Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Hemingway
Nhà văn Hemingway
TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng các bạn bài viết về sự nghiệp và cuộc đời của nhà văn Hemingway để tìm hiểu và tham khảo giúp chúng ta hiểu rõ và cuộc đời ông và các tác phẩm nổi tiếng để học tốt môn Ngữ văn.
Tiểu sử
Ernest Hemingway (Ơ-nít Hê-minh-uê) sinh ngày 21 - 7 - 1899 tại Oak Park, I-li-noi. Cha ống là bác sĩ, mẹ là giáo viên dạy nhạc. Ông là con thứ hai trong số sáu chị em. Thuở nhỏ, Hê-minh-uê có năng khiếu âm nhạc nhưng lòng yêu thiên nhiên và tính hiếu động đã khiến ông gần gũi với những chuyến săn bắn, câu cá, đấm bốc... 18 tuổi, ông rời ghế nhà trường sau khi tốt nghiệp trung học và đi làm phóng viên. 19 tuổi ông gia nhập đội Hồng thập tự sang lái xe bên chiến trường I-ta-li-a trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. 20 tuổi, Hê-minh-uê quay lại Hoa Kì với đôi nạng gỗ và tấm huân chương do bị thương trên đất I-ta-li-a.
Ông lấy vợ năm 22 tuổi rồi sang Pháp vừa làm báo vừa bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Cũng trong năm này, ông cho ra mắt truyện ngắn đầu tay Trên miệt Mi-chi-gân (1921).
Hê-minh-uê trải qua bốn cuộc hôn nhân. Ông có ba con trai. Và dẫu là nhà văn Hoa Kì nhưng hầu hết khoảng thời gian trong đời ông lại sống ở nước ngoài. Ông đi nhiều và được xem là thành viên của “Chủ nghĩa xê dịch”. Anh, Pháp, châu Phi, Trung Quốc... đều có dấu chân ông. Ông đặc biệt yêu quý Cu Ba và ủng hộ Phi-đen Cát-xtơ-rô. Cu Ba như là quê hương thứ hai của ông. Tình cảm đó đã được ông gửi qua lời ông lão Xan-ti-a-gô - một người sống ở Ha-ba-na - khi cho lão phát biểu trong Ông già và biển cả: “Mình đang sống trong một thành phố nghĩa tình”.
Tuy luôn sống xa Tổ quốc nhưng nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của ông đa số là người Hoa Kì. Điều này phần nào đã cho thấy bóng dáng thực hay nét hư cấu nguyên mẫu tác giả Hê-minh-uê trong sáng tác của ông.
Hê-minh-uê mất năm 1961 tại Két-chum, Ai-đa-hô, tự sát như nhiều thành viên khác của gia đình.
Văn nghiệp
Năm 1923, cuốn sách đầu tiên của ông - Ba câu chuyện và mười bài thơ - mới được xuất bản. Tính đến cuối đời, tổng số truyện ngắn của Hê-minh-uê là khoảng 100 truyện. Nhiều truyện của ông trở thành khuôn mẫu cho thể loại này. Ta có thể kể tên một vài trong số đó: Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Phran-xít Ma-côm-hơ, Tuyết trên đỉnh Ki-li-man-gia-rô, Rặng đồi tựa đàn voi trắng, Một nơi sạch sẽ và sáng sủa, Người hất khả hại, Những kẻ giết người...
Năm 1926, khi tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc ra đời, Hê-minh-uê mới thực sự nổi tiếng trên văn đàn.
Ba năm sau, Giã từ vũ khí xuất hiện. Cuốn sách kể về mối tình thơ mộng nhưng cực kì bi đát của chàng trung úy Hen-ry và cô y tá Ca-tơ-rin.
Năm 1937, Có và không ra đời, đánh dấu sự quan tâm của Hê-minh-uê đến vấn đề bức thiết của thời đại: cuộc đại khủng hoảng ở Hoa Kì.
Vào những năm 1930, Hê-minh-uê thường đến Tây Ban Nha. Năm 1939, sau nhiều năm theo dõi và đến tham dự cuộc chiến bảo vệ nền Cộng hoà của nhân dân Tây Ban Nha, Hê-minh-uê đã viết nên Chuông nguyện hồn ai.
Nhưng Qua sông vào rừng (1950) lại là một thất bại nữa của Hê-minh-uê. Nhiều nhà phê bình xem ông đã hết thời. Không nản lòng, năm 1952 Ông già và biển cả ra đời. Năm 1953 ông nhận giải Pu-lít-dơ, giải thưởng văn chương cao quý nhất nước Hoa Kì, và năm 1954 là Nô-ben văn chương.
Sau khi ông qua đời, bà Ma-ry vợ ông đã biên tập và cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết: Đảo giữa dòng (1970) và Vườn Ê-đen (1986).
Ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết, Hê-minh-uê còn sáng tác tập thơ 88 bài và các tác phẩm hồi kí, ghi chép... thuộc thể loại không hư cấu (nonfiction): Những thác nước mùa xuân (1926), Chết trong chiều tà (1932), Những ngọn dồi xanh châu Phi (1935), Lễ hội không ngừng (1964) và Mùa hè nguy hiểm (1985).
Phong cách
Ơ-nít Hê-minh-uê được xem là một trong những người đã khai sinh ra nền văn xuôi hiện đại Hoa Kì. Nhiều tác giả Hoa Kì đương đại suy tôn ông làm người khai sinh ra trường phái Chủ nghĩa cực hạn (Minimalism). Một trường phái văn học xuất hiện ở Hoa Kì từ những năm 1920 với phương châm sáng tạo cơ bản là tinh giảm văn chương đến mức tối đa, kiệm lời và kiệm cả cảm xúc... Chuyên được phản ánh trong tác phẩm là chuyện của nhân vật. Các chi tiết, tình tiết phát triển theo nội tại khách quan của nhân vật. Nhà văn không còn là người hiểu biết tường tận mọi ngóc ngách tâm lí, hành động của đối tượng được miêu tả để chi phối, dẫn dắt họ theo chủ đích đã định trước...
Nét nổi bật trong thế giới ngôn từ của kiệt tác là khả năng kiệm lời. Đặc biệt Hê-minh-uê rất hạn chế việc sử dụng tính từ. Còn động từ được dùng để diễn tả hành vi giao tiếp của con người thì hầu như chỉ độc mỗi nói (say) hoặc hành vi tự giao tiếp với chính bản thân nhân vật thì gần như chỉ là nghĩ (think).