Tóm tắt cuộc khởi nghĩa Bà Triệu
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là sự kết tinh của một chặng đường dài đấu tranh không mệt mỏi của nhân dân ta, cuộc khởi nghĩa đã để lại những bài học lịch sử về việc tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ địa, về phương thức đấu tranh chống xâm lược.
Tóm tắt cuộc khởi nghĩa Bà Triệu
Khởi nghĩa Bà Triệu nổ ra năm 248 ở Thanh Hóa, chống ách đô hộ của nhà Ngô là đỉnh cao của phong trào chống xâm lược của nhân dân ta thế kỷ II-III. Khởi nghĩa nổ ra trong lúc bọn đô hộ có lực lượng hùng mạnh đã củng cố được ách thống trị trên đất nước ta và đang đẩy mạnh dã tâm đồng hoá dân tộc ta.
Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh, em ruột của Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực ở Quân An, quận Cửu Chân (huyện Triệu Sơn - Thanh Hóa). Năm 19 tuổi, bà cùng anh tập hợp nghĩa sĩ lên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ phất cờ khởi nghĩa. Nhân dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân đã nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, đánh thắng quân Ngô nhiều trận. Nhà Ngô lo sợ phải đưa thêm 8000 quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa.
Bà Triệu Thị Trinh đã hy sinh trên núi Tùng (Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Bà Triệu
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy thất bại, nhưng đã để lại một dấu son sáng ngời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Dân tộc ta nói chung, Thanh Hóa nói riêng rất tự hào đã sản sinh ra vị nữ Anh hùng đã làm nên những chiến công rạng rỡ cho dân tộc. Tinh thần yêu nước, chí khí quật cường cùng sự hy sinh lẫm liệt của Bà Triệu không chỉ làm cho kẻ thù khiếp sợ mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.
>> Chi tiết: Nguyên nhân, diễn biến khởi nghĩa Bà Triệu