Sự tích ông Hoàng Bơ
Sự tích Thánh ông Hoàng Bơ
Ông Hoàng Bơ là một vị thần cai quản miền sông nước. Ông là con trai thứ ba hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, con trai vua Long Vương Bát Hải Động Đình. Để giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về ông Hoàng Bơ thì Tìm Đáp Án xin gửi tới bạn đọc sự tích Thánh ông Hoàng Bơ để bạn đọc cùng tham khảo và có thể hiểu rõ hơn về ông Hoàng Bơ nhé.
Ông Hoàng Bơ
Tên húy của Ngài: Tống Khắc Bính, là thái tử con vua Nam Tống
Sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần
Đền thờ chính: Đền thờ Ngài ở Thanh Hóa gần đền cô Tám. Đền thờ chính của Ngài là ở trên núi nhìn ra biển ở cửa Cờn, ngày nay người ta chuyển thành thờ ông Hoàng Chín, Đền Hưng long và đang được hưng công tại Thái Bình.
Ngài hầu Mẫu ở đền Cờn, Mẫu Hàn Sơn Thanh Hóa, làm việc thoải cung, là 1 trong 4 vị Khâm sai thay quyền vua Mẫu bốn phủ đi bắt lính nhận đồng. Ngài ngự áo xanh theo sắc phong bốn phủ, chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt tay ghệt chân, thắt đai vàng thành hoa trước ngực, múa hèo. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài đi hèo ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài. Đầu năm tháng Giêng, người ta hầu Ngài ngự áo đỏ khăn đỏ chứ không như bây giờ, mặc áo trắng.
Có người lý luận rằng áo Ngài thì Ngài mặc nhưng trong tâm linh Việt Nam cho màu trắng là màu buồn nên đầu xuân kiêng mặc áo trắng. Như vậy mới là hóa thân bất tử giữa trần và âm. Đó là phong cách chứ không phải là sự đơn thuần. Ngài hạ sinh vào thời Nam Bắc Tống phân tranh. Sau khi nhà Nam Tống bị nhà Bắc Tống đánh bại, Ngài dong thuyền ra biển Đông và thác hóa. Thân y trôi vào cửa Cờn được ông Hoàng Chín lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất.
Sau này Ngài phù Lý, Trần anh kinh hiển hách được nhân dân gọi là ông Hoàng Bơ Thoải. Đền thờ Ngài hiện nay đã bị những kẻ vô học chuyển thành đền ông Hoàng Chín. Ngưỡng mong những nhà nghiên cứu cũng như những người có chức có quyền và chức đồng đạo sớm trả lại đền thờ của Ngài theo đúng nghĩa.
Theo tài liệu khác về thân thế Quan Hoàng Bơ:
Cổ nhân có câu: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, nghĩa là người sống nhân đức thì trời đất sẽ ủng hộ giúp đỡ. Từ thủa xưa, mỗi khi đất nước nguy biến, nhân dân cơ cực đều xuất hiện những vị anh hùng cứu dân hộ quốc. Theo tâm linh người Việt, đó là sự diệu kỳ do thiên địa hóa hình, thần tiên giáng thế. Ông Hoàng Bơ Thủy Cung – một vị Thần quản cai cõi miền sông nước đã hóa thân thành Minh Đức Đại Vương hiển tích tại đền Hưng Long, làng Kênh Xuyên, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Thần tích kể rằng:
Làng Kênh Xuyên thủa xưa có hai vợ chồng lão ông Trần Thái Công và lão bà Đặng Thị hiền lành nhân đức đã luống tuổi mà chưa có con nối dõi bèn phát nguyện ra trông coi đèn hương đền thờ Thánh Mẫu Đệ Tam Thủy Tinh. Dầu dãi trải mấy thu không tiếc công lao, lại làm phúc đắp đường, sửa đê, bố thí người nghèo khổ. Công đức cảm động đến Thánh Mẫu, một đêm thái bà nằm mơ thấy một người con gái mình mặc áo trắng mang đai ngọc lưu ly tay ôm một đứa bé trai kháu khỉnh, ngự trên rồng vàng bay lên từ mặt nước nói rằng: “Ta là con gái động đình Long Vương, Thủy Tinh Ngọc Dung Xích Lân Long Nữ Công Chúa thấy vợ chồng ngươi siêng năng làm phúc, chăm sóc đèn hương, nên cho Hoàng tử Long cung đầu thai làm con để lo báo hiếu, sau này sẽ cứu giúp dân lành nhiều phen”.
