6 quy định mới về hóa đơn áp dụng từ 01/01/2022 kế toán cần biết
- 1. Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
- 2. Phạt cao nhất đến 50 triệu đồng nếu cho, bán hóa đơn
- 3. Bị xử phạt nếu lập hóa đơn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc
- 4. Bị xử phạt nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế
- 5. Không xử phạt nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế
- 6. Thêm trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt
TimDapAnmời các bạn cùng tìm hiểu bài viết 6 quy định mới về hóa đơn áp dụng từ 01/01/2022 kế toán cần biết.
Ngày 01/01/2022 là thời điểm áp dụng của Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, kế toán. Dưới đây là toàn bộ quy định mới tại Nghị định này mà dân kế toán cần đặc biệt lưu ý được TimDapAntổng hợp trong bài viết giúp bạn dễ dàng theo dõi.
1. Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
So với Nghị định 125 trước đây, Nghị định 102/2021/NĐ-CP tăng gấp đôi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, tức là từ 01 năm lên 02 năm.
Tức, 02 năm là khoảng thời gian mà cơ quan có thẩm quyền được xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn. Sau thời gian này, sẽ không còn được quyền xử phạt.
2. Phạt cao nhất đến 50 triệu đồng nếu cho, bán hóa đơn
Nghị định 102 quy định: Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ trường hợp cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hoá đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.
Trước đây, mức xử phạt từ 20 - 50 triệu đồng chỉ áp dụng đối với trường hợp cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.
3. Bị xử phạt nếu lập hóa đơn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc
Nghị định 102 bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định. Mức phạt là 04 - 08 triệu đồng.
Trước đây, Nghị định 125 không quy định xử phạt đối với hành vi nêu trên.
4. Bị xử phạt nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế
Tương tự như trên, Nghị định 102 cũng bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế. Mức phạt là từ 04 - 08 triệu đồng.
Nghị định 102 cũng yêu cầu trong trường hợp trên, các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Trước đây, Nghị định 125 không có quy định xử phạt với trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế.
5. Không xử phạt nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế
Nghị định 102 chỉ quy định phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này.
Trước đây, Nghị định 125, quy định mức phạt trên áp dụng đối với cả hành vi làm mất, cháy, hỏng, hóa đơn đã lập, đã khai, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế đã sẽ không còn bị xử phạt.
6. Thêm trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt
Theo Nghị định 102, sẽ không tính tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong thời gian xem xét, quyết định giảm tiền phạt, bên cạnh trường hợp miễn tiền phạt.
Trước đây, Nghị định 125 chỉ quy định không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong thời gian xem xét, quyết định miễn tiền phạt.
Trên đây là 06 quy định mới về hóa đơn từ 01/01/2022 mà mọi kế toán cần biết theo Nghị định 102/2021/NĐ-CP.
Lưu ý, cũng theo Nghị định này, đối với hành vi vi phạm xảy ra trước ngày 01/01/2022 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết để xử phạt thì áp dụng quy định xử phạt của Nghị định này, nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.
Đối với hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt đã được tiếp nhận trước ngày 01/01/2022 thì áp dụng Nghị định 125/2020/NĐ-CP để xử phạt.