Bài 1: Ông ngoại trang 118, 119 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Chân trời sáng tạo

Nói về hoạt động của mọi người trong một bức tranh đưới đây. Tìm những hình ảnh đẹp của thành phố khi sắp vào thu? Ông ngoại đã làm những gì cho bạn nhỏ khi bạn chuẩn bị vào lớp Một? Em thích nhất việc làm nào của hai ông cháu khi đến thăm trường? Vì sao? Vì sao bạn nhỏ gọi ông ngoại là thầy giáo đầu tiên? Nói với bạn về người thầy giáo đầu tiên của em. Viết vào Phiếu đọc sách những điều em ghi nhớ. Chia sẻ với bạn về nội dung bài thơ


Phần I

Nói về hoạt động của mọi người trong một bức tranh đưới đây.

Phương pháp giải:

Em quan sát và nói xem mọi người trong bức tranh đang làm gì?

Lời giải chi tiết:

Bức tranh 1: Bà và cháu đang vui vẻ nói chuyện với nhau về cây trong vườn.

Bức tranh 2: Em thấy mẹ đang dạy bạn nhỏ học bài.

Bức tranh 3: Em thấy bố và hai bạn nhỏ đang ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau.


Phần II

Ông ngoại

1. Thành phố sắp vào thu. Những cơn gió nóng mùa hè đã nhường chỗ cho luồng khí mát dịu mỗi sáng. Trời xanh ngắt trên cao, xanh như dòng sông trong, trôi lặng lẽ giữa những ngọn cây hè phố.

2. Năm nay, tôi sẽ đi học. Ông ngoại dẫn tôi đi mua vở, chọn bút, hướng dẫn tôi cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy tôi những chữ cái đầu tiên.

3. Một sáng, ông bảo:

- Ông cháu mình đến xem trường thế nào.

Ông chậm rãi nhấn từng nhịp chân trên chiếc xe đạp cũ, đèo tôi tới trường. Trong cái vắng lặng của ngôi trường cuối hè, ông dẫn tôi lang thang khắp các căn lớp trống. Ông còn nhấc bổng tôi trên tay, cho gõ thử vào mặt da loang lổ của chiếc trống trường. Tiếng trống buổi sáng trong trẻo ấy là tiếng trống trường đầu tiên, âm vang mãi trong đời đi học của tôi sau này.

4. Trước ngưỡng cửa của trường tiểu học, tôi đã may mắn có ông ngoại - thầy giáo đầu tiên của tôi.

Theo Nguyễn Việt Bắc

Loang lổ: có nhiều mảng màu đan xen, lộn xộn.


Câu 1

Tìm những hình ảnh đẹp của thành phố khi sắp vào thu?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ nhất để tìm những hình ảnh đẹp về thành phố khi sắp vào thu.

Lời giải chi tiết:

Những cơn gió nóng mùa hè đã nhường chỗ cho luồng khí mát dịu mỗi sáng. Trời xanh ngắt trên cao, xanh như dòng sông trong, trôi lặng lẽ giữa những ngọn cây hè phố.


Câu 2

Ông ngoại đã làm những gì cho bạn nhỏ khi bạn chuẩn bị vào lớp Một?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai để tìm những việc làm ông ngoại đã làm cho bạn nhỏ khi bạn chuẩn bị vào lớp Một.

Lời giải chi tiết:

Ông ngoại dẫn bạn nhỏ đi mua vở, chọn bút, hướng dẫn bạn cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy bạn những chữ cái đầu tiên.


Câu 3

Em thích nhất việc làm nào của hai ông cháu khi đến thăm trường? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ ba, suy nghĩ và đưa ra câu trả lời theo ý kiến riêng của mình.

Lời giải chi tiết:

Em thích nhất việc làm ông còn nhấc bổng bạn nhỏ trên tay, cho gõ thử vào mặt da loang lổ của chiếc trống trường. Vì đây là lần đầu tiên bạn nhỏ được nhìn thấy và gõ thử chiếc trống trường; sau này bạn cũng nhớ mãi tiếng trống ấy.


Câu 4

Vì sao bạn nhỏ gọi ông ngoại là thầy giáo đầu tiên?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn văn thứ hai và thứ ba để biết ông ngoại đã dạy bạn nhỏ những điều gì mới khiến cho bạn nhỏ gọi ông là người thầy giáo đầu tiên.

Lời giải chi tiết:

Bạn nhỏ gọi ông ngoại là thầy giáo đầu tiên vì ông ngoại đã hướng dẫn bạn cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy bạn những chữ cái đầu tiên, ông ngoại còn đưa bạn ấy đến thăm các lớp học và gõ thử chiếc trống trường.


