánh sông Cái Răng và sông Hậu).

Trước kia, chợ Cái Răng bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản và mỗi ghe chỉ chuyên bày bán một loại mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, hiện nay chợ đã bán đa dạng hơn như ẩm thực, các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống trên sông. Khác hoàn toàn với chợ trên đất liền, chợ nổi Cái Răng Cần Thơ và các chợ nổi khác của các tỉnh thành miền Tây đều họp từ rất sớm. Từ 4h - 5h giờ sáng là thời gian thích hợp để đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ. Bởi lúc này các ghe xuồng đã bắt đầu đua nhau cập chợ. Đến chợ lúc này, bạn không những sẽ được hòa mình vào không khí sôi nổi, tấp nập kẻ mua người bán mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh chợ nổi tuyệt đẹp khi bình minh ló rạng nữa đấy. Đến trung tâm chợ tầm khoảng 6h sáng, lúc này bạn có thể ăn sáng ngay trên ghe thuyền là vừa đẹp. Về sau, các hoạt động du lịch tại Cái Răng diễn ra nhiều hơn nên chợ bắt đầu sinh hoạt với khung giờ từ 5h - 9h để phục vụ du khách.



Từ khóa phổ biến