Giấc mộng tỉnh, thái bà thấy trong lòng khác lạ mà mang thai, đến kỳ khai hoa mãn nguyệt bỗng thấy mây ngũ sắc vây quanh, hương thơm sực nức, từ trên trời hào quang sáng chói như trăm hồng ngàn tía. Đúng ngọ ngày hạ chí mười ba tháng sáu (ngày hội đền Đức Thánh Mẫu) thái bà sinh hạ một cậu bé trai khôi ngô tuấn tú, dung mạo khác thường bèn đặt tên là Trần Minh Đức, tám tháng biết nói, chín tháng biết đi, năm tuổi đã đọc thông sách vở. Lớn lên chỉ mộ về đạo Phật thiền gia dù cho Thái ông, Thái bà có giục giã cũng không màng chuyện hôn nhân phu phụ.
Năm hăm hai tuổi Minh Đức lập một thảo am để hàng ngày nghiên cứu Phật Pháp thuyền gia. Sau khi Thái ông, Thái bà về tiên, thì Minh Đức cũng đi đâu không rõ. Ngôi đền và thảo am để nhang lạnh khói tàn, bỗng một đêm dân làng ai ai cũng đều mơ thấy có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú đầu đội kim khôi, mình mặc áo trắng lưng giắt kiếm bạc, cưỡi trên đôi bạch xà hiện lên trên mặt biển nói rằng: “Ta là hoàng tử long cung, giáng sinh vào để tác phúc cho Thái ông, Thái bà nay hết hạn ta về thủy cung. Dân làng thời phải nên thờ phụng Thánh Mẫu Thủy Tinh cho nghiêm cẩn như xưa khi có nạn ắt ta đến cứu. Về sau sẽ âm phù cho đất đai rộng mãi.”
Sáng dậy ai cũng thuật lại cho nhau giấc mơ y hệt, bèn cung kính sợ hãi mà cho rằng ngôi đền rất linh thiêng nên lập thêm long ngai bài vị Minh Đức Hoàng Bơ Thoải đại vương phụng thờ, hương hỏa ngày đêm không dứt.
Đến năm Giáp Ngọ ngày mười ba tháng tám có bão lớn con đê Ngự Hàm bỗng dưng vỡ toác, nước ngập mênh mông, người chết vật trôi nhiều vô số kể. Việc đắp đê hàn long không thể tiến hành, dân làng bèn nhớ giấc mơ xưa lập đàn cầu đảo, bỗng đâu từ ngoài biển có một ông Bạch mãng xà bơi vào, rắn bơi đến đâu hàn long đến đó, khi hàn long xong thì cũng không thấy rắn trắng đâu nữa. Dân làng đều biết là Minh Đức hoàng tử cứu giúp bèn về đền lễ tạ.
Chánh tổng Tân Hưng lúc đó là cụ Bá Thuần cho xây một ngôi đền ngay chỗ vỡ đê thờ Minh Đức hoàng tử. Chỗ ấy ngày nay là thôn Hưng Long Bắc, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Vì làng Kênh Xuyên được âm phù lên mở rộng mãi ra biển đến nay đã tách thành 4 làng. Kênh Xuyên, Hưng Thịnh, Hải Long và Hưng Long. Đồng thời tâu lên triều đình về sự linh ứng của ngài. Và được triều đình ban phong mỹ hiệu cấp ruộng tế điền để phụng thờ.
Đức thánh hoàng còn được triều Nguyễn sắc phong mỹ tự “Đông Hải, Thủy Tinh, Bạch Long, Linh Phù, Hiển Ứng, Tịnh Tuệ, Bác Huệ, Minh Đức Đại Vương thượng đẳng thần ”. Từ đó đến nay dân thôn phụng thờ và lễ bái đều linh nghiệm, là nơi ngư dân cầu đảo trước mỗi mùa cá và mỗi lần ra khơi. Hàng năm vào mười ba tháng sáu là ngày tiệc đản sinh của Thánh Hoàng dân làng đều tổ chức tế lễ rước kiệu từ đền về chùa lễ Phật và bái yết thánh Mẫu Đệ Tam và hầu bóng, nhiều lần có cá Heo về chầu.