Câu 5

Nói với bạn về người thầy giáo đầu tiên của em.

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.

Gợi ý:

- Người thầy giáo đầu tiên của em là ai?

- Người thầy đầu tiên đã dạy em khi nào?

- Người thầy đầu tiên đã dạy em những gì?

- Tình cảm của em đối với người thầy ấy như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Người thầy giáo đầu tiên của tớ là ông nội. Ông đã dạy tớ đọc những chữ cái đầu tiên khi tớ chỉ 5 tuổi. Ông còn đọc truyện cổ tích cho tớ nghe mỗi tối. Vì thế tớ đã biết được rất nhiều bài học hay. Tớ yêu quý ông và biết ơn ông rất nhiều.

Bài tham khảo 2:

Cô giáo đầu tiên của tớ chính là mẹ. Mẹ là người đã dạy dỗ tớ từ khi tớ còn bé xíu. Mẹ không chỉ dạy tớ đọc bài, viết chữ mà còn dạy tớ làm việc nhà, chào hỏi người lớn, quan tâm và chia sẻ với người khác. Mẹ luôn dịu dàng và chăm sóc tớ. Tớ yêu mẹ rất nhiều. Tớ sẽ cố gắng ngoan ngoãn, học giỏi để mẹ luôn vui và tự hào về tớ.


Câu 6

a. Viết vào Phiếu đọc sách những điều em ghi nhớ:

b. Chia sẻ với bạn về nội dung bài thơ

Phương pháp giải:

a. Em hãy tìm và đọc một bài thơ viết về gia đình, sau đó ghi vào phiếu đọc sách các thông tin sau: Tên bài thơ, tác giả, nội dung, vần thơ,...

b. Em hãy nhớ lại bài thơ đã đọc và xem một vài gợi ý sau:

- Bài thơ viết về nội dung gì?

- Bài thơ viết về những ai?

- Mọi người trong bài thơ làm gì?

- Tình cảm của mọi người trong bài thơ như thế nào?

Lời giải chi tiết:

a. Em có thể tham khảo một số bài thơ sau:

Bài thơ 1:

THƯƠNG ÔNG

Ông bị đau chân

Nó sưng nó tấy

Đi phải chống gậy

Khập khiễng khập khà

Bước lên thềm nhà

Nhấc chân quá khó

Thấy ông nhăn nhó

Việt chơi ngoài sân

Lon ton lại gần

 

Âu yếm nhanh nhảu

"Ông vịn vai cháu

Cháu đỡ ông lên!"

Ông bước lên thềm

Trong lòng sung sướng

Quẳng gậy cúi xuống

Quên cả đớn đau

Ôm cháu xoa đầu

"Hoan hô thằng bé

Bé thế mà khỏe

Vì nó thương ông"

(Tú Mỡ)

- Tên bài thơ: Thương ông

- Tên tác giả: Tú Mỡ

- Nội dung: Bài thơ nói về tình cảm yêu thương, lòng hiếu thảo của người cháu dành cho người ông, dìu ông đi khi ông bị đau chân.

- Thể thơ: thơ 4 chữ

Bài thơ 2:

MẸ CỦA EM

Ở nhà, em có mẹ
Bao việc mẹ phải lo
Thúc khuya mà dậy sớm
Mẹ chăm công việc nhà

Thế mà cứ đúng giờ
Mẹ gọi thức em dậy
Nhắc gọn gàng đầu tóc
Việc nào vào việc ấy
Đề em kịp đến trường

Mẹ đã sinh ra em
Đã vì em vất vả
Thương mẹ, em thầm hứa
Ngoan ngoãn và giỏi giang.

Trần Quang Vịnh

- Tên bài thơ: Mẹ của em

- Tên tác giả: Trần Quang Vịnh

- Nội dung: Bài thơ nói về sự vất vả, khó khăn của mẹ và tấm lòng biết ơn, hiếu thảo của bạn nhỏ dành cho mẹ của mình.

- Thể thơ: thơ tự do

b. 

Bài tham khảo 1:

Bài thơ “Thương ông” nói về tình yêu thương của bạn nhỏ dành cho ông của mình. Ông bạn nhỏ bị đau chân nên đi lại khó khăn. Vì thế bạn nhỏ đang chơi thấy ông đi lại khó khăn đã chạy lại đỡ ông bước lên thềm. Ông vui vẻ khen bạn nhỏ ngoan và quên đi cả cái chân đau.

Bài tham khảo 2:

Bài thơ “Mẹ của em” viết về tình cảm của bạn nhỏ dành cho mẹ. Mẹ luôn vất vả với bao việc phải lo mỗi ngày. Bạn nhỏ rất thương mẹ và hứa sẽ chăm ngoan để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với mẹ.