Thỉnh:
Ông Bơ hiện lên mặt nước lạ lùng
Rõ ràng ông Bơ thoải chân dung có khác thường
Dọc:
Ông Bơ thoải đường đường dung mạo
Mặt nhường gương tuyết thảo oai phong
Thanh xuân một đấng anh hùng
Toàn tài văn võ lầu thông đủ mọi đường
Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi
Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang
Vua ban áo trắng đai vàng
Võ hài chân đậm vai mang đôi hèo
Cưỡi ngựa bạch lưng đeo cung tiễn
Tay kiếm thần trước điện bước ra
Thương dân trêu cõi sa bà
Lòng tham chìm đắm đức hoàng khó lên
Trước điện ngọc ông Bơ liền tấu đối
Lên trần gian mở hội phúc duyên
Khâm sai hoàng kíp băng miền
Phong lôi một trận rước ông Bơ lên cõi phàm
Hát sai:
Lòng thành thắp một tuần nhang
Tấu về thoải phú các ban các tòa
Chốn ấy là chốn diêm la
Tầu về thoải phủ vua cha động đình
Vốn dòng ở dưới thoải cung
Thơ chuốc rượu:
Động đình hồ, nước bạc, long lanh
Xôn xao sóng vỗ, thác ghềnh trăng soi
Tay tiên rót chén rượu đào
Dâng nhất tuần sớ, dâng lên cũng mẫu
Dâng lên bệ ngọc các cô dâng mời
Rước ông hoàng Bơ xơi
Dâng nhị tuần á
Tính tình tay tiên, rót chén rượu đào
Dâng lên cũng mẫu, dâng lên bệ ngọc
Các cô dâng vào rước ông Hoàng Bơ xơi.
Phú:
Cây si bóng mát kề bên, bạn tiên dìu dặt rước ông Bơ ngự thuyền
Mực in vách phấn đề thơ, Hồ Tây sóng nước bây giờ người là đây
Thuyền nan, nhè nhẹ một mái chèo.
Ông Hoàng bơ đủng đỉnh dạo Hồ Tây
Sóng, dập dờn, sắc nước, lẩn triều mây
Bát ngát nhẹ, ông Hoàng Bơ cợt người, du lãm
Yên thủy mênh mông vô hạn cản
Càn long vị thủy bất ba tâm
Rượu lưng bầu quan Hoàng Bơ mong mỏi khách chi âm
Xuân vắng vẻ lấy ai mà ngâm họa
Gió xuân thổi nức mùi hương xạ
Nhác trông lên vách phấn đã khô phiền
Thơ ai xin đổi một bài
Bến tầm dương canh khuya đưa khách
Bóng trăng tròn chênh chếch bến ngàn
Đàn tý bà quan Hoàng Bơ khen ai khéo nảy
Giục lòng khách thiên thai hương sặc.
Thơ:
Vậy có thơ rằng
Lau lách, xạc xào, gió hiu hiu thổi
Nửa một khoang đầy sưởi ấm vần thơ
Tay quan Hoàng Bơ nâng bầu rượu ngồi tựa mạn đò
Bút tiên nghiên ngọc họa vần thơ lai láng
Thơ hỏi:
Cung hằng ơi sao lúc mờ lúc sáng
Trăng nhớ thương ai mà khi khuyết khi đầy
Hay trăng còn vương vấn chi đây
Rượu đào chưa cạn chia tay sao đành
Khoan nhặt lái con chèo cửa đến đây ông Hoàng Bơ đã tới
Long lanh mặt nước in mái tam quan
Quan Hoàng Bơ lắng nghe tiếng mõ vang vang
Như rũ sạch lòng phàm trăng treo đỉnh núi
Quan Hoàng Bơ vào niệm phật: ‘Nam mô a di đà phật‘
Tiếng mõ vang vang tiếng chuông chùa thành gọi